Vài ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao trước câu chuyện một nam thanh niên 25 tuổi rơi vào tình trạng sốc phản vệ nặng sau khi thái hành. Thực tế, những trường hợp bị sốc phản vệ vì thực phẩm không hề hiếm, trong đó tôm, thịt gà - 2 thực phẩm vô cùng bổ dưỡng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ sốc phản vệ rất cao.
Nhiều người bị sốc phản vệ sau khi ăn tôm, thịt gà, ruốc biển
Tháng 1/2020, cộng đồng mạng từng lan truyền câu chuyện của một cô gái bị dị ứng khi ăn tôm. Cô chia sẻ, sau khi ăn 3 con tôm được chế biến đơn giản thì thấy cổ họng bị ngứa, mặt và lỗ tai nóng ran. Vài phút sau trên mặt cô gái đã nổi nốt, cổ họng sưng to, khó thở còn lưỡi tê cứng không thể nói chuyện.
Lập tức cô được đưa đến viện cấp cứu, bác sĩ nhận định cô bị sốc phản vệ sau khi ăn tôm, tuy nhiên triệu chứng đến quá nhanh và chỉ cần chậm một chút nữa là có thể ảnh hướng đến tính mạng.
Tháng 5/2019, một bệnh viện tại TP HCM cũng tiếp nhận ca cấp cứu do sốc phản vệ sau khi ăn tôm. Mặc dù đã được người nhà đưa đến cơ sở y tế nhanh chóng nhưng bệnh nhân vẫn rơi vào tình trạng hôn mê sâu hơn 2 tuần. Chỉ khi bác sĩ tiến hành lọc máu, kết hợp thở máy thì mới qua khỏi cơn nguy kịch.
Trước đây, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam -Thụy Điển (TP Uông Bí, Quảng Ninh) cũng từng tiến hành cấp cứu một người phụ nữ 55 tuổi bị ngộ độc thực phẩm và sốc phản vệ độ III. Theo đó, sau khi ăn thịt gà và ruốc biển thì xuất hiện tình trạng đau bụng, ngứa khắp người, ban đỏ toàn thân.
Khoảng 30 phút sau, tình trạng trở nên nghiêm trọng và người phụ nữ này đã bị ngất đi và được người thân lập tức đưa đi cấp cứu.
Vì sao lại có tình trạng sốc phản vệ sau khi ăn?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Khoa học Công nghệ & Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết tình trạng sốc phản vệ (dị ứng nặng) thường xảy ra sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên từ vài phút đến vài giờ. Bệnh thường có xu hướng diễn biến nặng lên rất nhanh và gây tử vong nếu không được xử trí đúng và kịp thời.
Tình trạng sốc phản vệ có thể gặp ở bất cứ ai và có thể thông qua ăn một thực phẩm nào đó. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia các loại thực phẩm như tôm, cá, sữa bò, trứng, lạc, đậu nành là những thực phẩm dễ gây dị ứng nhất.
Dị ứng thức ăn là dị ứng với thực phẩm đưa vào đường tiêu hóa nhưng các biểu hiện chủ yếu lại ở da và những yếu tố gây nặng bệnh lại nằm ở đường hô hấp. Dị ứng thức ăn nếu không được xử lý tốt có thể dẫn đến những hệ lụy khó có thể khắc phục được.
Làm sao để tránh sốc phản vệ khi ăn?
Để tránh sốc phản vệ, các chuyên gia khuyến cáo không được ăn bất cứ loại thức ăn nào bạn từng dị ứng vì phản ứng lần sau có thể nặng hơn, gây sốc phản vệ, nguy hiểm tính mạng.
Người sốc phản vệ sẽ có biểu hiện sưng môi, ngứa miệng lưỡi, ngứa hầu họng. Nặng hơn sẽ ngứa khắp mình mẩy, nổi nốt đỏ kích thước lấm tấm hoặc có thể nổi thành những ban đỏ kích thước lớn, mắt có thể sưng đỏ, chảy nhiều nước mắt.
Nghiêm trọng hơn sẽ có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, khó thở và sốc dị ứng. Trong trường hợp này, cần ngừng ngay đường tiếp xúc với dị vật nguyên. Cho bệnh nhân nằm tại chỗ và gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm y tế địa phương gần nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận