Các cầu thủ UAE đều chơi ở giải quốc nội - Ảnh: Reuters
Toàn bộ 23 tuyển thủ của UAE đều chơi bóng trong nước và xưa nay, bóng đá UAE cũng không có truyền thống cho cầu thủ của mình sang châu Âu thử sức. Omar Abdulrahman - ngôi sao số một của UAE - từng từ chối cơ hội đi châu Âu để sang chơi bóng cho CLB Al-Hilal của Saudi Arabia, trước khi quay lại giải quốc nội.
Không chỉ UAE, Saudi Arabia, Qatar cũng không có xu hướng cho cầu thủ sang châu Âu chơi bóng. Đẳng cấp không hẳn là nguyên do chính, bởi dù không bằng các siêu sao của Hàn Quốc, Nhật Bản, những ngôi sao Ả Rập vẫn được đánh giá rất cao trên thị trường chuyển nhượng. Chẳng hạn, Abdulrahman từng được Transfermarkt định giá đến 5 triệu USD khi tỏa sáng ở AFC Champions League - giải đấu quy tụ nhiều ngôi sao của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thật ra nếu muốn, con đường sang châu Âu của các cầu thủ UAE sẽ rất dễ dàng, nhờ vào những tỉ phú "chịu chơi" của họ. Tiêu biểu là hoàng thân Sheikh Mansour - người đã mua và biến Manchester City thành một trong những đội bóng hàng đầu châu Âu. Nếu Manchester City là một nơi quá cao, Mansour đơn giản có thể mua thêm vài đội bóng có trình độ thấp hơn.
Nhưng người UAE không làm như vậy vì các cầu thủ của mình. Môi trường đỉnh cao, chuyên nghiệp của châu Âu không phải là nơi để "gửi gắm người nhà". Họ sẽ vấp phải sự chỉ trích từ các CĐV địa phương, còn các cầu thủ thì sa sút vì chơi trong một môi trường không tương đồng về đẳng cấp, văn hóa...
Văn hóa và tôn giáo cũng là một rào cản đáng kể với các cầu thủ thuộc thế giới Ả Rập khi đặt chân đến châu Âu. Điều này thể hiện qua nhiều câu chuyện về các siêu sao, như Mohamed Salah đã gặp khó đến thế nào trong tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo. Ở đẳng cấp hàng đầu thế giới, những ngôi sao theo đạo Hồi (đến từ các nước châu Phi) cũng phải vất vả vật lộn để thích nghi với bóng đá châu Âu. Những cầu thủ ở tầm trung bình như UAE rõ ràng phải cân nhắc rất kỹ điều này.
Các cầu thủ UAE không sang châu Âu vì "không nên" và cũng "không cần", thực sự là vậy. Giải vô địch UAE nằm trong nhóm những giải đấu hàng đầu châu Á. Theo định giá của Transfermarkt, 14 CLB của UAE Arabian Gulf League được định giá lên tới 180 triệu USD, tức trung bình mỗi CLB khoảng 13 triệu USD. Con số tương ứng của J-League (Nhật Bản) là 22 triệu USD, còn Hàn Quốc khoảng 15 triệu USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận