Gia đình đưa bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện bằng xe ba bánh và băng ca tạm bợ vì xe cứu thương ở thủ đô New Delhi đã quá tải - Ảnh: REUTERS
Cần lưu ý, Ấn Độ chưa phải quốc gia có số ca mắc COVID-19 hoặc tử vong cao nhất thế giới (Mỹ vẫn dẫn đầu).
Tính tỉ lệ 1 triệu dân, Ấn Độ cũng không đứng đầu ca mắc hoặc tử vong (một số nước châu Âu và Mỹ Latin cao hơn).
Song điều thế giới lo ngại là quy mô dân số lớn của Ấn Độ cũng như tốc độ tăng số ca mắc bệnh và tử vong quá nhanh.
GS Gautam Menon - chuyên gia mô hình hóa dịch bệnh - ghi nhận với Đài BBC Afrique ngày 27-4: "Chúng tôi chưa từng thấy tình huống nào mà mạng lưới y tế không thể đối phó với sức ép số ca bệnh mới tăng mạnh như Ấn Độ".
Đáng lo biến thể mới sẽ chống lại vắc xin
Chắc chắn COVID-19 từ Ấn Độ sẽ lan khắp thế giới, đặc biệt khi quốc gia này có cộng đồng người Ấn lớn nhất thế giới. Vì vậy nhiều nước đã hạn chế các chuyến bay đến từ Ấn Độ.
Mức lây nhiễm cao còn là nguyên nhân phát sinh biến thể virus mới.
GS vi sinh lâm sàng Ravi Gupta ở Đại học Cambridge nhận xét: "Mật độ và dân số cao của Ấn Độ trở thành lồng ấp hoàn hảo để virus có thể thử nghiệm đột biến".
Điều kiện đối phó với dịch bệnh ở Ấn Độ rất lý tưởng để virus có thời gian đột biến, từ đó có thể thúc đẩy đại dịch trên thế giới tiếp tục kéo dài và gia tăng mức nghiêm trọng.
GS Gautam Menon nhận xét: "Thật ra không thể che đậy mức độ lây lan của các biến thể. Hiện tại biến thể B.1.617 (lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ) đã được quan sát thấy ở một số quốc gia ngoài Ấn Độ, rất có thể do người nhập cảnh".
Ông cảnh báo biến thể mới sẽ tiếp tục đột biến và tiến hóa để thoát khỏi khả năng miễn dịch được tạo ra đối với người đã mắc COVID-19 hoặc đã tiêm vắc xin.
Dù vậy ông trấn an một cách thận trọng: "Chúng ta đã biết virus SARS-CoV-2 có thể đột biến để trở nên dễ lây truyền hơn căn cứ các quan sát về nhiều biến thể trên thế giới. Đến nay chúng tôi tin rằng vắc xin vẫn có hiệu quả chống lại các biến thể mới nhưng điều này có thể thay đổi trong tương lai".
Xếp hàng chờ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 ở thành phố Mumbai, Ấn Độ ngày 22-4 - Ảnh: AFP
Chiến dịch tiêm chủng của Ấn Độ cần chạy nước rút
Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực giúp Ấn Độ giải quyết tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng và tốc độ mắc COVID-19 gia tăng nghiêm trọng.
Anh bắt đầu gửi máy thở và máy cung cấp oxy. Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu vắc xin cho Ấn Độ. Nhiều nước khác đã đề nghị đưa y bác sĩ và thiết bị bảo hộ cá nhân đến Ấn Độ.
Chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt kế hoạch xây dựng hơn 500 nhà máy sản xuất oxy.
Tuy nhiên tất cả chỉ là biện pháp ngăn ngừa tử vong chứ không ngăn ngừa lây nhiễm.
Thế giới đang cần Ấn Độ gia tăng khả năng tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 và ngăn chặn dịch lây lan.
Ấn Độ có lợi thế là "cường quốc sản xuất vắc xin" nhưng chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên quy mô lớn ở Ấn Độ (lớn nhất thế giới) đang trục trặc.
Nguyên nhân do thiếu vắc xin, dân số đông trong khi cơ sở hạ tầng và hậu cần thiếu thốn.
Ấn Độ bắt đầu tiêm vắc xin từ ngày 16-1-2021 nhằm đạt 250 triệu người đã tiêm vào tháng 7-2021.
Rốt cuộc đến nay chỉ khoảng 118 triệu người được tiêm một liều, tức chưa tới 9% dân số.
Chương trình tiêm chủng ban đầu giới hạn cho nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu, sau đó mới mở rộng cho những người trên 45 tuổi.
Các chuyên gia đánh giá vấn đề ở chỗ không chắc Ấn Độ có đủ vắc xin để tiêm và năng lực nhà nước đủ để đẩy nhanh chiến dịch và mở rộng phạm vi tiêm cho người trẻ.
Tóm lại chừng nào số lượng lớn dân số Ấn Độ chưa tiêm vắc xin COVOD-19, nguy cơ lây bệnh vẫn đe dọa toàn thế giới.
GS Gautam Menon kêu gọi: "Chúng ta cần phải tăng cường hợp tác quốc tế trong xét nghiệm, tiêm chủng và nghiên cứu vì lợi ích chung của thế giới".
Thông báo thiếu vắc xin COVID-19 ở trung tâm tiêm chủng Mumbai ngày 8-4 - Ảnh: REUTERS
Biến thể B.1.617 đã hiện diện ở ít nhất 17 nước
Ngày 28-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo biến thể B.1.617 đã được phát hiện trong hơn 1.200 trình tự gen ở ít nhất 17 quốc gia. Hầu hết các trình tự gen đến từ Ấn Độ, Anh, Mỹ và Singapore.
Sau khi thiết lập mô hình hóa, WHO ghi nhận biến thể B.1.617 có tốc độ tăng trưởng cao hơn các biến thể khác ở Ấn Độ, từ đó có thể khả năng lây lan cao hơn.
WHO đề nghị cần khẩn cấp nghiên cứu thêm, đặc biệt về đặc tính lây lan, mức độ nghiêm trọng và nguy cơ tái nhiễm của biến thể B.1.617.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận