Quá trình nằm giữa "đầu vào" và "đầu ra" trong hệ tiêu hóa của con người cũng lắm điều kỳ thú.

"Bác sĩ ơi, tôi luôn cảm thấy bụng mình chực vỡ sau những lần ăn uống quên mình trên bàn tiệc. Giúp tôi với, liệu có ai ăn no tới bể bụng không?" - một độc giả gửi câu hỏi thống thiết cho mục tư vấn sức khỏe của báo The Washington Post trước lễ Tạ ơn 2022.

Vì sao các thánh ăn không lo no bể bụng? - Ảnh 1.

Joey Chestnut - 15 lần vô địch cuộc thi ăn hot dog ở Mỹ. Ảnh: AP

Cùng lúc đó, tại một cuộc thi ăn bánh mì kẹp xúc xích ở Florida, người thắng cuộc xử gọn 14 chiếc bánh trong 7 phút mà không lo gì đến toác bụng hay thủng dạ dày.

Chuyên gia của The Washington Post trấn an bạn đọc nói trên rằng dù khả thi về lý thuyết, trên thực tế rất khó có khả năng dạ dày chúng ta bị bể do ăn quá nhiều. Bí ẩn còn lại là chuyện những người chuyên tham gia thử thách hay thi thố kiểu ăn thùng uống vại.

Vì sao các thánh ăn không lo no bể bụng? - Ảnh 2.

Về cơ bản, hệ thống tiêu hóa sẽ biến thức ăn (thịt cá, trái cây, tinh bột…) thành những thứ cơ thể đốt cháy, hấp thu hoặc tích lũy để cho tương lai. Trong khoang miệng, răng, lưỡi và tuyến nước bọt cùng phối hợp để quá trình tiêu hóa cơ học và hóa học nhằm nghiền thức ăn theo kích cỡ phù hợp với thực quản và dạ dày diễn ra.

Miếng bánh mì bạn vừa cắn sẽ không đến dạ dày trong hình dạng nguyên bản mà trở thành viên thức ăn có thể nuốt trôi qua thực quản.

Thức ăn được chứa ở dạ dày - một túi cơ bắp rất dẻo dai, thành cơ dày nằm trong bụng. Khi đói, dạ dày không lớn hơn một nắm tay nhưng nó có khả năng mở rộng để chứa một khối lượng thức ăn lớn.

Ngay trước khi chúng ta cắn miếng đầu tiên, việc dự đoán trước món ăn - dù qua khứu giác hay thị giác - sẽ gửi một tín hiệu đến não rồi truyền đến dạ dày để cơ quan này chờ thức ăn. Khi chúng ta ăn, dạ dày căng dần ra và tạo ra chỗ chứa thức ăn.

Vì sao các thánh ăn không lo no bể bụng? - Ảnh 3.

Cơ thể cho chúng ta biết mình đang đói hoặc no nhờ sự có mặt của một số hormone. Hai trong số các hormone quan trọng nhất trong dạ dày là ghrelin và leptin.

Ghrelin làm tăng cảm giác thèm ăn và leptin làm giảm cảm giác thèm ăn. Ghrelin được sản xuất chủ yếu trong dạ dày, thường ở mức cao trước khi ăn và giảm sau đó. Leptin được sản xuất bởi các tế bào mỡ, báo với não rằng chúng ta đã no.

Lẽ ra, cứ nhiều mỡ hơn là sẽ tạo ra nhiều leptin hơn và sẽ ít muốn ăn ít hơn, nhưng ở người béo phì, họ bị kháng leptin. Cơ thể họ phải sản xuất ngày càng nhiều leptin thì hormone này mới có tác dụng giảm cảm giác thèm ăn.

Trở lại câu chuyện ăn no nứt bụng, thức ăn trong dạ dày hoặc sẽ đi sâu hơn vào hệ thống tiêu hóa hoặc quay trở lại nơi nó đến dưới dạng nôn ói để giảm áp lực trong dạ dày.

Vì sao các thánh ăn không lo no bể bụng? - Ảnh 4.

Vẫn theo bài tư vấn của The Washington Post, trong y văn, có rất ít trường hợp nứt dạ dày do ăn quá nhiều. Một trong những trường hợp hiếm hoi xảy ra ở một phụ nữ, 24 tuổi.

Cô nhập viện cấp cứu ở Thổ Nhĩ Kỳ với tình trạng đau quặn bụng, nôn mửa và buồn nôn. Phẫu thuật bụng cho thấy dạ dày của cô bị thủng và chứa gần 5 lít thức ăn đã được tiêu hóa một phần - gồm nho và lựu, một lượng thức ăn khổng lồ.

Điều trị trong trường hợp này là phẫu thuật, loại bỏ lượng thức ăn thừa và vá lại vết rách dạ dày.

Vì sao các thánh ăn không lo no bể bụng? - Ảnh 5.

Nếu đúng là có thể ăn no đến nứt bụng, vậy những người ăn như Thánh Gióng như người làm mukbang (vừa ăn thật nhiều vừa tương tác với khán giả trực tuyến) hay người tham gia các cuộc thi ăn thì sao?

Ngày Quốc khánh Mỹ năm 2021, Joey Chestnut ở bang Indiana đã phá kỷ lục của chính mình khi xơi 76 cái hot dog trong 10 phút. Xem tiểu sử thì "thánh ăn" này đã chinh phục vô số cuộc thi ăn.

Ngoài 15 lần vô địch cuộc thi ăn hot dog ở Mỹ từ năm 2007 đến nay, anh còn đạt các "thành tích": ăn 182 cái cánh gà trong 30 phút, 45 cái bánh mì kẹp, 53 cái bánh taco trong 10 phút, "xử" 141 quả trứng luộc, hơn 6,2kg sườn heo…

Theo các chuyên gia, Chestnut là một "vận động viên" đích thực trong môn thi ăn. Dạ dày của anh được rèn luyện thường xuyên để có thể chứa được một lượng lớn thức ăn trong thời gian ngắn.

Vì sao các thánh ăn không lo no bể bụng? - Ảnh 6.

So với sức ăn thể hiện ở cuộc thi, Chestnut nặng 104kg, tuy đậm người nhưng không béo phì. Nhiều người thi ăn hoặc lấy việc sản xuất video mukbang làm kế sinh nhai lại có cơ thể mảnh mai đáng ngạc nhiên.

Tiến sĩ James Smoliga (Đại học Pittsburgh, Mỹ) đã nghiên cứu thành tích của các thí sinh tham gia cuộc thi ăn bánh mì kẹp xúc xích tổ chức thường niên vào Quốc khánh Mỹ trong 39 năm.

Sử dụng số liệu thống kê và toán học, ông đoán tỉ lệ tiêu thụ tối đa thức ăn là 832 gram mỗi phút với những người thi ăn chuyên nghiệp.

Nhà vô địch Chestnut đã nhét vào bụng gần 7,5kg thức ăn trong 10 phút - tương đương với việc bơm căng dạ dày đến kích thước của tử cung mang thai chín tháng! Smoliga cho rằng thi ăn cũng giống như thể thao, cần rèn luyện nghiêm túc dù không khuyến khích bộ môn này.

Vì sao các thánh ăn không lo no bể bụng? - Ảnh 7.

Marc Levine, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết ông rất ngạc nhiên trước lượng thức ăn chứa trong dạ dày của "thánh ăn". "Đây không phải là kỹ năng trời sinh.

Trong nhiều tháng, anh ấy luyện tập bằng cách ăn khẩu phần ngày một lớn hơn, tập vượt qua phản xạ no. Dạ dày anh ấy đã vượt qua hoạt động của nhu động dạ dày để có thể tiếp nhận một lượng thức ăn lớn" - Levine nói.

Với người bình thường, cảm giác no là ngưỡng não được thông báo rằng bao tử chúng ta đã đầy thức ăn. Ăn hơn sẽ kích hoạt phản ứng nôn.

Vì sao các thánh ăn không lo no bể bụng? - Ảnh 8.

Mini, nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc với các video mukbang dù có thân hình nhỏ nhắn, trước khi tham gia thử thách ăn 1.000 con tôm hùm đất trong 1 giờ. Ảnh: VCG

Nhưng ở những người ăn chuyên nghiệp, phản ứng này bị ức chế nhờ rèn luyện. Những "thánh ăn" theo kiểu mukbang tiết lộ để có thể ăn một cách đầy thích thú trước ống kính, họ phải chuẩn bị một cái bụng đói cả ngày trước khi vào việc.

Không cần phải là chuyên gia y tế chúng ta cũng biết ăn thùng uống vại không phải là điều nên làm. Major League Eating (MLE) - cơ quan giám sát các cuộc thi ăn uống chuyên nghiệp trên thế giới - đặt ưu tiên cho sự an toàn. Nhân viên y tế có mặt tại tất cả các cuộc thi chính thức và trang web của họ có hướng dẫn an toàn.

Vì sao các thánh ăn không lo no bể bụng? - Ảnh 9.

Mặc dù không ai biết chính xác hậu quả với dạ dày của những người thi ăn chuyên nghiệp sẽ ra sao nhiều năm sau, Levine và nhóm của ông cảnh báo dạ dày có thể căng ra quá mức và không thể trở lại kích thước ban đầu, điều này có thể gây "buồn nôn và nôn không kiểm soát, buộc bệnh nhân phải cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày để làm giảm triệu chứng và phục hồi khả năng ăn uống bình thường".

Họ cũng có thể bị rối loạn ăn uống - có cảm giác đói liên tục dẫn đến ăn uống mất kiểm soát.

Vì sao các thánh ăn không lo no bể bụng? - Ảnh 10.
HỒNG VÂN
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0