TTCT - Việc Quốc hội nhắm tới các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc đã làm chấn động toàn bộ ngành công nghiệp dược phẩm của Mỹ vốn đang chật vật xoay xở với tình trạng thiếu thuốc hiện ở mức cao nhất trong 20 năm qua. Ảnh: ReutersKhi Washington muốn chấm dứt mối quan hệ thân thiết giữa ngành công nghệ dược phẩm nội địa với các hãng dược lớn của Trung Quốc, người thiệt đầu tiên chính là dân Mỹ bỏ tiền mua thuốc.Lưỡng viện Quốc hội Mỹ đang xem xét một dự luật về an toàn sinh học với các điều khoản nhằm ngăn chặn các công ty Mỹ làm ăn với nhiều tập đoàn công nghệ sinh học Trung Quốc, trong đó có WuXi AppTec.Có ý kiến cho rằng các nhà lập pháp Mỹ sẽ "tự bắn vào chân mình" nếu phê chuẩn dự luật này, vì một sự thật trớ trêu: WuXi AppTec có vai trò sâu rộng trong việc phát triển và sản xuất những loại thuốc thiết yếu trong điều trị ung thư, xơ nang, HIV và nhiều bệnh hiểm nghèo khác tại chính xứ cờ hoa.Những lợi ích gắn sâuTrước khi đề xuất đạo luật Biosecure Act, bốn nghị sĩ đã yêu cầu các bộ Thương mại, Quốc phòng và Tài chính điều tra về WuXi AppTec và các công ty liên kết với họ, với cáo buộc hãng dược Trung Quốc là "gã khổng lồ đe dọa sở hữu trí tuệ cũng như an ninh quốc gia của Mỹ".Tuy nhiên, điều đáng nói là khi thảo luận về dự luật tại Thượng viện cũng như Hạ viện, các nghị sĩ đã gần như không nói gì về quy mô khổng lồ những việc mà WuXi đã và đang làm cho các ngành công nghiệp dược phẩm và công nghệ sinh học của Mỹ, cũng như cho các bệnh nhân nước này.The New York Times đã xem xét hàng trăm trang hồ sơ trên toàn cầu và nhận thấy WuXi đã hiện diện rất sâu trong ngành dược phẩm Mỹ. Họ là doanh nghiệp đã tham gia sản xuất một số hoặc tất cả những thành phần chính để làm nên các loại thuốc mang lại doanh thu nhiều tỉ USD điều trị các bệnh ung thư như leukemia (bệnh máu trắng), lymphoma (ung thư hạch bạch huyết), cũng như điều trị HIV, béo phì.Việc Quốc hội nhắm tới WuXi đã làm chấn động toàn bộ ngành công nghiệp dược phẩm của Mỹ vốn đang chật vật xoay xở với tình trạng thiếu thuốc hiện ở mức cao nhất trong 20 năm qua. Ảnh: ReutersKhông ngạc nhiên khi một số lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ sinh học của Mỹ đã phản đối dự luật. Họ đã cố gắng giải thích để Quốc hội hiểu rõ việc cắt đứt đột ngột này có thể khiến một số loại thuốc bị gián đoạn sản xuất trong nhiều năm.Những thông tin chi tiết trên The New York Times cho người ta rõ hơn những cảnh báo nói trên không hề là nói quá. WuXi AppTec và công ty liên kết với nó - WuXi Biologics - đã cung cấp nhiều dịch vụ cho các ông lớn dược phẩm Mỹ trong nhiều thập niên qua. Các công ty Trung Quốc này đã đảm nhận công việc một cách đáng tin cậy với giá thành rẻ khi có trong tay hàng ngàn kỹ sư hóa dược có khả năng tạo ra thuốc mới và vận hành thiết bị phức tạp để sản xuất hàng loạt.Theo một ước tính, WuXi đã tham gia phát triển 1/4 tổng lượng thuốc sử dụng tại Mỹ. Trong báo cáo doanh thu, WuXi AppTec cho biết phần công việc họ đảm nhiệm ở Mỹ mang lại khoảng 3,6 tỉ USD.WuXi AppTec và WuXi Biologics cũng đã nhận được hàng triệu USD ưu đãi thuế để xây dựng các khu nghiên cứu và sản xuất thuốc rộng mênh mông tại hai bang Massachusetts và Delaware. Chính quyền các bang này cũng hoan hỉ khi sự hiện diện của họ mang lại việc làm và tạo doanh thu lớn cho địa phương. Một khu xưởng khác của WuXi tại thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania) cũng đã hợp tác cùng một công ty công nghệ sinh học Mỹ để phát triển liệu pháp miễn dịch trong điều trị bệnh ung thư da tiến triển.Khó mà chia táchThực tế cho thấy thời gian qua, khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng và mong muốn giảm lệ thuộc vào Trung Quốc của nhiều nước phương Tây cũng tăng, không ít tập đoàn đa quốc gia đã và đang tìm cách dịch chuyển trọng tâm kinh doanh của họ đi nơi khác, hoặc tìm cách đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên các hãng dược lớn của phương Tây, những "Big Pharma", vẫn muốn duy trì việc làm ăn với Trung Quốc bất chấp các căng thẳng địa chính trị và nhiều thách thức. Vì sao như vậy?Xét về nhu cầu trong lĩnh vực dược phẩm, tỉ lệ nhóm dân số sống lâu hơn với các bệnh mạn tính của Trung Quốc ngày càng tăng cao. Quốc gia này cũng có một tầng lớp trung lưu giàu có hơn, có thể chăm lo sức khỏe nhiều hơn. Bắc Kinh cũng đã cam kết cải thiện sức khỏe cộng đồng và mở rộng bảo hiểm cơ bản giúp chăm sóc cho hơn 95% dân số cả nước.Theo dữ liệu của Công ty IQVIA, Trung Quốc là thị trường dược phẩm lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Trong năm 2022, người Trung Quốc chi khoảng 166 tỉ USD cho thuốc men và con số này dự tính sẽ tăng thêm gần 30 tỉ USD nữa trong 5 năm tới.Ảnh: Down to EarthNgoài ra Trung Quốc cũng đã và đang trải thảm chào đón các hãng dược nước ngoài, bên cạnh việc tái tập trung vào vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang chững lại. Tháng 7 năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã nói với đại diện của các hãng dược lớn từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản (trong đó có Pfizer, Merck và GE Healthcare) rằng họ có thể kỳ vọng về việc được hưởng lợi từ "sự ủng hộ kiên định với sự mở cửa chất lượng cao".Không chỉ là quy mô khổng lồ của thị trường Trung Quốc, nhiều hãng dược phương Tây cũng có những lý do khác để muốn tới đây làm ăn vì đây còn là "một thị trường quan trọng để khai thác về đổi mới sáng tạo", theo phát biểu tháng 4-2023 của Pascal Soriot, giám đốc điều hành AstraZeneca.Với những quan hệ lợi ích đã cắm sâu bén rễ quá lâu thời gian qua, thật khó hình dung viễn cảnh các hãng dược phương Tây, trong đó có Mỹ, sẽ đứt đoạn với các đối tác Trung Quốc. Nói như Arwen Liu, nhà quản lý đầu tư cao cấp tại Sectoral Asset Management, là gần như không thể tách sự gắn kết này. Nguyên nhân là do mối quan hệ trong lĩnh vực dược phẩm giữa Trung Quốc và phương Tây "mang lại lợi ích cho các công ty, và mang lại lợi ích cho cộng đồng người bệnh", bà nói với Wall Street Journal.Chiến lược cùng thắngThời gian qua, ngành công nghiệp công nghệ sinh học tại Trung Quốc đã có những bước tiến vô cùng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm và đầu tư lớn từ nhiều hãng dược lớn nước ngoài.Theo báo cáo nghiên cứu công bố cuối tháng 2 năm nay trên trang web của nhà sản xuất công nghệ y tế IMD (Canada), có tới một nửa trong số các công ty dược hàng đầu đang hoạt động tại Trung Quốc là của nước ngoài. Trong top 10 công ty, ngoại trừ Hengrui là công ty nội địa, số còn lại là công ty nước ngoài, trong đó dẫn đầu là ba cái tên Pfizer, Roche, và AstraZeneca. Nếu so với bảng xếp hạng toàn cầu của các hãng dược thì ba ông lớn này cũng thuộc top 5.Thực tế này có một phần nguyên nhân từ cách thức kinh doanh của các công ty như Pfizer theo đuổi. Họ muốn tìm kiếm những loại thuốc mới và hiệu quả trên toàn thế giới, nhưng vẫn muốn duy trì mức chi phí thấp. Để làm như vậy, họ thường hợp tác với các công ty nội địa có tiềm lực lớn tại mỗi quốc gia sở tại. Chẳng hạn tại Trung Quốc, để thành công, điều quan trọng với Pfizer là họ phải mau chóng đưa được các liệu pháp điều trị mới đến với người bệnh Trung Quốc, và họ cũng phải tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau của mảng kinh doanh chăm sóc sức khỏe.Bên cạnh đó, việc có một danh sách các thuốc sẽ sản xuất trong tương lai và duy trì trách nhiệm với môi trường và xã hội cũng là các nhân tố quan trọng. Báo cáo của IMD cho thấy các hãng dược thành công nhất tại Trung Quốc đều đang đầu tư vào những vấn đề này trong một thời gian dài, ngay cả khi họ buộc phải chấp nhận hy sinh một số lợi ích ngắn hạn.Trụ sở chính Roche Thượng Hải. Ảnh: ReutersCác hãng dược lớn như Pfizer, Roche, và AstraZeneca đã thành lập nhiều trung tâm nghiên cứu tại Trung Quốc trong vài thập niên qua. Hiện nay, những trung tâm này ngày càng quan trọng hơn khi được kết nối với mạng lưới nghiên cứu của các công ty đó trên toàn thế giới. Điều đó cũng có nghĩa Trung Quốc đang đóng một vai trò lớn hơn nhiều trong lộ trình sản xuất các loại thuốc mới của toàn cầu.Các hãng dược lớn cũng đang cố gắng trở thành một phần lớn hơn trong hệ sinh thái công nghệ sinh học đang phát triển nhanh của Trung Quốc bằng cách mua đứt hoặc đầu tư vào những công ty đổi mới sáng tạo nhiều tiềm năng. Chẳng hạn AstraZeneca gần đây đã chi 1 tỉ USD để mua Gracell Biotechnologies, đây cũng là lần đầu tiên một "Big Pharma" mua đứt luôn một công ty công nghệ sinh học tiên tiến của Trung Quốc như vậy.Để tiết kiệm chi phí và bán được nhiều thuốc hơn tại Trung Quốc, các hãng dược lớn của nước ngoài cũng đang hợp tác với nhiều doanh nghiệp sở tại để tận dụng năng lực phân phối của họ. Chẳng hạn vào tháng 11-2023, Pfizer đã hợp tác với Công ty Keyuan Pharma (công ty con của Shanghai Pharma) để bán vắc xin phế cầu khuẩn Prevenar 13 tại Trung Quốc. Tương tự, hãng AstraZeneca đã ký kết hợp tác với Công ty CanSino Biologics vào tháng 8-2023 để sản xuất các vắc xin mRNA của họ tại đây. Năm 2022, Trung Quốc trở thành nhà cung cấp thuốc lớn thứ 4 của Mỹ. Quốc gia này cũng trở thành đối tác có vị trí nổi bật hơn trong việc cung cấp các thành phần dược phẩm hoạt tính (API), chiếm khoảng 15% tổng lượng nhập khẩu API của Mỹ. Trung Quốc và Ấn Độ có thể sản xuất các API với giá thành rẻ hơn từ 30-40% so với các nhà sản xuất phương Tây, theo ông Niels Graham, một chuyên gia về kinh tế học và chính sách ngoại giao tại Tổ chức nghiên cứu Atlantic Council. Đa dạng hóa sẽ "xóa rủi ro từ Trung Quốc" nhưng chi phí sẽ tăng và "rốt cuộc sẽ dồn lên người tiêu dùng cuối", ông phân tích.Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thuốc và dược phẩm của Mỹ sang Trung Quốc cũng đã tăng 38% trong năm 2022, theo số liệu của Hội đồng kinh doanh Mỹ - Trung. Tags: Công nghệ dược phẩmCông nghệ sinh họcMỹ - TrungTrung QUốcMỹ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả tại TP.HCM: Giải pháp thiết thực cho giai đoạn mới CẨM NƯƠNG 22/11/2024 TP.HCM tổ chức hội thảo trọng điểm, tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn bộ máy, hướng tới kỷ nguyên mới quản lý hiệu quả và phát triển bền vững.
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?