Việc khám xét nơi làm việc của ông Hà Văn Thắm tại tòa nhà DAEHA 360 Kim Mã, Q.Ba Đình, Hà Nội kết thúc lúc 22g ngày 24-10. Tại đây, cơ quan điều tra thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến vụ án - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Ảnh tư liệu |
Ông Thắm bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo điều 179 Bộ luật hình sự. Các quyết định và lệnh này đều được Viện KSND tối cao phê chuẩn.
Không ảnh hưởng đến hoạt động của OceanBank
Điều 179 Bộ luật hình sự quy định người nào trong hoạt động tín dụng mà có một trong các hành vi cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật; cho vay quá giới hạn quy định; hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 7 năm. Hành vi phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm và phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Ngoài ra, điều 179 cũng quy định rõ người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ một năm đến năm năm. |
Khoảng 19g30 ngày 24-10, cơ quan cảnh sát điều tra thực hiện lệnh khám xét tại trụ sở của OceanBank và nhà riêng bị can Hà Văn Thắm để thu thập các tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thông báo về việc đình chỉ quyền và nghĩa vụ của chủ tịch, thành viên HĐQT OceanBank đối với ông Hà Văn Thắm.
HĐQT của OceanBank cũng có quyết định miễn nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT của ông Hà Văn Thắm, đồng thời bầu bà Nguyễn Minh Thu - thành viên HĐQT - làm chủ tịch HĐQT và thôi đảm nhiệm chức danh tổng giám đốc, giao bà Nguyễn Thị Mai Hương - phó tổng giám đốc - làm phó tổng giám đốc phụ trách OceanBank.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quá trình triển khai đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của ông Hà Văn Thắm.
Việc đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Thắm nhằm xử lý nghiêm minh các vi phạm theo quy định của pháp luật và bảo đảm cho OceanBank hoạt động an toàn, ổn định.
Việc đình chỉ này đối với ông Thắm không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của OceanBank. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh các vi phạm tại OceanBank.
Cùng ngày 24-10, OceanBank có thông cáo báo chí về việc miễn nhiệm đối với ông Hà Văn Thắm.
Theo đó, bà Nguyễn Minh Thu - chủ tịch HĐQT OceanBank - cho biết những vi phạm của cá nhân ông Hà Văn Thắm được Ngân hàng Nhà nước phát hiện qua thanh tra sẽ được cơ quan pháp luật xem xét xử lý theo quy định hiện hành.
Bà Thu cũng khẳng định OceanBank sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu hoạt động ổn định, bền vững, an toàn, tập trung xử lý nợ xấu và đảm bảo tăng trưởng theo đúng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là đảm bảo mọi lợi ích cho khách hàng, đối tác...
Chỉ liên quan đến OceanBank
Ngoài chức danh chủ tịch HĐQT OceanBank vừa bị miễn nhiệm, ông Hà Văn Thắm còn giữ các chức vụ chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC), chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần khách sạn và dịch vụ Đại Dương (OHC), chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (ORC), thành viên HĐQT Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và thôi vị trí này từ năm 2013, chủ doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo.
Hành vi vi phạm pháp luật của ông Thắm được xác định chỉ liên quan đến hoạt động tại OceanBank.
Trong quá trình thanh tra tại OceanBank, thanh tra Ngân hàng Nhà nước phát hiện có một số khoản vay có dấu hiệu gây mất vốn của ngân hàng.
Trong đó có việc cho vay sai quy định, cho vay các khoản tiền lớn không có thế chấp tài sản. Những sai phạm này được chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra làm rõ.
Tiến hành điều tra, xác minh mở rộng, cơ quan điều tra xác định vào tháng 11-2012, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Trung Dung đề nghị OceanBank cho vay tiền để thực hiện các dự án của mình. Các dự án của công ty này chủ yếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Sau khi công ty này đề nghị vay vốn đầu tư, ông Hà Văn Thắm ký các quyết định cho công ty này vay khoảng 500 tỉ đồng nhưng không đảm bảo các khoản thế chấp và sai quy định.
Cho đến nay, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Trung Dung chưa thanh toán được tiền cho OceanBank theo quy định, có dấu hiệu mất khả năng thanh toán.
Trao đổi với Tuổi Trẻ sau khi bị can Hà Văn Thắm bị bắt, lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định cơ quan này sẽ có các biện pháp cần thiết, kịp thời để ổn định thị trường cũng như đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng của ngân hàng.
OceanBank khởi đầu từ ngân hàng cổ phần nông thôn Tiền thân Ngân hàng TMCP Đại Dương là Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Hưng được thành lập vào năm 1993. Ngày 9-1-2007, ngân hàng chuyển đổi mô hình hoạt động thành Ngân hàng TMCP Đô thị và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Giữa năm 2008, OceanBank thành lập 27 phòng giao dịch, 2 quỹ tiết kiệm. Tháng 1-2009: OceanBank công bố cổ đông chiến lược - ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Trong năm OceanBank thành lập thêm 5 chi nhánh và 12 phòng giao dịch. Năm 2010: Mở thêm 5 chi nhánh và 7 phòng giao dịch. Tháng 10-2010: Hoàn thành việc tăng vốn lên 3.500 tỉ đồng. Năm 2011: OceanBank thành lập 6 chi nhánh, nâng tổng số chi nhánh của OceanBank trên địa bàn cả nước là 21 chi nhánh, số phòng giao dịch và quỹ tiết kiệm đạt trên 100 điểm giao dịch. Năm 2012: Đối tác nước ngoài Hermes Capital có kế hoạch tham gia góp vốn tại OceanBank và hỗ trợ ngân hàng trong việc nâng cao năng lực quản trị. |
Ông Thắm là ai? Theo thông tin công bố trên website chính thức của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), ông Hà Văn Thắm tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Trường đại học Colombia Common Wealth (Mỹ) và bảo vệ tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Trường đại học công nghệ Paramount (Mỹ).
Thông tin từ đây cũng cho biết ông Thắm đạt danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” và “Cúp Thánh Gióng” năm 2009, nhận bằng khen và cúp “Vì sự nghiệp văn hóa doanh nhân Việt Nam” năm 2008 do Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam trao tặng, là 1 trong 10 doanh nhân trẻ được vinh danh “Giải thưởng Sao đỏ 2011”. Tập đoàn Đại Dương do ông Thắm làm chủ tịch, có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, trụ sở chính tại số 4 Láng Hạ, Hà Nội, hoạt động đa ngành nghề, trong đó lĩnh vực chủ chốt là đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà hàng - khách sạn, tài chính - ngân hàng và truyền thông. Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), cổ phiếu OGC được niêm yết lên sàn này ngày 16-4-2010 và chính thức giao dịch từ ngày 4-5-2010. Về cơ cấu cổ đông của OGC, hai trong số các cổ đông sáng lập là ông Hà Văn Thắm, về lý thuyết đang sở hữu 1,11% tập đoàn; còn bà Hồ Thị Quỳnh Nga (vợ ông Thắm) nắm 2,2%, theo số liệu từ Công ty đầu tư Stockbiz. Thông tin từ website của OGC còn nêu rõ tập đoàn này nắm giữ 20% vốn điều lệ của OceanBank. OceanBank từng được bình chọn là thương hiệu mạnh Việt Nam, xếp hạng 177 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, giải thưởng Sao vàng đất Việt, top 100 ngân hàng có bảng cân đối kế toán mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2012, ngân hàng đạt giải Ngân hàng bán lẻ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam do tạp chí Global Banking & Finance Review bình chọn. Ngày 3-10, OGC công bố đã bán 100% cổ phần tại Công ty cổ phần bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail). Cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương ngày 24-10 tiếp tục đi xuống phiên thứ ba liên tiếp trước tin đồn về việc có biến động trong ban lãnh đạo của đơn vị này. Chốt phiên, OGC giảm 300 đồng, tương đương 2,68%, xuống 10.900 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt gần 7,5 triệu cổ phiếu. Hôm qua, cổ phiếu này giảm sàn với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 22,4 triệu cổ phiếu so với mức trung bình khoảng 5 triệu cổ phiếu/phiên trong một tháng gần đây. VN-Index phiên này giảm 0,34% xuống mức 591,51 điểm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận