Cổ phiếu VinFast lao dốc, chứng khoán Mỹ đỏ sàn
Trái với diễn biến tăng sốc ở phiên đầu tiên, cổ phiếu VFS của hãng xe điện VinFast vừa khép lại phiên giao dịch thứ hai trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) vào rạng sáng nay 17-8 (giờ Việt Nam) trong sắc đỏ, giảm điểm.
Vừa vào đầu phiên mã VFS lập tức bị nhà đầu tư dồn dập bán ra, rơi xuống vùng giá 25 USD/cổ phiếu, tương đương giảm hơn 48% so với giá của phiên trước (37,06 USD/cổ phiếu).
Sau đó lực cầu tăng lên, thu hẹp dần đà giảm. Phe bán và phe mua giằng co quanh vùng 28-29 USD/cổ phiếu.
Trải qua áp lực điều chỉnh, cổ phiếu của VinFast chính thức chốt lại phiên giao dịch thứ hai trên sàn Nasdaq với mức giá 30,11 USD/cổ phiếu, giảm gần 19% so với phiên liền trước.
Lượng cổ phiếu được nhà đầu tư "sang tay" trong phiên chỉ đạt hơn 2,8 triệu cổ phiếu, sụt giảm hơn 2,4 lần so với phiên trước.
Với thị giá vừa được xác lập, vốn hóa thị trường của VinFast tụt mức 70 tỉ USD, giảm 15 tỉ USD so với phiên ra mắt.
Cổ phiếu VinFast bị bán ra, vốn hóa bị "bốc hơi" một phần khiến khối tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng bị ảnh hưởng. Cập nhật dữ liệu theo thời gian thực trên bảng xếp hạng của Forbes, vị tỉ phú này đang có khối tài sản 37,5 tỉ USD, giảm gần 16% so với phiên đầu tiên VinFast chào sàn.
Diễn biến cổ phiếu VinFast đồng pha với tình hình chung của thị trường chứng khoán Mỹ. Khép phiên giao dịch, Phố Wall "đỏ lửa" trên cả ba chỉ số chính. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones bị giảm 0,52% xuống còn 34.765,74 điểm. Sắc đỏ cũng bao trùm chỉ số sàn Nasdaq, ghi nhận mức âm 1,15%, rớt xuống vùng 13.474,63 điểm. Chỉ số S&P500 bị giảm 0,76%, lùi về mốc 4.404,33 điểm.
Theo CNBC, tại cuộc họp gần nhất, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã tỏ ra lo ngại về tốc độ lạm phát, cho biết có thể cần tăng lãi suất nhiều hơn trong tương lai, trừ khi các điều kiện thay đổi.
Hầu hết những người tham gia cuộc họp đều ủng hộ việc tăng lãi suất, thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ. Fed cũng lưu ý rằng nền kinh tế có khả năng chậm lại, tỉ lệ thất nghiệp có thể nhích lên.
Lượng cổ phiếu VinFast được mua bán tự do rất nhỏ
Tập đoàn VinGroup và hai doanh nghiệp khác do ông Phạm Nhật Vượng sở hữu (VIG và Asian Star) đang nắm chặt tổng cộng hơn 99% cổ phần của hãng xe điện VinFast.
Mặc dù có hơn 2,3 tỉ cổ phiếu VFS được lưu hành, nhưng VinFast chỉ tung ra khoảng 4,5 triệu cổ phiếu trong số đó cho nhà đầu tư có thể mua bán tự do (free float) trên sàn chứng khoán.
Số cổ phiếu có sẵn để giao dịch so với tổng lượng cổ phiếu lưu hành quá chênh lệch, phản ánh tỉ lệ free float của VinFast nằm mức rất nhỏ.
Tỉ lệ free float của một cổ phiếu được xem là một thước đo quan trọng, đánh giá được những rủi ro tiềm ẩn trong đầu tư.
Đặc điểm của cổ phiếu có tỉ lệ free float nhỏ là chênh lệch giá mua - bán rộng, dễ xảy ra các biến động mạnh (tăng sốc, giảm sâu). Tính thanh khoản hạn chế, nhà đầu tư có thể đối mặt với việc khó bán lại, khó xoay nguồn vốn.
Ngược lại, các cổ phiếu có tỉ lệ free float lớn thường có biến động tăng - giảm giá chậm hơn, nhà đầu tư tự do chuyển nhượng hơn.
Khi VinFast ra mắt sàn chứng khoán Mỹ, bà Lê Thị Thu Thủy, tổng giám đốc VinFast, cho biết: "VinFast sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn để đẩy nhanh quá trình mở rộng thị trường quốc tế, tiếp tục giới thiệu các sản phẩm mới và đem các sản phẩm xe điện đến gần hơn với tất cả mọi người".
Có thể thấy việc hãng xe điện này lên sàn chứng khoán Mỹ là nỗ lực rất lớn, không chỉ mang đến lợi thế lớn về mặt thương hiệu, mà còn mở rộng mối quan hệ với những doanh nghiệp toàn cầu. Song song đó, huy động vốn chính là mục tiêu quan trọng mà doanh nghiệp đang hướng đến.
Lưu ý, tỉ lệ free float cao thường sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng huy động vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu hoặc tăng vốn điều lệ, từ đó thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh. Với diễn biến hiện nay, cần thêm thời gian để đánh giá tốt hơn về cổ phiếu cũng như nắm rõ hơn tình hình huy động vốn của VinFast.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận