Bộ Công Thương vừa gửi tờ trình dự thảo về chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu tới các bộ ngành, đơn vị liên quan để lấy ý kiến.
Theo đó, dự thảo tiếp tục đưa ra quy định hai loại hình phát triển điện mặt trời mái nhà gồm có nối lưới và không nối lưới vào hệ thống điện quốc gia.
Phân bổ 2.600MW điện mặt trời mái nhà nối lưới cho các địa phương
Cụ thể, nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia sẽ đăng ký về công suất phát triển.
Trường hợp này, các đơn vị lắp đặt có thể được quyền phát hoặc không phát điện dư lên lưới điện quốc gia. Nếu phát lên lưới, đơn vị điện lực sẽ ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.
Với nguồn điện mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất đặt từ 500kWp trở lên, phải có hệ thống điều khiển từ xa và kết nối với điều độ khu vực.
Bộ Công Thương nhấn mạnh tổng công suất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia tại mỗi địa phương không được vượt quá tổng công suất đã phân bổ trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia là 2.600MW.
Cũng bởi theo Quy hoạch điện 8 được Thủ tướng phê duyệt, quy mô phát triển điện mặt trời đến năm 2030 là 12.836MW. Bao gồm 10.236MW nguồn điện mặt trời tập trung và chỉ phê duyệt phát triển 2.600MW điện mặt trời tự sản tự tiêu.
Lý giải vấn đề này, Bộ Công Thương cho rằng nếu không quản lý về quy mô, để tự phát nguồn điện mặt trời mái nhà sẽ dẫn đến quy mô thực tế lớn hơn quy hoạch đã được phê duyệt, có thể phá vỡ quy hoạch nguồn điện.
Ngoài ra, với những nguồn điện có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, hoạt động của điện mặt trời mái nhà sẽ ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hệ thống điện.
Lý do là nguồn điện mặt trời mái nhà phụ thuộc vào bức xạ mặt trời, yếu tố thời tiết luôn bất định. Trường hợp không có bức xạ mặt trời, các đơn vị sử dụng điện buộc phải tiếp nhận nguồn điện từ lưới điện quốc gia, dẫn tới sự thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống điện.
Vì vậy, cần thiết phải có sự quản lý, giám sát của Nhà nước về phát triển, đảm bảo việc phát triển điện mặt trời mái nhà đúng với cơ cấu nguồn điện trong hệ thống, đảm bảo an ninh cung cấp điện và ổn định, điều độ, vận hành an toàn của hệ thống điện quốc gia.
Tháo gỡ thủ tục, giấy phép lắp đặt
Loại hình thứ hai, với nguồn điện mặt trời mái nhà không đấu nối với hệ thống điện quốc gia, sẽ được phát triển không giới hạn công suất trên cơ sở đăng ký với các cơ quan chức năng.
Đối với trường hợp này, hệ thống điện mặt trời mái nhà hoạt động độc lập, tách biệt. Vì vậy, các tổ chức cá nhân khi lắp đặt phải tự cân đối nguồn - tải tại chỗ và có thể áp dụng hình thức lưới điện quy mô nhỏ.
Để khuyến khích hai loại hình này, Bộ Công Thương đề xuất cho phép các tổ chức, cá nhân khi lắp đặt được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.
Công trình xây dựng không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định. Hồ sơ thủ tục sẽ được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông.
Cơ quan chức năng khuyến khích việc lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng điện. Các đơn vị hành chính sự nghiệp công, trụ sở các cơ quan đơn vị được ưu tiên bố trí ngân sách để lắp đặt.
Theo Bộ Công Thương, đến 31-12-2021 đã có 16.364MW điện mặt trời được phê duyệt, đưa vào hệ thống. Cùng với các nguồn điện khác, điện năng lượng tái tạo đã chiếm tới hơn 26% tổng công suất lắp đặt của cả hệ thống.
Mục đích phát triển điện mặt trời mái nhà thời gian qua cũng chủ yếu là bán điện cho EVN, không nhằm mục đích tự sử dụng, tự sản tự tiêu. Nguồn điện này lại phát triển không đồng đều, tập trung quá nhiều ở vùng có nhu cầu điện thấp, gây nên sự mất cân đối trong điều độ, vận hành hệ thống điện và ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện.
Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng nếu tiếp tục phát triển nóng các nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời không theo quy hoạch, có thể dẫn tới hệ lụy, phá vỡ quy hoạch và ảnh hưởng đến an toàn hệ thống điện quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận