Cán bộ công chức xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM phải kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau, công việc gấp 2 - 3 lần trước đây - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là những điều được ghi nhận qua các cuộc khảo sát về tổ chức chính quyền và xây dựng Đảng ở những phường, xã đông dân số của Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải. Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ cũng cho thấy công chức tại nhiều nơi ở TP.HCM: giờ hành chính chỉ tiếp dân, liên hệ với cơ quan khác; việc xử lý hồ sơ, viết báo cáo, ghi sổ sách đều dồn cả vào giờ nghỉ trưa và buổi tối.
Làm xuyên trưa, thêm buổi tối
Một ngày làm việc của chị Hà Thu Thủy - cán bộ tư pháp, hộ tịch tại phường Phước Long B (TP Thủ Đức) - bắt đầu từ 7h30.
Ngồi xuống ghế, chị Thủy bắt đầu bấm số gọi người dân đến nộp hồ sơ. Một mình chị Thủy lo rất nhiều đầu việc liên quan đến tư pháp tại phường như khai sinh, khai tử, kết hôn, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác nhận tình trạng hôn nhân, giám hộ, nhận con nuôi và ký sao y chứng thực. Mỗi ngày, chị Thủy giải quyết khoảng 30 hồ sơ tư pháp hộ tịch các loại và ký khoảng 500 chữ ký sao y.
Tiếp dân kết thúc lúc 16h thì chị Thủy có 1 giờ để xử lý các hồ sơ đã nộp trong ngày. Còn tất cả các báo cáo liên quan trong lĩnh vực như cải cách hành chính, soạn thảo các tài liệu trình ký, kể cả việc ghi chép trong các loại sổ hộ tịch liên quan đều được làm ở nhà vào buổi tối. Phường Phước Long B có hai cán bộ tư pháp nhưng một người chuyên nhận và trả hồ sơ sao y chứng thực, vì vậy một mình chị Thủy "cân" hết những công việc tư pháp còn lại.
Cán bộ UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: HỮU HẠNH
Ông Trần Văn Mau, chủ tịch UBND phường Phước Long B, cho biết theo quy định, UBND phường chỉ mở cửa giao dịch đến 11h30 nhưng thực tế thì khi nào hết dân, bộ phận nhận hồ sơ mới được nghỉ. Trụ sở UBND phường lại nằm trên mặt đường lớn nên rất nhiều người tiện đường đến làm hồ sơ bất kể giờ giấc, kể cả giữa trưa. Dân còn nhu cầu thì cán bộ không thể nghỉ.
Với số dân là 40.000 thì phường 25, quận Bình Thạnh nằm ở mức trung bình về dân số nhưng số lượng hồ sơ hành chính khá lớn do mức độ hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội dày đặc.
Mỗi tháng, một cán bộ tư pháp phường xử lý trên 11.000 hồ sơ các loại và thường gặp hồ sơ có từ 10 bản trở lên, thậm chí có hồ sơ đến 50 bản sao y chứng thực. Ngoài ra, cán bộ này còn phụ trách phổ biến, giáo dục pháp luật, quản lý các văn phòng luật sư, phối hợp công tác thi hành án, niêm yết các loại giấy tờ, công văn của các cơ quan tư pháp...
Ở phường này có một cán bộ bán chuyên trách phụ trách các mảng về kinh tế, giao thông, chỉ riêng kinh tế đã có đến 3.700 doanh nghiệp, 1.000 hộ kinh doanh và mấy ngàn trường hợp bán hàng rong.
"Trong giờ hành chính, cán bộ phường chỉ dành thực hiện những công việc liên quan đến người dân và các cơ quan bên ngoài, giờ nghỉ và ban đêm mới xử lý hồ sơ, sổ sách, viết báo cáo. Chuyện cán bộ ở lại trụ sở phường làm việc đến 7-8h tối là bình thường, làm xuyên trưa cũng không có gì lạ" - ông Phạm Văn Tồn, chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh, chia sẻ.
Trong khi đó, như Phòng quản lý đô thị huyện Hóc Môn, tổ cấp phép xây dựng có bảy người và trong sáu tháng đầu năm 2022 phải giải quyết hơn 2.200 hồ sơ xin phép xây dựng. Tương tự, mỗi người ở bộ phận đăng ký kinh doanh của Phòng tài chính huyện phải xử lý hơn 6.000 hồ sơ trong sáu tháng.
Nguồn: UBND TP.HCM, C.NƯƠNG tổng hợp - Đồ họa: TUẤN ANH
3 năm nay, tôi chưa duyệt đơn xin nghỉ phép nhiều ngày nào của nhân viên. Nhà ai có việc, xin nghỉ nửa ngày, tối đó phải ở lại để làm bù. Mỗi người nghỉ phép thì phải có người làm thay nhưng thực sự ai cũng rất nhiều việc nên không nỡ để người khác làm thêm việc của mình, trừ khi bất đắc dĩ như đau ốm, bệnh tật.
Ông TRẦN VĂN MAU (chủ tịch UBND phường Phước Long B)
Chịu không nổi, phải xin nghỉ việc
Số lượng công chức, con người của từng cơ quan đơn vị trong bộ máy nhà nước đều phải thực hiện theo quy định, muốn có thêm người làm việc để giảm tải cho cán bộ là điều không thể. Công việc của mỗi cán bộ, công chức ở những vị trí khác nhau đã được nghiên cứu và mô tả trong đề án vị trí việc làm ở từng địa phương.
Tuy nhiên, đứng trước cường độ và khối lượng công việc thực tế, nhiều địa phương chỉ biết động viên cán bộ hoàn thành nhiệm vụ. Gần như đơn vị nào cũng có người xin nghỉ vì không chịu nổi áp lực công việc, lương thấp, không có thời gian để nghiên cứu, học hỏi, phát triển bản thân và càng không có thời gian cho gia đình. "Có công việc tốt hơn là các bạn nghỉ, nhất là các cán bộ không chuyên trách", ông Phạm Văn Tồn thông tin.
Trao đổi về việc này, trưởng Phòng nội vụ huyện Hóc Môn cho biết chỉ kêu gọi tinh thần trách nhiệm của cán bộ nhân viên. Mỗi người luôn phải cố gắng làm hết phần công việc của mình chứ không có khái niệm làm hết giờ.
Đại diện Phòng nội vụ quận Bình Thạnh thì cho biết cấp quận thực hiện 202 loại thủ tục hành chính trong 39 lĩnh vực, cấp phường thực hiện 132 loại thủ tục hành chính trong 31 lĩnh vực. Mỗi ngày, số lượng hồ sơ, công việc cần giải quyết cho dân trong một số lĩnh vực rất lớn như chứng thực, hộ tịch, xây dựng, kết hôn, đăng ký kinh doanh... Đây là những nhu cầu thiết thực của người dân nên phải bảo đảm đúng tiến độ, đúng thời gian và vì thế áp lực lên cán bộ, công chức rất lớn.
Việc này ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và thể chất của các cán bộ, công chức, nhất là phải làm việc ngoài giờ, không được nghỉ ngơi đủ, áp lực lớn, không có thời gian chăm sóc gia đình. Từ năm 2019 đến nay, quận Bình Thạnh có 27 cán bộ, lãnh đạo và công chức phường xin nghỉ việc, trong đó có 3 lãnh đạo phường, 12 cán bộ đoàn thể, 12 công chức.
Khảo sát: nơi nào cũng nêu khó khăn
Trong các buổi khảo sát việc xây dựng hệ thống chính trị tuyến cơ sở; vấn đề tổ chức bộ máy ở phường, xã đông dân, đặc thù trên địa bàn TP của Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải vừa qua, những phường đông dân như Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) và Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) đều nêu khó khăn chung nằm ở biên chế, nguồn nhân lực; áp lực với lượng công việc, hồ sơ, thủ tục quá tải so với số cán bộ, công chức hiện hữu như cảnh sát khu vực tại phường Bình Hưng Hòa A thiếu hụt đến 37 người khiến một người phải ôm nhiều "tầng" trách nhiệm. Còn ở xã đảo như Thạnh An (Cần Giờ), dù không khó khăn về biên chế nhưng chế độ chính sách, đãi ngộ cũng là trăn trở của các lãnh đạo nơi đây.
Cuộc khảo sát về bộ máy tổ chức, nguồn nhân lực hiện tại của TP này nhằm phục vụ cho việc hoàn thiện dự thảo nghị quyết mới thay nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và đánh giá thực tế tình hình địa phương sau nghị quyết 131 của Quốc hội.
Ngoài tăng biên chế, còn gì nữa?
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Trần Văn Mau cho biết đã nhiều lần kiến nghị tăng biên chế công chức. "Nhiều nơi đề nghị tăng cán bộ không chuyên trách, nhưng điều kiện lương bổng của cán bộ không chuyên trách thấp, không có phúc lợi, không được tăng lương nên trách nhiệm và sự gắn bó của họ cũng hạn chế", ông Mau kiến nghị.
Chủ tịch UBND một phường ở TP Thủ Đức đặt vấn đề: nếu quy định hiện nay không tăng biên chế được thì phải tăng thu nhập cho cán bộ, công chức được không? Khối lượng công việc cần 5 người làm nhưng 3 người có thể giải quyết được thì 3 người đó được hưởng lương bằng 5 người được không? Hoặc khoán việc cho chủ tịch quận, chủ tịch phường với thù lao tương ứng với lượng công việc phải giải quyết hằng năm. Nếu chủ tịch không tuyển thêm người thì có thể sắm thêm máy móc, đầu tư công nghệ để hỗ trợ công chức nhằm giải quyết công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, giảm tải, giảm áp lực cho cán bộ, nhân viên.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng do TP.HCM là một siêu đô thị với khối lượng hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội rất lớn nên nhu cầu về thủ tục hành chính cũng rất cao. Vì vậy, khi giao biên chế cho TP.HCM không đơn thuần chỉ căn cứ vào cấp hành chính chung chung.
Tại buổi làm việc về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM 7 tháng đầu năm mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị TP và các bộ, ngành nghiên cứu nhiều hướng giải quyết cho TP. Có thể tăng lương cho cán bộ, công chức hoặc tăng biên chế cho TP.HCM. Sau đó, UBND TP.HCM đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp để giảm tải công việc cho cán bộ, công chức ở những đô thị đặc biệt.
Theo đó, TP kiến nghị tăng biên chế công chức ở các phường lên 17 người thay vì 15 người theo quy định hiện hành đối với các phường có từ 30.000 dân trở xuống. Ở những phường có dân số đông hơn, cứ thêm 15.000 dân thì phường được thêm 1 biên chế công chức.
Đồng thời, TP cũng kiến nghị với Thủ tướng sửa đổi quy định hiện hành cho phép HĐND TP.HCM được quyết định số lượng cán bộ không chuyên trách tại các xã, phường.
Cần áp dụng khoa học - công nghệ
Các chuyên viên Văn phòng UBND quận Bình Thạnh - bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Ảnh: HỮU HẠNH
PGS.TS Nguyễn Tấn Phát - nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nguyên giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng nếu căn cứ nhu cầu định mức công việc cụ thể thì TP đang thiếu biên chế.
Vì vậy, "lời giải chuẩn xác cho con số dôi dư như có báo cáo từng nêu cần tiếp tục có sự nghiên cứu đa chiều, toàn diện", ông Phát nhấn mạnh.
* Thưa ông, hiện có nhiều ý kiến cho rằng việc đánh giá vị trí việc làm và biên chế công chức của TP.HCM như các tỉnh khác là chưa chính xác. Quan điểm của ông thế nào?
- Thực chất chúng ta mong muốn cán bộ, công chức của TP phải nâng cao năng lực nhiều hơn nữa mà chưa thấu hiểu đầy đủ khó khăn, đặc biệt là khối lượng công việc và tính phức tạp, đặc thù của TP.
Điển hình như chuyện tăng nguồn nhân lực đột xuất nhằm đáp ứng yêu cầu dập tắt đại dịch COVID-19 vừa qua. Giải pháp có lẽ phải xuất phát từ hai phía. Về phía trung ương, tôi cho rằng cần có sự thấu hiểu nhiều hơn khó khăn thật sự của TP, có thể cử cán bộ có trách nhiệm "nằm vùng" ở TP một thời gian để hiểu sâu hơn, tìm ra giải pháp hợp lý.
Ngược lại, phía TP cũng cần tăng cường hơn nữa nhận thức vai trò tiên phong, đầu tàu thực hiện các mục tiêu đổi mới của Nhà nước, tận dụng có hiệu quả hơn nữa những ưu thế về khoa học - công nghệ, khai thác tốt cơ chế đặc thù từ nghị quyết 54 của Quốc hội để tạo thêm động lực cho công chức, viên chức đang làm việc.
* Ông nhận xét gì về tình trạng một số địa phương của TP.HCM, biên chế luôn "mút khung" nhưng cán bộ, công chức luôn quá tải công việc, do năng lực của cán bộ hay do năng suất thấp?
- Có nhiều nguyên nhân nhưng không chỉ đơn thuần so sánh giữa hai đơn vị hành chính đồng cấp để kết luận vấn đề. Một quận tại TP.HCM và một huyện tại tỉnh khác là cùng cấp nhưng dân số và tính chất phức tạp của công việc chênh nhau gấp 10 lần.
Đây không còn là sự khác nhau về lượng mà còn khác nhau về chất. Mặt khác, địa phương dân số đông, công việc phức tạp mà không được quan tâm thỏa đáng, không có phương pháp quản lý phù hợp, không áp dụng khoa học - công nghệ đủ "đô" thì không mong giảm thêm biên chế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội.
* Về phía TP.HCM thì theo ông, TP cần áp dụng những giải pháp gì để giảm tải công việc?
- TP.HCM không chỉ là đầu tàu kinh tế mà còn là nơi đi đầu đột phá nhiều vướng mắc về cơ chế, giải pháp nên cần nghiên cứu áp dụng thêm những biện pháp cần thiết để giảm thêm biên chế, tiệm cận từng bước đòi hỏi của trung ương.
Ví dụ, TP có thể áp dụng khoa học - công nghệ, cách tiếp cận đa chiều và chuyên nghiệp hơn nữa cho một vị trí việc làm. Đồng thời, có cách đãi ngộ tốt hơn cho những nhân sự tham gia giải pháp thí điểm. Từ những thí điểm thành công sẽ nhân rộng ra toàn TP rồi kiến nghị trung ương áp dụng cho cả nước.
Sẽ xem xét tổng thể các vấn đề, trong đó có biên chế
Công chức ở TP.HCM bị quá tải không chỉ vì dân số đông mà còn vì cường độ hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội dày đặc - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề biên chế của TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết hiện nay TP.HCM đang xây dựng đề án báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị, sau đó sẽ trình Quốc hội nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP thay thế nghị quyết số 54. "Cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM sẽ xem xét tổng thể các vấn đề kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề về biên chế" - bộ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Cành (nguyên giảng viên cao cấp của Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng tỉ lệ dân số/công chức, viên chức của TP lớn hơn nhiều địa phương khác.
Vì vậy biên chế cho quận, phường của TP mà cứ định biên như quận, phường của Đà Nẵng, Cần Thơ hay tỉnh, huyện, xã khác thì không hợp lý. Do vậy cần xem lại để lựa chọn chỉ số biên chế theo dân thay vì theo đơn vị hành chính cào bằng như đang thực hiện.
Tuy nhiên, không chỉ là chuyện giảm thấp tỉ lệ dân số/công chức, viên chức mà cần xem xét mức độ phức tạp của công việc để bố trí người cho hợp lý.
Ở đây có những dịch vụ công phục vụ toàn thể nhưng có dịch vụ lại phục vụ từng người dân, vì vậy cần tách dịch vụ nào khi dân số cao chiếm nhiều thời gian và hệ số này ở mức bao nhiêu phần trăm để tổ chức lại bộ máy, người cho hợp lý.
Chẳng hạn, với ngành y tế hay giáo dục của TP khi dân đông, học sinh đông phải mở thêm trường, cơ sở y tế phục vụ lượng người đông hơn nên cần số lượng công chức, viên chức phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, TP giải trình với trung ương để có cơ chế tự chủ biên chế phù hợp.
Ngoài ra, cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết các công việc, thủ tục hành chính để từng bước cắt giảm được nhân lực. Chẳng hạn các dịch vụ như đăng ký tạm trú, tạm vắng, đăng ký doanh nghiệp, kinh doanh qua online hay họp online từ cấp TP xuống quận, huyện, phường, xã... sẽ giúp giảm thời gian, chi phí, con người. Song những nơi đã ứng dụng công nghệ thông tin phổ biến cũng đòi hỏi trình độ nhân lực phải cao hơn để sử dụng được.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, dự kiến trong tháng 8 này, TP.HCM sẽ báo cáo và xin ý kiến Bộ Chính trị về nghị quyết mới này, sau đó sẽ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2022.
THÀNH CHUNG
2022-2026: cả nước đề nghị 242.372 biên chế hành chính
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có tờ trình Chính phủ đề nghị phê duyệt tổng biên chế của cơ quan, tổ chức hành chính giai đoạn 2022-2026 là 242.372. Trong đó bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ 101.546 biên chế.
Địa phương (cấp huyện trở lên) có 140.826 biên chế. Số này đã bao gồm 7.035 công chức phường tại các phường không tổ chức HĐND chuyển thành công chức quận ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Biên chế của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là 1.068. Biên chế hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương là 686.
Các bộ, ngành, địa phương cũng được giao xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 và hằng năm để bảo đảm đến hết năm 2026 giảm tối thiểu 5% biên chế so với năm 2021.
Bộ Nội vụ đề nghị Thủ tướng cho phép bộ có ý kiến về số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương cho cả giai đoạn 2022-2026 và đến hết năm 2026 theo số lượng Bộ Chính trị đã phê duyệt. Số này chưa bao gồm 65.980 biên chế giáo viên được bổ sung giai đoạn 2022-2026, do Bộ Chính trị mới quyết định bổ sung.
Tổng biên chế công chức được Thủ tướng phê duyệt giảm dần những năm qua, năm 2019 là gần 260.000, năm 2020 là hơn 253.000 và năm 2022 là hơn 249.000.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận