18/07/2019 09:27 GMT+7

Vì sao điểm liệt nhiều hơn, tỉ lệ tốt nghiệp thấp hơn 2018?

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Đề thi THPT quốc gia năm nay được đánh giá là "dễ thở" hơn năm 2018 nhưng điểm liệt lại nhiều hơn, tỉ lệ tốt nghiệp thấp hơn. Vì sao như vậy?

Vì sao điểm liệt nhiều hơn, tỉ lệ tốt nghiệp thấp hơn 2018? - Ảnh 1.

Cách tính điểm tốt nghiệp THPT

Có lẽ mấu chốt vấn đề nằm ở cách tính điểm tốt nghiệp THPT và kỷ luật thi cử được siết chặt khi các trường ĐH được giao quyền nhiều hơn tại các hội đồng thi THPT quốc gia.

Về cơ cấu tính điểm xét tốt nghiệp, điểm trung bình lớp 12 từ chỗ có tỉ lệ 5-5 với điểm thi THPT quốc gia của năm trước đã bị giảm xuống theo tỉ lệ 3-7 của năm nay. 

Chỉ một động thái nhỏ này đã có tác động ngay đến tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT. Học bạ dẫu rất đẹp cũng không cứu được thí sinh nếu điểm thi THPT quá thấp. 

Rõ ràng, chất lượng dạy và học bậc THPT vẫn còn một khoảng cách nhất định với một kỳ thi sát hạch với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. 60% câu hỏi đề thi ở mức kiến thức cơ bản nhằm mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, 40% số câu phân loại dùng để xét tuyển ĐH, CĐ.

Ngoài yếu tố thay đổi cách tính điểm, kỷ luật kỳ thi cũng là điều có tác động không nhỏ. Lùm xùm gian lận điểm thi tại một số địa phương phía Bắc trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 không chỉ gióng lên cảnh báo về tình trạng gian lận có tổ chức mà còn đặt ra các vấn đề về hàng rào kỹ thuật và kỷ luật của kỳ thi để chống tiêu cực. 

Năm nay, nhiều kỹ thuật chống gian lận được áp dụng, kỷ luật phòng thi, chấm thi cũng được tăng cường khi các trường ĐH được giao quyền nhiều hơn trong việc tham gia các hội đồng thi. Để tránh trường hợp "cả nể", các trường ĐH địa phương còn không được bố trí coi thi tại tỉnh nhà. Những địa phương dính tiêu cực năm trước đã được tăng cường giám sát hơn trong kỳ thi năm nay.

Mặc dù tỉ lệ tốt nghiệp năm nay giảm hơn năm trước nhưng vẫn còn khá đẹp. Nói như thế bởi nếu so với phong trào "2 không" (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) được Bộ GD-ĐT phát động từ năm học 2006-2007, tỉ lệ này vẫn còn cao hơn hẳn. 

Từ tỉ lệ tốt nghiệp 97-99% của năm 2006, phong trào "2 không" chỉ sau một năm thực hiện đã đưa tỉ lệ tốt nghiệp năm 2007 của nhiều tỉnh về mức dưới 70%, có tỉnh chỉ hơn 40%. Không ít người đã sốc nhưng cũng đồng tình cho rằng đó là con số phản ánh đúng chất lượng giáo dục lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, phong trào "2 không" chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn và tỉ lệ tốt nghiệp những năm sau đó lại được hiện lên bằng những con số rất đẹp nhưng khiến dư luận nghi ngại.

Chỉ cần siết chặt kỷ luật kỳ thi, tỉ lệ tốt nghiệp lập tức biến động, điều này đã diễn ra nhiều lần. Còn nhớ năm 2015, khi các trường ĐH tham gia chủ trì cụm thi THPT quốc gia, chấm thi (cả bài tự luận), tỉ lệ tốt nghiệp lập tức giảm so với năm trước đó. Sau đó, kỳ thi lại được giao cho các sở chủ trì và chấm thi, tỉ lệ tốt nghiệp lại tăng lên, tiêu cực chấn động xảy ra ở nhiều điạ phương.

Từ sự thất thường này, có thể thấy những thay đổi kỹ thuật của kỳ thi chỉ là bề nổi. Nếu học sinh có kiến thức nền tảng thật sự thì dù có tham gia kỳ thi nào, ai tổ chức, chấm thi, kỷ luật siết chặt đến đâu cũng chỉ là kỹ thuật, không là rào cản để học sinh có được điểm số bằng chính thực lực của mình.

Điều quan trọng là sau kỳ thi này, cơ quan quản lý nhà nước nhận ra những gì được và chưa được để có những điều chỉnh phù hợp, nhất là các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học chứ không chỉ dừng lại ở hàng rào kỹ thuật chống gian lận thi cử.

Dự kiến tỉ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước thấp hơn năm ngoái

TTO - Ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT - cho biết từ dữ liệu phân tích điểm thi THPT quốc gia năm 2019, tỉ lệ tốt nghiệp THPT trên cả nước dự kiến đạt 94,06%, giảm 3,51% so với năm 2018.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên