Thí sinh tìm hiểu nộp hồ sơ vào Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Những đổi mới tuyển sinh năm 2022 cần được đánh giá xem xét hiệu quả trước khi tiếp tục được áp dụng ở năm tuyển sinh 2023 sắp tới.
TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)
Các trường đại học đã công bố kết quả xét tuyển đợt 1 năm 2022 sau khi kết thúc giai đoạn xét tuyển.
Giảm chỉ tiêu xét điểm tốt nghiệp THPT
Thật ra, chỉ có phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT mới được xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Còn các phương thức xét tuyển khác như xét tuyển theo học bạ THPT, ưu tiên xét tuyển thẳng theo các tiêu chí của trường ĐH và xét tuyển theo kết quả các kỳ thi riêng của các trường ĐH (như kỳ thi đánh giá năng lực...) đã được thực hiện tại trường.
TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)
Nghĩa là khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT thì thí sinh đã biết mình được xét trúng tuyển (sớm) tại trường. Tuy nhiên, theo quy định xét tuyển lọc "ảo" chung tất cả các phương thức, thí sinh dù được đăng ký xét tuyển nhiều nguyện vọng theo nhiều phương thức khác nhau vào nhiều trường ĐH nhưng trong xét tuyển đợt 1 chỉ được xét trúng tuyển vào một trường ĐH duy nhất ở nguyện vọng cao nhất.
Vì vậy, điều quan tâm nhất của thí sinh trong đợt xét tuyển đầu tiên là điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả trúng tuyển của thí sinh theo nguyện vọng của phương thức nào.
Rất khó để nhận định và đối sánh điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 vì có nhiều yếu tố tác động ngược chiều nhau đối với phương thức xét tuyển này. Ngay từ đầu năm học, đề án tuyển sinh của nhiều trường ĐH đã cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT để chuyển chỉ tiêu sang các phương thức xét tuyển khác như xét tuyển theo học bạ hoặc xét tuyển theo thi đánh giá năng lực.
Đó là chưa kể nhiều trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp chứ không thuần túy điểm thi như Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) hoặc các trường ĐH khối công an. Những trường còn lại xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, năm 2022 vẫn chủ yếu xét tuyển theo tổ hợp các môn thi và phần lớn thí sinh cũng đăng ký xét tuyển theo các tổ hợp các môn của các khối thi truyền thống.
Điểm trung bình các tổ hợp môn xét tuyển năm 2022 giảm trung bình 1 - 1,5 điểm so với năm 2021. Do đó, trước khi công bố điểm chuẩn trúng tuyển đã có dự đoán điểm chuẩn trúng tuyển sẽ không thay đổi nhiều ở tất cả các tổ hợp môn xét tuyển ngoại trừ tổ hợp khối C (văn, sử, địa), thậm chí có thể giảm nhẹ do số lượng thí sinh có tổng điểm thi ba môn của tổ hợp xét tuyển từ 25 điểm trở lên giảm so với năm 2021.
Công nghệ thông tin lên ngôi
Điểm chuẩn khối ngành khoa học sức khỏe giảm nhẹ ở tất cả các trường ĐH, với mức điểm chuẩn cao nhất 27,55 điểm cho ngành y khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM (năm 2021 là 28,2 điểm).
Trong khi đó nhóm ngành công nghệ thông tin (CNTT), khoa học máy tính lên ngôi khi điểm chuẩn tăng mạnh (2 - 3 điểm) so với năm 2021 hoặc là ngành có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất ở nhiều trường ĐH. Ngay cả với các phương thức xét tuyển khác như xét học bạ THPT, đánh giá năng lực và cả theo phương thức kết hợp, ngành CNTT luôn có điểm chuẩn trúng tuyển trong tốp đầu của trường.
Khoa học máy tính là ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), với 28,2 điểm. Các ngành cùng nhóm ngành CNTT của trường này cũng có mức điểm chuẩn trên 27 điểm.
Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) có một năm tuyển sinh được mùa với tất cả điểm chuẩn trúng tuyển của tất cả 13 ngành tuyển sinh đều trên 26 điểm, trong đó ngành kỹ thuật phần mềm và quản trị & phân tích dữ liệu lần lượt là 28,05 điểm và 28 điểm.
Ở một số trường ĐH khác, tuy mức điểm chuẩn trúng tuyển thấp hơn nhưng CNTT vẫn là ngành có điểm chuẩn cao nhất như ở Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
Còn tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), dù điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay chỉ chiếm 20% trong phương thức xét kết hợp nhưng ngành khoa học máy tính vẫn có điểm chuẩn cao nhất là 75,99. Tiếp đó là ngành kỹ thuật máy tính với 66,86.
Lý do điểm chuẩn khối C tăng mạnh
Với các ngành xét tuyển khối C (văn, sử, địa), việc tăng mạnh điểm chuẩn đã được dự báo khi điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT trong tổ hợp xét tuyển tăng mạnh và chỉ tiêu của các ngành xét tuyển khối C vốn rất ít so với các khối xét tuyển khác.
Đến thời điểm này, điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất của các ngành tuyển sinh khối C đạt mức 29,95 điểm (các ngành Đông phương học, Hàn Quốc học, quan hệ công chúng của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Tuy nhiên, so với các tổ hợp xét tuyển khối A, A1, khối B và D1, tỉ lệ các ngành tuyển sinh có mức điểm chuẩn 29 trở lên rất cao: 9/27 ngành tuyển sinh khối C của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Một hệ quả khác của việc tăng điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT của khối C là ngành sư phạm lịch sử có điểm chuẩn tăng đột biến so với năm 2021. Chẳng hạn, ngành sư phạm lịch sử Trường ĐH Quy Nhơn có điểm chuẩn 28,5 điểm, tăng 9,5 điểm; Trường ĐH An Giang (ĐH Quốc gia TP.HCM) tăng hơn 6,5 điểm; Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) tăng 6 điểm... Hiện tượng "đại nhảy vọt" dẫn đến tình trạng buồn cười là ngành sư phạm lịch sử thường nằm dưới đáy điểm chuẩn của các trường trước đây thì năm nay lại vươn lên tốp đầu ở nhiều trường ĐH.
Điểm chuẩn cao hay thấp, tăng hay giảm hoàn toàn phụ thuộc vào tỉ số giữa số thí sinh đăng ký xét tuyển và chỉ tiêu của phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Những ngành có mức điểm chuẩn cao ngất ngưỡng của khối C thật ra có chỉ tiêu tuyển sinh rất ít. Còn những ngành có điểm chuẩn cao ở các khối xét tuyển khác là do số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển rất đông so với chỉ tiêu.
Ngành báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có 2.500 thí sinh đăng ký xét tuyển cho 25 chỉ tiêu; Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) có số thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 gấp 28 lần so với chỉ tiêu; Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) có điểm chuẩn trung bình 26,36 điểm với hơn 14.000 nguyện vọng cho hơn 2.000 chỉ tiêu...
Các trường hồi hộp chờ thí sinh
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TP.HCM - Ảnh: D.PHAN
Thí sinh trúng tuyển sẽ phải thực hiện hai thủ tục. Một mặt phải xác nhận nhập học trên hệ thống theo quy định của Bộ GD-ĐT trước 17h ngày 30-9-2022. Mặt khác phải làm thủ tục nhập học tại trường và bắt đầu năm học mới, muộn hơn mọi năm khoảng một tháng.
Đến thời điểm này, nhiều trường đã biết rõ mình thiếu chỉ tiêu và đã thông báo xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, những trường trên lý thuyết đã tuyển đủ chỉ tiêu sau khi công bố kết quả xét tuyển đợt 1 vẫn phải hồi hộp chờ đến hết ngày 30-9-2022 mới biết thí sinh trúng tuyển có đến đông đủ hay không.
Ngay sau khi công bố kết quả xét tuyển đợt 1, không chờ đến 30-9-2022, hàng loạt trường ĐH đã phải công bố xét tuyển bổ sung với hàng ngàn chỉ tiêu. Có thể sau ngày 30-9 sẽ còn nhiều trường ĐH gia nhập vào các nhóm trường xét tuyển bổ sung.
Các đợt xét tuyển bổ sung được thực hiện tại trường ĐH (bao gồm đăng ký xét tuyển và xét tuyển) chứ không thực hiện chung trên hệ thống như trong đợt 1. Điều này cho thấy những đổi mới tuyển sinh năm 2022 cần được đánh giá xem xét hiệu quả trước khi tiếp tục được áp dụng ở năm tuyển sinh 2023 sắp tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận