23/08/2008 10:11 GMT+7

Vì sao công chức nghỉ việc hàng loạt? Bài 2: Việc nhiều, tâm tư cũng nhiều

PHÚC HUY - CHI MAI
PHÚC HUY - CHI MAI

TT - Ngoài vấn đề thu nhập, không ít cán bộ ở TP.HCM ra đi vì nhiều lý do khác như môi trường làm việc, vị trí công tác không phù hợp.

DrGvxqiu.jpgPhóng to
Công việc của cán bộ quản lý đô thị tại các quận huyện ngày càng nhiều thêm. Trong ảnh: tiếp nhận hồ sơ nhà đất tại UBND Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Phúc Huy
TT - Ngoài vấn đề thu nhập, không ít cán bộ ở TP.HCM ra đi vì nhiều lý do khác như môi trường làm việc, vị trí công tác không phù hợp.

Theo thanh tra xây dựng TP (thuộc Sở Xây dựng), tình trạng cán bộ nghỉ việc cũng diễn ra ở mảng này. Có những cán bộ công tác tại đây đã nhiều năm, được đánh giá có năng lực nhưng cuối cùng vẫn khăn gói ra đi.

Áp lực công việc

Ông Đỗ Phi Hùng, phó giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết trong số cán bộ nghỉ việc thời gian gần đây có một trưởng phòng, một phó phòng và một cán bộ trình độ thạc sĩ thuộc diện đào tạo của Thành ủy. Ông cho rằng ngoài vấn đề thu nhập, áp lực công việc trong ngành xây dựng ngày càng nặng, dư luận chưa hài lòng trong phục vụ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng "dứt áo" ra đi của nhiều cán bộ, đó là chưa nói động viên thì ít nhưng thường bị chê trách, phê bình nhiều khiến cán bộ băn khoăn, tâm tư, thậm chí cảm thấy chán nản.

Ông Hùng cho hay hiện đã phân cấp một số công việc cho quận huyện, sở đã bớt đi thẩm quyền nhưng công việc vẫn không giảm mà càng nhiều thêm. Vị lãnh đạo này thừa nhận làm việc tại các công ty tư nhân có điều kiện tốt hơn: ít đụng chạm, lương cao, có cơ hội học hành...Những yếu tố này đang tác động không ít đến cán bộ công chức.

42,9% cán bộ xin nghỉ việc có trình độ đại học trở lên

Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ TP.HCM, từ giữa năm 2003 đến cuối năm 2007 đã có hơn 6.400 cán bộ công chức xin thôi việc (riêng khối quản lý nhà nước, kể cả cán bộ công chức xã phường khoảng 700 người), chiếm tỉ lệ 6,15% trên tổng số cán bộ, công chức của TP. Trong số đó, công chức loại A (trình độ đại học trở lên) chiếm tỉ lệ 42,9%.

Tạo điều kiện thăng tiến cho cán bộ, công chức

Từ việc khảo sát, đánh giá tình trạng cán bộ công chức nghỉ việc hàng loạt, Sở Nội vụ TP.HCM kiến nghị:

- Đẩy mạnh tiến độ thực hiện đề án cải cách tiền lương và mở rộng hơn nữa khoảng cách giữa mức lương tối đa và tối thiểu.

- Đổi mới phương pháp đánh giá, sử dụng cán bộ công chức, viên chức theo hướng tiệm cận dần với nguyên tắc phân phối theo lao động, chính sách cơ chế có thể phát huy nhân tài, loại được người yếu kém và luân chuyển được nhân lực khu vực nhà nước với khu vực tư nhân, trước mắt là giữa hành chính với sự nghiệp.

Cùng tâm trạng này, phó chủ tịch UBND quận 12 Trần Ngọc Hổ nói qua theo dõi khối quản lý đô thị mà ông phụ trách, rõ ràng áp lực công việc ngày càng nhiều nhưng thu nhập thì chưa tương xứng. Ông so sánh vào cuối năm 2005 - thời điểm ông bắt đầu tiếp cận với lĩnh vực quản lý đô thị - so với hiện nay khối lượng công việc đã tăng gấp rưỡi. Chính điều này không khuyến khích cán bộ tận tâm với công việc, thậm chí một bộ phận cán bộ xem cơ quan nhà nước là môi trường để tích lũy kinh nghiệm, chứ không xác định vào làm để cống hiến. Chờ khi có điều kiện họ sẵn sàng ra đi.

Theo lãnh đạo thi hành án dân sự TP.HCM, tình trạng cán bộ công chức thi hành án nghỉ việc, chuyển công tác đang là một trong những khó khăn, bức xúc của ngành. Chỉ tính riêng trong sáu tháng đầu năm nay đã có khoảng 15 cán bộ nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác. Mặc dù Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án đã vận dụng nhiều biện pháp như: tuyển dụng cả người các tỉnh (không có hộ khẩu thường trú hoặc KT3 tại TP.HCM), hợp đồng lao động với các sinh viên để làm công tác tống đạt giấy tờ nhưng vẫn không tuyển đủ số biên chế được giao.

Lý do cơ bản mà nhiều cử nhân luật mới ra trường từ chối làm trong ngành thi hành án là áp lực trong công việc và mức lương quá thấp. Trong khi đó, nhiều công chức ngành thi hành án sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, đủ điều kiện thời gian để trở thành luật sư đã xin ra khỏi ngành để làm các dịch vụ tư vấn.

Những khoảng trống khó bù đắp

Lãnh đạo một quận khác nêu thực trạng: không ít cán bộ than phiền môi trường làm việc trong các cơ quan nhà nước bị gò bó, không thoải mái, sôi động như bên ngoài. Còn theo lãnh đạo Phòng tài nguyên - môi trường quận Tân Phú, ngoài áp lực từ công việc, từ phía người dân, từ các quy định chồng chéo, cán bộ còn canh cánh nỗi lo: sợ làm sai do một số quy định liên quan đến chính sách đất đai hiện chưa rõ ràng.

Đó là chưa kể muốn sáng tạo, triển khai ý tưởng mới trong công việc ở một số cơ quan nhà nước không dễ, phải thông qua lãnh đạo, qua nhiều bước thủ tục... đôi khi làm thui chột ý chí, nản lòng những cán bộ năng nổ.

Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở Giao thông vận tải TP) cũng rộ lên tình trạng cán bộ xin nghỉ việc. Ông Lê Văn Mùi, trưởng phòng tổ chức - hành chính, cho biết từ đầu năm đến nay có 14 cán bộ nghỉ việc và sáu cán bộ xin chuyển cơ quan (trong tổng số 214 cán bộ của khu). Ông Mùi nói trong số cán bộ ra đi có nhiều người là kỹ sư cầu đường. Hầu hết cán bộ nghỉ việc đều nêu vì lý do cá nhân nhưng qua tìm hiểu phần lớn đều ra làm ở các công ty TNHH.

Lãnh đạo một sở đã nghỉ việc, đang làm bên ngoài tâm sự nhiều người khi vào làm ở cơ quan nhà nước là chấp nhận mức lương không cao để được cống hiến, phát huy năng lực của mình. Nhưng tại một số cơ quan, cán bộ được bố trí không phù hợp với chuyên môn nên làm việc không hiệu quả, cách tốt nhất mà họ chọn lựa là ra đi.

Vẫn theo cán bộ này, xu hướng dịch chuyển lao động là tất yếu và ngay trong thị trường công nhân lành nghề cũng đang có sự biến động này, ước lượng đến cả trăm ngàn người mỗi năm. Vấn đề đáng lo là nếu sự ra đi của hàng loạt cán bộ có chuyên môn giỏi sẽ tạo ra những khoảng trống trong công việc, khó bù đắp. Điều này không những liên quan đến việc tham mưu cho lãnh đạo, cơ quan cấp trên mà còn ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ dân.

pz9s2CZ1.jpgPhóng to
Ông Châu Minh Tỷ (giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM):

Phải chấp nhận

Con số nghỉ việc nếu tính trên tổng số cán bộ công chức toàn TP trong những năm qua thì chỉ vào khoảng 6,15%, bao gồm rất nhiều lĩnh vực, trong đó chủ yếu là khối sự nghiệp giáo dục và y tế. Khối quản lý nhà nước có 698 người. Theo tôi, đây là sự luân chuyển bình thường.

Tôi cũng rất xót trước tình trạng ra đi của nhiều người có trình độ nhưng theo quan điểm của tôi, đó cũng là điều đương nhiên, phải chấp nhận như một sự chia sẻ. Khi Nhà nước đã chọn con đường phát triển kinh tế nhiều thành phần thì yếu tố nguồn nhân lực có trình độ cũng là thế mạnh để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Xét theo bình diện chung, đây chính là trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp, đào tạo nguồn nhân lực cho các thành phần kinh tế khác.

Dĩ nhiên, sự ra đi của các cán bộ đã gây ra "chảy máu chất xám", cơ quan nhà nước sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra. Chính vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần về sửa đổi chế độ lương bổng để giúp cán bộ - công chức có thể trụ lại với cơ quan nhà nước. Tuy nhiên điều này vẫn chưa được trung ương chấp nhận vì rất khó thực hiện.

PHÚC HUY - CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên