Tại Olympic 2024, 17 kỷ lục thế giới và Olympic đã bị phá vỡ. Dù vậy, đây vẫn là con số ít nhất trong các kỳ Thế vận hội diễn ra ở thế kỷ 21.
Cụ thể, tại Olympic Athens 2004 có 26 kỷ lục bị phá, Bắc Kinh 2008 là 30. Kể từ đó, số kỷ lục thế giới bị phá giảm dần qua các kỳ Olympic. Olympic London 2012 có 28 kỷ lục bị phá, Rio 2016 có 22 lần, Tokyo 2020 là 20 lần.
Và tại Olympic Paris 2024, dù số nội dung thi đấu chỉ kém Tokyo 2020, nhưng Olympic 2024 đã có số lần phá kỷ lục thấp nhất là 17. Điều này dấy lên nhiều nghi vấn rằng phải chăng các VĐV đã dần đạt đến giới hạn của con người.
Lý giải điều này, tiến sĩ Thomas Brownlee, phó giáo sư lĩnh vực khoa học thể thao tại Đại học Birmingham, cho rằng kể từ khi bước sang thế kỷ 21, thể thao được chú trọng phát triển chỉn chu và bài bản ở nhiều quốc gia, giúp các VĐV liên tục cải thiện được thành tích. Đó là lý do Olympic 2004 và 2008 có rất nhiều lần kỷ lục thế giới bị phá.
Tuy nhiên, khi giáo trình tập luyện và phát triển tài năng ngày càng phổ biến, không còn nhiều điểm đột phá, khoảng cách trình độ của các VĐV được thu hẹp, sẽ có ít kỷ lục thế giới bị phá vỡ hơn.
"Sau Atalanta 1996, các quốc gia đã biết nhìn nhận để phát triển các môn sở trường. Các trung tâm thể thao quốc gia đã có nhiều nghiên cứu để cải tiến trình độ. Quy trình các VĐV tập luyện, ăn uống và phục hồi đều được chú trọng hơn. Cách đây 20 năm, không ai chú ý đến dinh dưỡng nhưng bây giờ mọi người đều quan tâm đến nó" - tiến sĩ Thomas Brownlee chia sẻ.
Bên cạnh đó, vị tiến sĩ này cũng cho biết rằng khoa học công nghệ thúc đẩy thành tích các VĐV. Những điều chỉnh về luật lệ lẫn cơ sở vật chất đã kìm hãm thành tích tiếp tục gia tăng nhưng tạo ra cuộc chơi công bằng hơn cho các VĐV.
Tiêu biểu là lệnh cấm đồ bơi LZR kể từ năm 2010. Những bộ đồ bơi bằng polyurethane và phủ toàn thân được ví như "doping hợp pháp". Nó được cho là giúp các VĐV săn chắc cơ bắp, tạo sức nổi và sức đẩy tới rất lớn. Đồ bơi này đã bị Liên đoàn Bơi lội quốc tế (FINA) ra luật cấm sử dụng sau khi các kình ngư mặc loại áo này phá hàng loạt kỷ lục thế giới tại Olympic Bắc Kinh 2008.
Các quốc gia vẫn sẽ liên tục chế tạo ra những vật phẩm "hợp pháp" nhằm giúp VĐV tạo lợi thế khi thi đấu. Vậy nên theo ông Brownlee, những nội dung dễ phá kỷ lục thế giới nhất sẽ đến từ những môn thể thao sử dụng trang thiết bị hỗ trợ. Tiêu biểu như đua xe đạp, đã có 5 kỷ lục thế giới bị phá tại Olympic 2024, nhiều nhất trong các môn được tổ chức thi đấu.
Ngược lại, những nội dung khó phá kỷ lục thế giới nhất đến từ điền kinh. Ví dụ, Usain Bolt (Jamaica) vẫn là người đàn ông chạy nhanh nhất thế giới với thời gian 9,59 giây ở nội 100m nam, thiết lập vào năm 2009.
Dù vậy, tiến sĩ Thomas Brownlee cho rằng con người vẫn chưa đạt đến giới hạn. Thành tích của các VĐV vẫn liên tục được nâng cao.
Đơn cử tại nội dung 100m nam Olympic 2024, cả 10 VĐV đều đạt thành tích dưới 10 giây, điều chưa từng có tiền lệ. Hay như Armand Duplantis (Thụy Điển), anh vẫn còn khả năng phá kỷ lục của chính mình sau khi nhảy qua mức sào 6,25m tại Paris năm nay.
"Tôi không nghĩ là chúng ta đã đạt đến điểm bão hòa. Trong 10-20 năm tới, những nghiên cứu về di truyền sẽ được áp dụng để tạo điều kiện cho các VĐV "con nhà nòi" phát huy năng lực.
Đồng thời, sự cá nhân hóa trong giáo trình tập luyện, dinh dưỡng và hồi phục của các VĐV cũng giúp họ đạt thành tích tối ưu nhất. Công nghệ cũng sẽ tiếp tục có những bước nhảy vọt để giúp VĐV cải thiện thành tích" - ông Thomas Brownlee chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận