TTCT - Trò chuyện qua email với tác giả Kyung Sook Shin nhân bà được trao Giải thưởng văn học châu Á 2011 với tác phẩm Hãy chăm sóc mẹ. Phóng to Nhà văn Kyung Sook Shin - Ảnh nhân vật cung cấp Ðể gội rửa lòng mình Trước tiên, chúc mừng chị Kyung Sook Shin với Giải thưởng văn học châu Á 2011 nhờ Hãy chăm sóc mẹ. Sách đã được dịch ra 33 thứ tiếng. Theo chị, vì sao nó cũng được ủng hộ ở Tây Âu (chỉ trong mấy ngày đầu đã bán được 100.000 bản ở Mỹ), nơi chủ nghĩa cá nhân được tôn vinh hơn là đức hi sinh tận tụy? - Có lẽ vì tôi đã đồng cảm với nỗi đau, nỗi bàng hoàng của một gia đình trong một ngày mất mẹ đột ngột. Dù chúng ta có sống ở đâu, TP.HCM, Seoul, New York hay Paris và mặc dù chúng ta ngày hôm nay đã sống cuộc sống hiện đại, nhưng chúng ta vẫn đang mất đi nhiều thứ. Trong từ ngữ Mẹ mà chúng ta thể hiện thật ra đã bao hàm rất nhiều thứ trong đó. Vì vậy, qua hình ảnh của người mẹ mất tích trong tiểu thuyết của mình, tôi mong muốn mọi người phải nghĩ đến mẹ, dù bạn đang sống ở nơi đâu. * Một bài điểm sách trên tờ The New York Times viết quyển sách của chị đã bán được cả triệu bản tại Hàn Quốc, "nơi không còn cái khăn tay khô ráo nào". Có phải quyển sách là tiếng khóc nuối tiếc xã hội dung dị, truyền thống của một Hàn Quốc đang tiến quá nhanh? - Ở Hàn Quốc, tiểu thuyết này đã bán được 1.930.000 bản. Nhưng không phải độc giả khóc vì nó quá buồn. Chúng ta cũng khóc khi chúng ta cảm thấy phải rửa sạch lòng mình và điều trị những căn bệnh trong trái tim. Tôi cũng mong rằng những người đọc sách tôi sẽ không phải khóc vì nỗi buồn, tôi mong họ khóc vì muốn gội rửa lòng mình. Tôi cũng muốn khẳng định và mong muốn mọi người hãy hiểu thêm một lần nữa cho sự thật rằng ban đầu người mẹ sinh ra không phải để làm mẹ. Mẹ cũng được sinh ra, sống, học được từ ngữ mẹ và trở thành mẹ. * Trong quyển sách của chị, cô em của nữ nhà văn cũng nhìn ra được sự thật này. Nhưng như chính cô xác nhận, cô không thể như mẹ, "trao cả cuộc đời mình cho con cái". Phải chăng nghịch lý là ở đây, khi xã hội phát triển, trao cho những người phụ nữ hiện đại nhiều kiến thức và tự do hơn, họ sẽ không thể thương yêu con cái bằng cách mà mẹ họ đã từng? - Tùy theo mỗi thời đại, hình ảnh mỗi người mẹ cũng khác, hình ảnh người mẹ của thiếu nữ Park trong tiểu thuyết của tôi là thời đại mà người mẹ không thể không hi sinh bản thân mình cho con cái hơn chính mình. Nhưng những người mẹ thời đó lại không nghĩ mình đang hi sinh. Họ chỉ nghĩ rằng dù trong tình huống xấu nhất thì vẫn cố gắng hết mình, hi sinh bản thân và đó là vai trò của họ. Vì vậy, họ đã làm vai trò giá đỡ, giúp cho những thứ gọi là sinh linh ấy có thể có cuộc sống tốt hơn. Tôi nghĩ chúng ta không thể yêu cầu phụ nữ hiện đại những điều đó. Thời đại ngày nay có hình ảnh người mẹ ngày nay phù hợp với dòng chảy đó. Tuy nhiên về cơ bản thì dù mẹ của thời nay hay thời nào đi nữa, bản năng về tình yêu thương sẽ vẫn là như một, nó chỉ khác ở cách thể hiện tình yêu và cách yêu thương mà thôi. * Có cách nào không, theo chị, để chúng ta vừa chạy đua trong cuộc hiện đại hóa này, vừa không biến những người ruột thịt trở nên xa lạ vì ta chưa bao giờ hiểu hết? - Nhân vật mẹ trong tiểu thuyết này là bà mẹ của ngày hôm nay tại Hàn Quốc, nhờ những bà mẹ như vậy mà Hàn Quốc có cuộc sống đầy đủ về mặt vật chất như ngày hôm nay. Nhưng chúng ta không thể nói rằng chúng ta sống hạnh phúc hơn thời chúng ta còn nghèo đói. Ví dụ ư? Có thể nói Hàn Quốc là một đất nước có mức sống tốt, nhưng tỉ lệ tự sát lại khá cao. Cuộc sống tốt hơn thế tại sao lại không hạnh phúc chứ? Đó là vì chúng ta đã mất đi mối quan hệ thân thiết giữa con người và con người. Ở thời đại ngày nay, bắt mình một người mẹ đi làm vai trò của người mẹ là không được. Chúng ta phải phục hồi mối quan hệ mà người này phải là người mẹ của người kia. Tôi và anh, anh và tôi, thầy và trò, trò và thầy, và xã hội và cá nhân, cá nhân và xã hội... chúng ta phải thực hiện vai trò những người mẹ cho nhau. Nếu không như vậy, càng ngày chúng ta sẽ càng cảm thấy cô độc hơn mà thôi. Thích thơ văn lê, đã gặp nguyễn ngọc tư * Một số chi tiết trong quyển sách khiến người ta nhớ tới những bộ phim Hàn được phát sóng khá rộng rãi ở VN (như những lúc quá tức giận, bà mẹ đập bể nắp chum để "phá bỏ sự tù túng"). Chị có nghĩ quyển sách của chị cũng góp phần vào "làn sóng Hàn"? - Tôi là nhà văn, khi viết tác phẩm, tôi chỉ không biết mình có hoàn thành được tác phẩm hay không nên rất lo lắng, chứ tôi không thể nghĩ về phạm vi ảnh hưởng của nó. Nếu thông qua tiểu thuyết của tôi, mọi người hiểu được văn hóa Hàn Quốc và hiểu được Hàn Quốc thì đó là điều tôi cảm thấy mừng, nhưng tôi không nghĩ văn học có biên giới. Chúng ta chia thành văn học Việt, văn học Pháp, văn học Mỹ, tất cả chỉ là vì chúng ta muốn nói chuyện một cách cho tiện mà thôi. Tất cả văn học là văn học. Câu chuyện của tôi không chỉ nói về người mẹ Hàn Quốc, mà tôi mong muốn rằng dù ai, ở đâu đi nữa, hãy một lần thử nghĩ xem về giấc mơ và cuộc đời của chính mẹ mình. * Chị đã có dịp nào tìm hiểu văn hóa Việt và VN? - Tôi đã đọc thơ của nhà thơ Văn Lê, ở Hàn Quốc có rất nhiều nhà thơ tôn kính nhà thơ Văn Lê. Tôi cũng đã đọc tiểu thuyết Cánh đồng bất tận của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư, mấy năm trước tôi cũng đã gặp cô ấy khi Tư sang Hàn Quốc. Tôi cảm nhận cô ấy là nhà văn có ý chí. Trong đội ngũ những nhà văn Hàn Quốc, cũng có nhiều người xuất thân từ những người lính tham chiến tại Việt Nam, sau này về nước họ trở thành nhà văn và viết những tác phẩm với chủ đề chiến tranh. Những tác phẩm tiêu biểu gồm Cái bóng của vũ khí của Hwang Suk Yong, Park Yong Han có Sông Ba xa xôi, qua những tác phẩm này, người ta nghĩ nhiều về Việt Nam, còn cá nhân tôi, tôi đã đến thăm TP.HCM hai lần. Tôi vẫn nhớ hình ảnh đi thăm dinh Thống Nhất, chợ và đi thuyền trên sông Mekong. Tôi cũng đã ăn món phở Việt rất ngon. Vì những ký ức đó nên khi đi châu Âu hoặc châu Mỹ, tôi rất vui khi nhìn thấy các nhà hàng Việt Nam. Tôi rất thích món phở, năm ngoái tôi ở Mỹ một năm và tôi là khách hàng thường xuyên của quán phở ngay cạnh chung cư mình ở. * Cảm giác khi là nữ tác giả châu Á đầu tiên nhận giải thưởng sách này? - Sự thật thì tôi không nghĩ mình sẽ đoạt giải. Quả thật là khi họ gọi tên tôi thì tôi cũng chưa cảm nhận được cảm giác đó. Mặc dù ở Hàn Quốc, tôi là tác giả của bảy tập truyện ngắn, tám tập tiểu thuyết dài nhưng đây là lần đầu tiên sách của tôi được dịch ra tiếng Anh, vì vậy cũng có thể nói tôi chỉ là người mới bắt đầu thôi. Tôi không nghĩ tới nên có lẽ tôi cũng đã vui mừng hơn một chút theo phản xạ. Tôi cảm thấy được sự tự do mà những giải thưởng khác tôi đã nhận ở Hàn Quốc không mang lại cho tôi. Còn việc tôi là nhà văn nữ đầu tiên nhận giải thưởng này thì sau đó tôi mới biết. Tôi cảm thấy vui khi mình nhận giải thưởng này với tư cách là một nhà văn nữ và điều đó có nhiều ý nghĩa, nhưng tôi, khi viết tác phẩm này thì không với tư cách một người đàn ông, cũng chẳng phải người đàn bà, tôi chỉ là nhà văn. Nhưng nếu mọi người cho rằng một nhà văn nữ được giải thưởng lần đầu tiên thế này có ý nghĩa thì đó cũng chính là niềm vui của tôi. * Xin cảm ơn chị! - Tôi luôn cảm thấy Việt Nam gần gũi với mình, cảm ơn đã dành cơ hội phỏng vấn cho tôi. Hãy chăm sóc mẹ kể chuyện một bà mẹ quê lên thăm con ở Seoul và lạc mất người nhà tại ga tàu điện ngầm. Hành trình tìm kiếm và hồi nhớ của những đứa con đã khởi đầu cho sự trở lại những ký ức về mẹ, sự thức tỉnh khỏi cuộc chạy đua mải mê theo cuộc sống hiện đại (*). Sách được trao giải Văn học châu Á (The Man Asian Literary Prize) ngày 15-3-2012. Hiện Kyung Sook Shin (sinh năm 1963, khởi nghiệp viết văn năm 1985) đang sống ở Seoul và được mời thỉnh giảng cho Ðại học Columbia ở New York. Ở Việt Nam, sách được Lê Hiệp Lâm và Lê Nguyễn Lê dịch, do Nhà xuất bản Hà Nội, Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam phát hành, 2011. __________ (*) Tags: Văn học nước ngoàiKyung Sook ShinGiải thưởng văn học châu Á 2011
Tin tức thế giới 26-11: Mỹ lần đầu xác nhận cho Ukraine dùng tên lửa ATACMS bắn sâu vào Nga BÌNH AN 26/11/2024 Ông Biden và ông Macron chuẩn bị công bố thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel - Hezbollah; EU khởi kiện lên WTO việc Trung Quốc về thuế.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.