Hình ảnh phát trên truyền hình Triều Tiên cho thấy lãnh đạo Kim Jong Un đang xem một vật thể được cho là đầu đạn hạt nhân - Ảnh chụp màn hình |
Tối 7-9, trong ngôi nhà bên bờ hồ Léman, phái bộ của CHDCND Triều Tiên tại LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ) tổ chức tiệc mừng Quốc khánh (9-9) mời khách ngoại giao cùng vài nhà báo.
Trong phần thực đơn có món kim chi truyền thống, mì lạnh, cá, vài món thịt, trái cây, rượu vang, nước trái cây. Trong phần lễ không thể thiếu phần phim tài liệu về những sự kiện ngoại giao lớn đánh dấu sự nghiệp của cố lãnh tụ Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), nhà sáng lập CHDCND Triều Tiên và cũng là ông nội của lãnh tụ đương nhiệm Kim Jong Un.
"Chúng tôi không sợ Mỹ"
Trên một cái bàn trong góc phòng bày vài bản trong bộ 60 tập qui tụ toàn bộ tác phẩm của Kim Il-sung hoặc vài cuốn sách ưa thích của Kim Jong Un. Khách mời có thể lấy đọc nếu thích.
Đây là dịp có thể nói là dễ cởi mở để nhà báo có thể trao đổi với đại diện ngoại giao của Triều Tiên.
- Triều Tiên muốn gửi đi thông điệp gì vào hôm 5-9 khi bắn ba tên lửa ngay trong lúc tổ chức hội nghị G20 ở Trung Quốc, một trong những đồng minh hiếm hoi của mình?
- Đây không phải là thời điểm lựa chọn ngẫu nhiên. Nhân dân chúng tôi muốn chứng minh có thể tự vệ không cần trợ giúp và có thể chống lại bất kỳ nước nào khác. Chúng tôi không sợ bọn Mỹ.
- Thế thì khi nào thì sẽ thử hạt nhân tiếp tục?
- Tôi không biết. Chuyện đó do lãnh đạo ở Bình Nhưỡng quyết định.
Kèm theo câu trả lời là tiếng cười to sảng khoái.
Hai ngày sau (cuộc trò chuyện), Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ năm và là vụ mạnh nhất từ trước đến nay.
Nhiều cường quốc đã lên án và chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ đón nhận những biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính mới. Lần này sẽ mạnh hơn nữa, kiểu “án chồng án”.
"Hiện đang có một cuộc tranh luận sâu nhằm xác định xem các biện pháp trừng phạt hiện tại là quá yếu ớt hay là chúng không phù hợp, và chúng cần nhằm vào chương trình hạt nhân hay nhằm vào chính quyền lãnh đạo" |
Ông Mathieu Duchâtel, phó giám đốc chương trình Châu Á và Trung Quốc thuộc Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại |
Nhưng tại sao trong 10 năm qua, các biện pháp đều không đạt hiệu quả? Do quá yếu ớt hay do không phù hợp?
Rõ ràng là các nghị quyết trừng phạt đã ban hành đều nhằm mục đích ngăn chặn Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân nhưng nay nước này lại thử nghiệm "thành công" và mạnh hơn bốn lần trước.
Hai dạng trừng phạt
Cho đến nay có hai dạng trừng phạt. Một dạng quốc tế do LHQ ban hành và dạng đơn phương cứng rắn hơn do ba nước Hàn, Nhật và Mỹ ban hành.
Từ năm 2006, sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên, HĐBA LHQ đã cấm các quốc gia thành viên LHQ cung cấp vật liệu hoặc dịch vụ liên quan đến vũ khí cho Triều Tiên. Những người Triều Tiên có liên quan trong vụ thử hạt nhân và ten6 lửa đạn đạo bị cấm đi đến các nước khác và bị tịch thu tài sản có ở nước ngoài.
Đến tháng 3 năm nay, LHQ nâng cấp độ trừng phạt cao hơn với nghị quyết 2270 kiểm soát toàn bộ nền giao thương của Triều Tiên nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng có được nguồn thu tài chính để tài trợ cho việc nghiên cứu quân sự.
Đây là nghị quyết nặng đô đến mức các nhà chuyên môn cho rằng cách đây vài năm Bắc Kinh khó mà bỏ phiếu thông qua được nghị quyết kiểu này.
Thậm chí theo nghị quyết này cấm Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, vàng và đất hiếm. Các quốc gia thành viên LHQ có nhiệm vụ kiểm soát mọi chuyến hàng xuất đi từ Triều Tiên và quá cảnh ở các cửa ngõ quốc gia mình. Nghị quyết cấm bán cho Bình Nhưỡng từ nhiên liệu máy bay cho đến đồng hồ hạng sang hoặc các thiết bị phục vụ giải trí nhằm ngăn chặn giới lãnh đạo Bình Nhưỡng hoang phí tiền dân.
Nhưng tại sao Bình Nhưỡng lại không hề hấn gì trong từng ấy thời gian bị cô lập, bị o ép? Hay nói đúng hơn tại sao các biện pháp trừng phạt quốc tế bị vô hiệu?
Bằng chứng là chỉ sau sáu tháng, nước này tiếp tục vài lần bắn tên lửa đạn đạo, thậm chí từ tàu ngầm và thử hạt nhân cấp độ mạnh hơn.
Người dân ở thủ đô Bình Nhưỡng vào thời điểm truyền hình Triều Tiên công bố thử nghiệm hạt nhân thành công ngày 9-9 - Ảnh: Reuters |
"Bóng cả" Trung Quốc
Theo nhà báo Frédéric Koller, trưởng ban quốc tế báo Le Temps (Thụy Sĩ) và từng có 6 năm tác nghiệp tại Trung Quốc, Bình Nhưỡng không suy sụp dưới các án phạt vì vẫn còn cửa ngõ buôn bán với Trung Quốc qua đường biên giới.
Còn theo ông Mathieu Duchâtel, phó giám đốc chương trình Châu Á và Trung Quốc thuộc Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại, “dù Trung Quốc có ủng hộ chính sách trừng phạt của quốc tế thì lại vẫn không đóng cửa biên giới vì các lý do chính trị và nhân đạo. Như vậy vẫn không ngăn được nguồn cung dầu mỏ hoặc giao thương tiểu ngạch giữa hai nước. Nhờ ngõ giao thương này mà Triều Tiên vẫn giữ được nhịp sống dưới áp lực trừng phạt”.
Có thể nói các biện pháp trừng phạt và yêu cầu kiểm soát đều rất rõ nhưng trên thực tế các giao dịch vẫn có thể tồn tại tốt theo kiểu do các đường dây không phải chính danh chi phối.
Nhà nghiên cứu Duchâtel chỉ rõ: “Mắt xích yếu của các biện pháp trừng phạt chính là việc kiểm soát dòng chảy của hàng hóa đi/đến Triều Tiên. Tất cả các kiện hàng đều không được kiểm soát đầy đủ. Một số nước, đặc biệt ở châu Phi, không có phương tiện hoặc ý định kiểm soát các kiện hàng này”.
Quả thực là Bắc Kinh cũng như Matxcơva đều không muốn một bán đảo Triều Tiên bị “hạt nhân hóa” và gần như cũng đồng thanh trong phát ngôn của LHQ chống lại các hoạt động bắn thử tên lửa hoặc thử hạt nhân.
Bắc Kinh vẫn duy trì giao thương với Bình Nhưỡng vì lo sợ sự sụp đổ của Triều Tiên hoặc chiến tranh trên bán đảo sẽ khiến đường biên giới với nước này rối loạn vì dòng người tị nạn từ Triều Tiên đổ sang.
Chờ mặc cả mới
Theo nhà báo Frédéric Koller, cách làm của Bình Nhưỡng hiện nay không mới: tiếp tục gia tăng sức ép với thế giới bằng những vụ thử gây quan ngại nhằm tạo lợi thế mặc cả trong lần thương lượng kế tiếp với Hàn Quốc hoặc các bên, đổi trợ giúp lấy việc ngừng chương trình hạt nhân.
Sang năm, Hàn Quốc bầu Tổng thống, lãnh đạo Kim Jong Un hoàn toàn có thể nhân cơ hội này đảo ngược tình thế, theo nhà báo Thụy Sĩ.
Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm Park Geun Hye - con gái cố tổng thống Park Chung Hee - được cho là có chính sách đối đầu cương quyết với Triều Tiên.
"Tình hình hiện tại cho thấy các nhà ngoại giao cần sáng tạo hơn nữa thay vì chỉ đáp trả bằng trừng phạt, trừng phạt và trừng phạt vì nó chỉ làm tình hình thêm tệ hại" |
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 9-9 |
Việc bà chấp thuận cho Washington triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ phương bắc đương nhiên làm Bình Nhưỡng tức giận. Quyết định này tuy vậy cũng không được hợp ý dân lắm.
63 năm sau Hiệp định đình chiến giữa hai miền, người dân nói chung vẫn mong chờ một thỏa thuận hòa bình giữa hai nước. Có lẽ đó là giải pháp duy nhất để tháo ngòi chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng giải pháp này xem ra còn rất khó...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận