Đền Pantheon có mái vòm bê tông không có cốt thép lớn nhất thế giới. Di sản này là một trong những kỳ công kiến trúc của đế chế La Mã cổ đại.
Được xây dựng hơn 2.000 năm, độ bền của bê tông La Mã từ lâu đã khiến các chuyên gia bối rối.
Bê tông hiện đại có thể sụp đổ chỉ trong vài thập kỷ. Vậy người La Mã cổ đại đã làm điều đó như thế nào?
Giờ đây các nhà khoa học tin rằng họ khám phá ra một bí mật trong công thức cổ xưa, giúp vật liệu xây dựng có khả năng tự phục hồi: vôi sống.
Theo báo The Telegraph, các chuyên gia Đại học MIT và Harvard (Mỹ) phát hiện việc thêm vôi sống vào vật liệu xây dựng hỗn hợp sẽ tạo ra phản ứng hóa học cực nóng cho ra cặn canxi.
Nghiên cứu lớp vôi trong bê tông cổ đại, các chuyên gia khám phá cặn canxi rải khắp mặt bê tông.
Điều quan trọng, nếu các vết nứt bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn sau và nước thấm qua sẽ khiến các cặn canxi này kết tinh lại thành canxi cacbonat, lấp đầy các khoảng trống.
Các phản ứng diễn ra một cách tự phát, chữa lành các vết nứt trước khi chúng lan rộng hơn. Điều này ngăn chặn được việc làm tổn hại đến tính toàn vẹn của cấu trúc.
Phát hiện trên giải thích vì sao mái vòm bê tông không có cốt thép lớn nhất thế giới ở đền Pantheon vẫn còn nguyên vẹn dù đền được xây dựng từ năm 128 sau Công nguyên. Trong khi đó nhiều cấu trúc bê tông hiện đại đổ nát chỉ sau vài thập kỷ.
Hướng đi cho việc sản xuất bê tông hiện đại?
Các nhà nghiên cứu cho biết khả năng tự phục hồi này có thể mở đường cho việc sản xuất bê tông hiện đại lâu dài hơn và bền vững hơn.
Nhóm đang làm việc để đưa bê tông La Mã trở lại như một sản phẩm thương mại.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận