Sáng 5-9, vụ nổ bóng bay trong lễ khai giảng tại một trường tiểu học ở Thanh Hóa đã khiến 7 học sinh bị bỏng phải vào viện cấp cứu.
Báo cáo ban đầu của ban giám hiệu cho biết sau phần lễ khai giảng, các thầy cô giáo của Trường tiểu học Yên Phú (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) có thả chùm bóng bay khoảng 20 bong bóng lên trời.
Trong lúc các thầy cô giáo đang thả bóng bay, một số học sinh và phụ huynh chạy vào để lấy bóng.
Lúc này có một phụ huynh hút thuốc lá, vô tình châm lửa từ điếu thuốc vào quả bóng bay gây nổ.
Sau đó nhiều quả bóng trong chùm bóng bay phát nổ làm 7 học sinh bị bỏng, đa số bị bỏng ở tay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chuyên gia hóa học Trần Hồng Côn cho biết hiện nay có hai loại bóng bay phổ biến, một loại được bơm bằng không khí không thể bay, và loại còn lại bơm bằng khí hydro, loại này sẽ nhẹ hơn, có khả năng bay lên không trung.
Đối với loại bóng bay bơm bằng khí hydro, khi bị tác động bởi lửa, bóng sẽ thoát ra khí hydro và cháy trong không khí gây ra tiếng nổ.
Bên cạnh đó, trường hợp nếu quả bóng có khí hydro bị rò rỉ ra bên ngoài gặp khí oxy đến một giới hạn nhất định cũng có thể gây ra cháy nổ gọi là phản ứng tự bốc cháy.
Phản ứng sẽ sinh ra một lượng nhiệt lớn và có thể gây bỏng, một quả nổ sẽ tác động toàn bộ đến những quả bóng khác.
Do vậy, hiện nay rất ít trường hợp sử dụng khí hydro để bơm vào bóng bay mà sẽ bơm khí heli.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Hồng Côn, loại bóng bay bơm bằng khí heli mặc dù an toàn nhưng giá thành khá đắt. Trong khi đó hydro có thể thu được từ phản ứng rẻ tiền như ngâm nhôm với nước vôi sẽ có lãi nhiều hơn.
“Nếu muốn dùng bóng bay nên sử dụng quả bóng được bơm bằng khí heli mặc dù đắt nhưng an toàn. Nếu dùng khí hydro rất dễ gây ra tai nạn”, chuyên gia Hồng Côn nhấn mạnh.
Các bác sĩ khuyến cáo nếu không may bị bỏng do nổ bóng bay bơm khí hydro thì nhanh chóng làm mát vùng da bị bỏng bằng nước mát, sau đó đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận