Vì sao dịch vụ mua trước trả sau hồi sinh

GIA HUY 16/10/2024 09:35 GMT+7

TTCT - Thị trường mua trước trả sau (BNPL) tại Việt Nam đang khởi sắc trở lại, với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp lớn, mang đến nhiều cơ hội mới cho người dùng, dù cũng còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

Vì sao dịch vụ mua trước trả sau hồi sinh - Ảnh 1.

Ảnh: Braavo Capital

Sau một thời gian im ắng, thị trường BNPL tại Việt Nam đang sôi động trở lại. VPBank và Lotte C&F vừa công bố hợp tác nhằm hỗ trợ khách hàng với dịch vụ BNPL, trong khi PV Oil cùng HDBank ra mắt ứng dụng cho phép người dùng mua xăng trước, thanh toán sau tại gần 900 trạm trên toàn quốc. 

Chỉ hai năm trước, nhiều cái tên đã phải rút lui khỏi sân chơi này như Ree-Pay, Atome hay Kaypay, do kinh tế khó khăn và nợ xấu gia tăng.

Đón gió thương mại điện tử

Điều gì đang thúc đẩy sự hồi sinh của hình thức thanh toán từng khiến nhiều start-up phải từ bỏ cuộc chơi tại thị trường Việt Nam?

Năm 2019, BNPL bắt đầu tăng tốc và đến giai đoạn đại dịch, sự phát triển của phương thức này bùng nổ nhờ vào thương mại điện tử. 

Người dùng tìm kiếm các phương thức thanh toán tiện lợi, dễ sử dụng, thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ các ứng dụng BNPL. Không chỉ các tên tuổi toàn cầu như Klarna, Afterpay và Affirm nổi lên, mà tại Việt Nam thị trường cũng chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt start-up như Fundiin, Kredivo, MoMo, NextPay, Wowmelo, Movi và Lit. 

Các công ty tài chính và ngân hàng cũng nhanh chóng gia nhập cuộc chơi, biến BNPL thành một phần của hệ sinh thái thanh toán, với những cái tên quen thuộc như LotteFinance, FE Credit, Home Credit và các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee, Tiki và Lazada.

Thông thường, BNPL nhắm vào ngành hàng tiêu dùng nhanh như thời trang và mỹ phẩm, với đối tượng chủ yếu là người trẻ. 

Mô hình này cho phép người dùng chia nhỏ khoản thanh toán thành nhiều đợt trong vài tuần, thường không tính lãi, mặc dù nhiều dịch vụ có phí phạt khi thanh toán trễ. 

Theo GlobalData, tổng chi tiêu cho các giao dịch BNPL đã tăng mạnh, từ 33 tỉ USD vào năm 2019 lên 300 tỉ USD năm 2023. Juniper Research dự báo con số này có thể đạt gần 700 tỉ USD toàn cầu vào năm 2028.

Tại Việt Nam, theo Research and Markets, quy mô thị trường BNPL vào cuối năm 2023 đã đạt 1,32 tỉ USD và dự kiến tăng trưởng 44% trong năm 2024, chạm mức 1,9 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng kép hằng năm giai đoạn 2024-2029 được kỳ vọng đạt 29,2%, đưa quy mô thị trường lên mức 6,89 tỉ USD vào năm 2029.

Mô hình hoạt động BNPL khá đơn giản: doanh nghiệp BNPL xây dựng mối quan hệ đối tác với nhà bán lẻ và cung cấp dịch vụ trả sau cho người mua. Để tăng doanh số bán hàng, nhà bán lẻ chấp nhận hình thức thanh toán này và trả một khoản phí trên mỗi giao dịch cho các công ty BNPL. 

Đối với người tiêu dùng, dù không cần thẻ tín dụng họ vẫn có thể nhận hàng trước và thanh toán sau. BNPL cho phép người dùng mua hàng trước rồi trả sau, thường không tính lãi và có hai lựa chọn chính: thanh toán toàn bộ sau khi nhận hàng hoặc chia nhỏ hóa đơn thành nhiều kỳ thanh toán.

Theo Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, hiện chỉ có chưa đầy 10% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng. Chưa kể, hệ thống cho vay tiêu dùng truyền thống thường gắn liền với thủ tục phức tạp, thời gian phê duyệt kéo dài và lãi suất cao khiến nhiều người dùng ngần ngại. 

Sự xuất hiện của BNPL đã cải thiện đáng kể quy trình cho vay, giúp rút ngắn thời gian giải ngân. Bên cạnh đó, BNPL còn có lợi thế về lãi suất và phí. 

Trong khi lãi suất cho vay tiêu dùng thường dao động từ 20-50% mỗi năm, BNPL chỉ yêu cầu một khoản phí nhỏ hằng tháng cùng mức phí phạt thanh toán chậm nếu người dùng không trả đúng hạn. 

Điều này không chỉ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người tiêu dùng, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận tài chính cho một phần lớn dân số vẫn chưa được phục vụ.

Còn nhiều thách thức

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, BNPL cũng đối mặt với không ít thách thức. Một trong những vấn đề chính là khả năng quản lý nợ của người dùng. 

Việc thiếu liên kết với Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) làm các doanh nghiệp BNPL gặp khó khăn trong việc đánh giá và kiểm soát rủi ro tín dụng. Một số start-up đang nỗ lực giải quyết vấn đề này, điển hình như cuối tháng 5 vừa qua Fundiin công bố hợp tác thành công cùng CIC.

Thách thức thứ hai là hạn mức chi tiêu hạn chế, thường chỉ từ 10-20 triệu đồng. Điều này một phần do đối tượng khách hàng mà BNPL nhắm đến chủ yếu là người trẻ từ 23-30 tuổi, chưa có thẻ tín dụng, vừa bước vào thị trường lao động. 

Việc giới hạn hạn mức chi tiêu trở thành chiến lược giúp các công ty BNPL quản lý rủi ro nhưng cũng hạn chế khả năng chi tiêu của khách hàng. Thêm vào đó, thị trường BNPL thường dễ tổn thương, đặc biệt do gắn liền với tình hình thăng trầm của ngành bán lẻ. 

Năm 2023 đã được nhận định là "năm đen tối" của ngành này khi các nền tảng lớn như Tiki, Lazada và Shopee đều ghi nhận doanh thu giảm sút. Mặc dù các công ty vẫn gia tăng doanh thu qua các chiến dịch tiếp thị, biên lợi nhuận lại giảm mạnh, trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của nhiều start-up như Atome, Kaypay và Ree-pay.

Sau giai đoạn ảm đạm, thị trường BNPL bắt đầu hồi phục vào năm 2024 với nhiều tín hiệu khả quan. Ngành bán lẻ trở thành một trong những động lực chính khi dự báo lợi nhuận quý 3-2024 của một số doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh vực này có thể tăng tới 381% so với cùng kỳ năm 2023, theo báo cáo từ MBS Research.

Trong bối cảnh đó, hàng loạt ứng dụng BNPL đã ra mắt thông qua các quan hệ hợp tác chiến lược. Một số ngân hàng nhập cuộc bằng cách mua lại các công ty BNPL sẵn có thay vì phát triển nền tảng riêng nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng để nâng cao khả năng cạnh tranh. 

Một số ngân hàng thì tích hợp BNPL vào hệ thống dịch vụ. Nhiều cái bắt tay đã diễn ra. Ví dụ, Visa đã hợp tác với Sacombank, HDBank, Alepay và NextPay, trong khi Kredivo hợp tác cùng OnePay để mở rộng dịch vụ. 

Gần đây, Be Group ra mắt tính năng bePayLater, được cung cấp bởi Cake by VPBank, cho phép người dùng miễn lãi 45 ngày khi đặt ô tô, xe máy giao hàng, đặt đồ ăn hoặc mua vé xe. 

Ngoài ra, Fundiin đã hợp tác với Medpro để triển khai giải pháp BNPL tại hơn 200 bệnh viện và cơ sở y tế, trong khi Home Credit kết hợp với Traveloka nhằm mở rộng dịch vụ BNPL cho đặt phòng khách sạn và mua vé máy bay.

Nhiều doanh nghiệp BNPL đang quyết tâm theo đuổi mục tiêu tạo ra một thế giới tài chính thân thiện, nơi các giao dịch trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. 

Để mở rộng đối tượng khách hàng, họ không ngừng cải tiến trải nghiệm trực tuyến, thông qua phát triển trang web hấp dẫn, ứng dụng thân thiện và triển khai hàng loạt chiến dịch tiếp thị. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức mà họ phải đối mặt.

Thị trường BNPL tại Việt Nam, dù còn non trẻ với thị phần chưa được định hình rõ ràng, đang dần cho thấy tiềm năng to lớn với nhiều tín hiệu lạc quan từ các doanh nghiệp. 

Bà Hoàng Thị Kim Dung, giám đốc quốc gia của Genesia Ventures, chia sẻ: "Khi càng nhiều doanh nghiệp xuất hiện, họ sẽ cùng tham gia vào việc nâng cao nhận thức về thị trường. Song điều này đồng nghĩa thị trường sẽ phải trải qua quá trình sàng lọc". 

Với sự đa dạng trong trải nghiệm sản phẩm, người dùng sẽ trở nên khắt khe hơn và tìm kiếm những nền tảng đủ tốt để duy trì gắn bó.■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận