12/06/2019 09:51 GMT+7

Vì sao dân Hong Kong 'ghét' luật dẫn độ?

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

TTO - Chủ nhật tuần vừa rồi, Hong Kong lại 'dậy sóng' khi ước tính có tới khoảng 1 triệu người dân đặc khu hành chính này xuống đường phản đối dự luật dẫn độ, mà theo họ, sẽ làm nguy hại tới các quyền tự do của người dân xứ cảng thơm.

Vì sao dân Hong Kong ghét luật dẫn độ? - Ảnh 1.

Cảnh sát chống bạo động tạm giữ người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ tội phạm với Trung Quốc ở Hong Kong ngày 10-6-2019 - Ảnh: Reuters

Dự luật dẫn độ mới, nếu được thông qua, sẽ cho phép nhánh hành pháp của chính quyền Hong Kong xem xét chấp thuận các yêu cầu dẫn độ từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác mà Hong Kong hiện chưa có hiệp định dẫn độ. 

Trong khoảng 20 nước mà Hong Kong có hiệp định dẫn độ thì không có Trung Quốc cũng như lãnh thổ Đài Loan.

Hành pháp muốn nắm quyền

Hiện tại, Hong Kong cũng có cơ chế xử lý yêu cầu dẫn độ đối với các quốc gia còn lại, nhưng theo luật nó phải được xem xét bởi Hội đồng lập pháp.

Chính vì vậy, nhánh hành pháp đưa ra dự thảo luật để nắm quyền này bởi vì theo họ, việc xem xét sẽ nhanh hơn. Phe phản đối lại cho rằng nếu quyền quyết định dẫn độ nay thuộc về 1 người đứng đầu hành pháp, bà đặc khu trưởng Carrie Lâm (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), vốn có quan điểm thân Trung Quốc, sẽ mang lại nhiều hệ lụy nguy hiểm do hai hệ thống tư pháp quá khác nhau.

Điều quan trọng mà theo những người biểu tình phản đối là tinh thần pháp trị, sự độc lập của hệ thống tư pháp và quyền được xét xử tự do công bằng của Hong Kong sẽ bị ảnh hưởng khi có nguy cơ nghi phạm ở Hong Kong, bất kể quốc tịch, bị dẫn độ sang Trung Quốc theo yêu cầu, nơi mà họ cho rằng quyền con người không được bảo đảm cũng như hệ thống tư pháp vẫn còn nhiều bất cập. 

Những người thuộc phe ủng hộ dân chủ ở Hong Kong thì lo sợ những người bất đồng chính kiến với chính quyền Trung Quốc ở Hong Kong có thể bị cáo buộc và dẫn độ về lục địa.

Phe thân chính quyền Bắc Kinh vốn chiếm đa số trong Hội đồng lập pháp gồm 70 ghế thì ủng hộ dự luật này bởi vì cho rằng nó sẽ bịt được các lỗ hổng hiện thời. 

Một vụ án nổi tiếng vào năm 2018 là Trần Đồng Giai, một người Hong Kong, bị cáo buộc giết bạn gái khi hai người đi du lịch ở Đài Loan, chạy trốn về lại Hong Kong, bị bắt với tội danh trộm cắp và xử lý tang vật, nhưng hiện tại Hong Kong không thể dẫn độ theo yêu cầu của Đài Loan. 

Bà đặc khu trưởng Carrie Lâm tuyên bố chính quyền Hong Kong sẽ không lùi bước trước sức ép, bởi vì luật này không chỉ dành để dẫn độ sang Trung Quốc.

Chưa bao giờ lặng sóng

Kể từ khi Hong Kong được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997 theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" thì cảm xúc của người dân Hong Kong đối với chính quyền trung ương Trung Quốc chưa bao giờ hết lặng sóng.

Theo nguyên tắc này, Hong Kong vẫn có thể tiếp tục duy trì hệ thống chính quyền, lập pháp, kinh tế và tài chính, thương mại của riêng mình, và độc lập với chính quyền trung ương Bắc Kinh. 

Chính vì vậy, người dân Hong Kong luôn nhạy cảm với bất kỳ hành động nào của chính quyền đặc khu mà họ cho rằng đang sao chép phương thức quản lý hay mô hình của Trung Quốc lục địa, vốn hiện đang quản lý chặt chẽ cuộc sống của người dân. Họ không muốn Hong Kong nhanh chóng trở thành "một quốc gia, một chế độ" với Trung Hoa lục địa.

Họ đã thể hiện điều đó bằng biểu tình, nổi bật là sự kiện biểu tình năm 2014 với sự tham gia của sinh viên, chiếm giữ đường phố kéo dài hơn hai tháng, để đòi quyền phổ thông đầu phiếu thật sự, trong đó các ứng cử viên cho chức danh người đứng đầu Hong Kong không cần phải được phê chuẩn từ chính quyền trung ương Bắc Kinh.

Vấn đề sâu xa hơn của việc người dân Hong Kong cảm thấy dễ tức giận với chính quyền là do họ cảm thấy chính quyền đang ngày càng chiều theo sức ép từ Bắc Kinh, và đang biến Hong Kong trở thành một thành phố giống bất kỳ thành phố nào khác ở Trung Quốc lục địa.

Người dân Hong Kong có thể có các quan điểm khác nhau về việc liệu Hong Kong có khác Trung Quốc hay không hay cách Hong Kong nên trở thành một phần của Trung Quốc như thế nào, nhưng hầu hết họ có điểm chung là họ tự hào với các quyền tự do rộng rãi và nền tư pháp mà họ thừa hưởng từ chính quyền thuộc địa Anh trước đây. Theo họ, chính những giá trị này duy trì sự đa dạng và làm nên sự thịnh vượng của xã hội Hong Kong.

Liệu dự thảo luật dẫn độ có được thông qua hay không thì chúng ta cũng phải lưu ý năm sau cũng là năm bầu cử của Hội đồng lập pháp Hong Kong.

Chính vì vậy, các đại biểu lập pháp sẽ phải suy tính liệu việc họ thông qua dự luật dẫn độ sẽ có dẫn đến họ bị mất phiếu trong khu vực bầu cử của họ hay không. Tuy nhiên, chỉ có một nửa số đại biểu (35 trên tổng số 70) là được bầu cử thông qua khu vực bầu cử địa lý, còn lại được bầu thông qua các nghiệp đoàn nghề nghiệp và kinh doanh vốn có nhiều quan hệ với Trung Hoa lục địa. 

Do đó, vấn đề phụ thuộc nhiều hơn vào việc bà Carrie Lâm có quyết tâm thúc đẩy thông qua dự luật này không khi bà có được sự ủng hộ của Bắc Kinh. Chắc chắn bà sẽ đối phó với sức ép ngày càng tăng từ người dân Hong Kong và cả các chính quyền phương Tây.

Dự luật qua 3 vòng thảo luận

Theo điều 62 của luật cơ bản (được xem là "hiến pháp" của Hong Kong) thì một dự luật, vốn được đề nghị bởi chính quyền hành pháp, được xem xét thông qua sau khi trải qua ba vòng thảo luận ở Hội đồng lập pháp.

Hiện tại, dự luật này, theo như kế hoạch, được đưa ra thảo luận vòng thứ 2 ở Hội đồng lập pháp vào ngày 12-6 và được thông qua sau vòng thảo luận thứ 3 trước cuối năm nay theo như quy định. Hiện tại các hiệp đoàn nghề nghiệp như giới luật sư, phóng viên, doanh nhân và giáo viên cũng đang kêu gọi thành viên tham gia biểu tình phản đối vòng thảo luận lần 2 của dự thảo luật.

Biển người biểu tình Hong Kong chiếm giữ các đường lớn

TTO - Người biểu tình bắt đầu chiếm giữ các con đường lớn và tụ tập đông đúc quanh tòa nhà Hội đồng lập pháp Hong Kong khi dự luật dẫn độ tiếp tục được đưa ra tranh luận vào sáng 12-6.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên