Theo các đại biểu, số liệu của cơ quan chức năng cho thấy chỉ riêng trong tháng 3-2024, mỗi ngày khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng, giá trị từ 100.000 - 300.000 đồng/đơn, được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam.
Như vậy, bình quân có khoảng 45 - 63 triệu USD/ngày, một tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỉ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok... Việc miễn thuế (gồm thuế nhập khẩu và thuế VAT) cho những đơn hàng này đã gây thất thoát cho ngân sách rất lớn.
* ĐB Phạm Văn Thịnh (ủy viên Ủy ban Kinh tế):
Nên áp thuế VAT ngay
Tôi cho rằng nên thực hiện việc thu thuế VAT và thu ngay với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. Trong dự thảo luật đang thảo luận và luật hiện hành cũng không quy định đối tượng này thuộc diện miễn thuế hay thuế suất 0%, mà thực hiện theo quyết định 78/2010 của Chính phủ.
Do vậy, không phải vướng ở Luật. Quốc hội hoặc Chính phủ nên có ý kiến về việc dừng ngay việc miễn thuế với hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, logistics xuyên quốc gia.
Theo cơ sở số liệu của hải quan và Tổng công ty Bưu chính, với sự phát triển của thương mại điện tử, ước tính chúng ta có thể đạt 2 tỉ đơn hàng/năm.
Nếu tính mức bình quân 300.000 đồng/đơn hàng, chúng ta sẽ có 600.000 tỉ đồng. Nếu VAT ở mức 10% thì phát sinh số thuế phải nộp là 60.000 tỉ đồng (khoảng 2,5 tỉ USD).
Việc miễn thuế này, xét cho đến cùng, là người tiêu dùng trong nước sẽ được giảm chi phí, hưởng lợi. Tuy nhiên, trong các mặt hàng nhập về có rất nhiều mặt hàng mà các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân trong nước đang tổ chức sản xuất, nên việc miễn thuế này không bảo vệ được sản xuất trong nước.
Vì vậy, để bảo vệ sản xuất trong nước và trong môi trường thương mại toàn cầu được thông thương, đơn giản, nhanh gọn như hiện nay nên áp dụng quy định có tính thuế VAT với mặt hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ thực hiện vận chuyển qua logistics xuyên biên giới.
Trong khu vực, Thái Lan đã thông báo kể từ tháng 7 sẽ bắt đầu áp thuế VAT với mọi loại hàng hóa nhập khẩu, kể cả những mặt hàng có giá trị thấp dưới mức hơn 1 triệu đồng tiền Việt Nam. Do đó, Việt Nam nên làm và làm ngay.
Về việc thực hiện thu thuế này không khó. Bởi hầu hết việc vận chuyển, mua bán thông qua một thương nhân, có thể là tổ chức, cá nhân kinh doanh... Do vậy, khi làm tờ khai nhập khẩu sẽ áp thuế vào.
Tuy nhiên, để cho đơn giản có thể thống nhất một tỉ lệ thuế suất nhất định, có thể là 8 hay 10%, vì trong các mặt hàng đó có nhiều mặt hàng nhỏ là nông cụ cho sản xuất nông nghiệp. Nếu phân chia quá mức sẽ trở nên khó khăn, phức tạp hơn cho kê khai, kiểm tra.
* ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh):
Nhiều nước bỏ quy định miễn thuế
Việc miễn thuế (gồm thuế nhập khẩu và thuế VAT - PV) đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống đang được thực hiện theo quyết định số 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Tôi đề nghị nghiên cứu bỏ nội dung này trong quy định hiện hành.
Bởi với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng chung của các quốc gia cho thấy lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Với quy định như dự thảo, ngân sách nhà nước sẽ thất thu một khoản thu khá lớn, hơn nữa tạo điều kiện cho hàng giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, quy định này không đảm bảo sự công bằng giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa nhập khẩu. Bởi lẽ hàng hóa trong nước khi sản xuất ra về nguyên tắc vẫn bị điều tiết bởi thuế giá trị gia tăng, trong khi hàng hóa nhập khẩu lại không chịu loại thuế này trong giá bán.
Ngoài ra, quy định này không phù hợp với xu hướng của thế giới. Nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng xuất khẩu.
* ĐB Trần Văn Lâm (ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách):
Thất thu thuế rất lớn
Việc miễn thuế VAT với các sản phẩm hàng hóa nhập khẩu dưới 1 triệu đồng thực hiện theo quyết định của Chính phủ. Trước đây, số lượng hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu không quá nhiều nên tác động tổng thể tới số thu là không đáng kể.
Nhưng với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng chung của nhiều quốc gia cho thấy lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua.
Gói hàng hóa có thể giá trị nhỏ nhưng nhiều nhỏ góp lại thành to. Tính trên tổng số hàng hóa giá trị nhỏ nhập khẩu về có thể thấy số tiền không thu thuế được rất lớn.
Thống kê của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông cho thấy tại thời điểm tháng 3-2023, trung bình hằng ngày có khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Giá trị mỗi đơn hàng này được chia nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng. Trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD/ngày, một tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỉ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok...
Nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu. Vì vậy, với Việt Nam cũng cần xem xét sớm bỏ quy định miễn và tiến hành thu thuế VAT với mặt hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng.
Với các mặt hàng này khi nhập khẩu đều phải đi qua cửa khẩu nên không khó để kiểm soát, thu thuế và mức thuế áp sẽ thực hiện theo đúng quy định.
Nhà kinh doanh lợi dụng, ngân sách thất thu
Bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ tràn ngập nên việc miễn thuế (gồm thuế nhập khẩu và thuế VAT) với các loại hàng hóa này sẽ gây thất thu thuế rất lớn cho ngân sách. Đặc biệt, quy định này cũng tạo ra sự bất bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước.
Với việc miễn thuế, về nguyên tắc, bà Cúc cho rằng giá bán đến tay người tiêu dùng sẽ rẻ hơn do không chịu thuế VAT và thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, giá bán trong thực tế là do người bán quyết định. Nên có thể người mua vẫn chịu mức giá như giá hàng hóa trong nước có thuế. Chênh lệch này người bán sẽ được hưởng.
Với quy định này, những người bán hàng sẽ lợi dụng chính sách này mà xé nhỏ đơn hàng xuống dưới 1 triệu đồng/đơn để hàng hóa không chịu thuế. "Tôi tin rằng người ta sẽ không bán rẻ hơn so với hàng sản xuất trong nước mà chịu thuế. Đây chính là sự bất bình đẳng với hàng hóa trong nước và gây thiệt hại cho người mua hàng" - bà Cúc nhận định.
Cũng theo bà Cúc, nhiều nước như Singapore, Anh... đã bỏ quy định miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. Do vậy, Việt Nam cũng nên có điều chỉnh cho phù hợp, tức là bỏ quy định miễn thuế đối với hàng nhập khẩu từ 1 triệu trở xuống qua chuyển phát nhanh.
Nói cách khác, tất cả hàng hóa dù giá trị là bao nhiêu khi nhập khẩu qua tất cả các kênh, kể cả qua chuyển phát nhanh, đều phải kê khai nộp thuế bình thường.
Hải quan đề xuất bỏ quy định miễn thuế VAT
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết đã đề xuất Bộ Tài chính bãi bỏ quyết định 78 năm 2010 của Thủ tướng về việc miễn thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ (từ 1 triệu đồng trở xuống - PV) gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh.
Theo vị này, việc đưa ra quy định này vào 14 năm trước khi đơn hàng còn ít, số thuế thu được thấp hơn so với chi phí cho công tác thu thuế. Trong thực tế, nhiều nước đã bãi bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT đối với hàng hóa có giá trị nhỏ.
"Ngành hải quan đã triển khai hải quan điện tử. Do đó, việc thu thuế đối với hàng hóa nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh không ảnh hưởng đến thời gian, thủ tục thông quan hàng hóa. Hơn nữa, thu thuế hàng nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh là đảm bảo công bằng với hàng sản xuất trong nước", vị này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận