"Cần ngay lập tức cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam. Chúng ta cần cấm hoàn toàn, không thử nghiệm, không cần đánh giá, theo dõi bởi thuốc lá điện tử chỉ có hại, không có lợi" - TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), kiến nghị.
Cấm ngay, đừng chần chờ nữa
Theo bác sĩ Nguyên, hiện tại rất nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore... đã cấm thuốc lá điện tử vì thấy được nguy hại của nó. Thậm chí Trung Quốc là đất nước phát minh, sản xuất thuốc lá điện tử nhiều nhất trên thế giới cũng đã cấm các loại thuốc lá điện tử có hương thơm từ tháng 10-2022 (gần như toàn bộ các sản phẩm thuốc lá điện tử).
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hương, Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), cho rằng thuốc lá điện tử là sản phẩm có hại cho sức khỏe và đang có thực trạng trà trộn ma túy.
"Đây là sản phẩm gây nghiện. Thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh, sinh viên có tăng lên.
Vì thế, chúng ta phải ngăn chặn ngay khi còn có thể ngăn ngừa được. Việt Nam cần cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm mới này (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha)", bà Hương nói.
Bà Hương thông tin thêm năm 2022, theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13 - 15 tuổi, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm này gia tăng. Riêng học sinh 13 - 15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử năm 2022 là 3,5%, trước đó năm 2019 tỉ lệ này là 2,6%.
Đáng nói, trong vòng ba năm, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng đáng kể.
Điều này khiến những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ, bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng khẳng định quan điểm của Bộ Y tế đối với thuốc lá điện tử là đề xuất cấm hoàn toàn sản phẩm này.
"Nếu chúng ta không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này thì tỉ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần", ông Thuấn nhấn mạnh.
Vì lợi nhuận bất chấp "đầu độc" giới trẻ
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), thời gian qua trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài quảng cáo, rao bán thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu có chứa ma túy. Trào lưu sử dụng thuốc lá điện tử nở rộ vài năm gần đây, đặc biệt là trong giới trẻ, như một cách để thể hiện đẳng cấp, sành điệu, thời thượng.
"Giới trẻ thích sử dụng các loại ma túy núp bóng thuốc lá điện tử vì mẫu mã rất bắt mắt, mùi vị quyến rũ. Đặc biệt, tâm lý của giới trẻ thích khám phá, tìm tòi, muốn thể hiện bản thân", lãnh đạo C04 nói.
Đáng chú ý, tác hại của các loại ma túy này rất nguy hiểm. Vì lợi nhuận, các nghi phạm không từ bất kỳ một thủ đoạn nào, kể cả đầu độc thế hệ trẻ. Khi giới trẻ sử dụng có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong hoặc bị kích thích thần kinh, gây ảo giác, ảnh hưởng đến hệ tim mạch, gây suy giảm trí nhớ, mất trí, sử dụng lâu gây teo não.
C04 cho biết thời gian qua đơn vị đã triệt phá, bắt giữ nhiều nghi phạm buôn bán thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy. Đồng thời, cảnh sát cũng đã khuyến cáo, tuyên truyền nhiều về tác hại của loại thuốc lá điện tử này nhưng giới trẻ vẫn bất chấp sử dụng.
Phạt nặng khi sử dụng thuốc lá điện tử
Theo nhật báo The West Australian, thuốc lá điện tử được coi là bất hợp pháp ở Qatar kể từ năm 2014 và những người vi phạm có thể bị phạt tới 10.000 riyal (khoảng 3.900 USD), hoặc đối mặt với án tù tối đa 3 tháng.
Ở Thái Lan, người bán, cung cấp, sử dụng thuốc lá điện tử có thể bị phạt tù 5 - 10 năm nếu bị kết tội. Tại Singapore, người cố tình đem theo thuốc lá điện tử vào nước này cũng có thể bị kết án tù.
Trung tâm Quản trị tốt về kiểm soát thuốc lá toàn cầu (GGTC) cho biết đến nay đã có 37 quốc gia cấm bán hoặc phân phối thuốc lá điện tử, 73 quốc gia cho phép bán nhưng có quy định, hạn chế nghiêm ngặt về nơi được phép bán và tiếp cận với các sản phẩm này.
Ở Úc và New Zealand, các bộ quy tắc về thuốc lá điện tử đã có hiệu lực lần lượt trong tháng 7 và tháng 8-2023, yêu cầu cấm mở cửa hàng bán gần trường học.
Bộ Y tế New Zealand tuyên bố phải cân bằng giữa việc ngăn chặn người trẻ tuổi sử dụng, đồng thời cung cấp như một công cụ cai nghiện dành cho người muốn bỏ thuốc lá.
Ở Anh, ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi lệnh cấm với thuốc lá điện tử với lý do độ tuổi người dùng ngày càng trẻ hóa.
Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke đã đi xa hơn với kêu gọi cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử khỏi Liên minh châu Âu (EU), theo trang Euro News.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận