30/07/2020 12:44 GMT+7

Vì sao ca bệnh 449 'lọt' qua hàng loạt bệnh viện trước khi bị phát hiện nhiễm COVID-19?

Bác sĩ CAO XUÂN MINH (TP.HCM)
Bác sĩ CAO XUÂN MINH (TP.HCM)

TTO - Đây là thắc mắc của rất nhiều bạn đọc về lịch trình chữa bệnh của bệnh nhân COVID-19 (người Mỹ) qua nhiều ngày, từ Đà Nẵng vào TP.HCM. Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến của bác sĩ Cao Xuân Minh lý giải phần nào về câu chuyện này.

Vì sao ca bệnh 449 lọt qua hàng loạt bệnh viện trước khi bị phát hiện nhiễm COVID-19? - Ảnh 1.

Bệnh viện Quốc tế City (TP.HCM) đã ngưng nhận bệnh để phòng dịch sau khi phát hiện ca bệnh 449 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trên báo và trên mạng xã hội, nhiều bạn hỏi nhân viên y tế, bệnh viện sao không xét nghiệm bệnh nhân 449 (người Mỹ) mà để đi qua hàng loạt bệnh viện?

Cho đến giờ này, toàn quốc có dưới 500 ca COVID-19, trong đó hơn một nửa là người từ nước ngoài về.

Hầu hết các bệnh viện lớn trên toàn quốc đều có khoa Hô hấp, mỗi tỉnh đều có bệnh viện chuyên khoa riêng về Lao - Bệnh phổi. Các bệnh viện đều có bệnh nhân về hô hấp, cho đến phòng khám đa khoa, phòng mạch tư...

Dài dòng như vậy để chúng ta thấy rằng bệnh về hô hấp là vô số kể và có thể chiếm số lượng lớn nhất trong tất cả các mặt bệnh nhân.

Triệu chứng hô hấp thì ai trong chúng ta đều trải qua và có thể đang bị: sốt nhè nhẹ đến nặng, sổ mũi, ho, khó thở, đau họng, nghẹt mũi... Hầu hết những trường hợp này tự giới hạn, tự khỏi hay khám uống thuốc theo toa về nhà.

Các trường hợp phải nhập viện điều trị cũng có vô vàn bệnh như viêm phổi cộng đồng, hen, lao...

Trong gần 6 tháng qua chúng ta có chưa tới 500 ca COVID-19, trong khi có tới hàng triệu ca bị dấu hiệu hô hấp.... Vậy làm sao để ta phát hiện? Xét nghiệm hết hàng triệu triệu ca hô hấp chăng? Không thể làm vì vô cùng lãng phí, tiền bạc và nội lực quốc gia nào chịu cho thấu kể cả các quốc gia giàu có nhất thế giới.

Vậy ta xét nghiệm khi nào? Yếu tố dịch tễ là quan trọng nhất, lâm sàng đi sau đó. Dịch tễ + lâm sàng càng tuyệt vời hơn. Dịch tễ là gì? Là từ vùng dịch về, có tiếp xúc nguồn lây có thể là người bệnh hay chỗ dang có bệnh. Lâm sàng đơn độc khi không có dịch tễ với muôn vàn bệnh có thể và thường gặp thì vô cùng khó.

Quay lại ca 416, 418 hay ca 449 người Mỹ. Tại sao không xét nghiệm khi đi qua hàng loạt bệnh viện? Tại vì thời điểm họ đến bệnh viện Việt Nam đang không có ca nào bệnh trong cộng đồng và họ không hề đi ra khỏi đất nước, không tiếp xúc bệnh nhân nhiễm COVID-19. Nghĩa là không có yếu tố dịch tễ, dấu hiệu để nghi ngờ không có trong suy nghĩ của bác sĩ, trong hướng dẫn thực hiện. Do đó các bác sĩ không chỉ định xét nghiệm COVID-19 là hợp lý.

Đó là điều bất ngờ. Và cho đến giờ, cả hệ thống y tế, phòng dịch vẫn đang truy tìm nguồn gốc xem họ bị lây nhiễm từ đâu, F0 từ đâu. 

Nếu quy chụp ông người Mỹ là F0, vậy ông lây từ nguồn nào khi chỉ ở trong nước?

Các bác sĩ đang rất vất vả, thậm chí bất chấp cả sức khỏe, sinh mạng để bảo vệ cuộc sống của các bạn. Các cơ sở y tế cũng đang gồng gánh trong sự khó khăn phòng chống dịch và vẫn phải thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh.

Đang lúc "nước sôi lửa bỏng này", xin đừng vội buông lời cay nghiệt với các bệnh nhân và những người đang căng mình phòng dịch. Bạn lo một, họ chắc chắn đang lo lắng gấp mười!

Thông báo khẩn tìm người đến 4 nơi bệnh nhân COVID-19 đã ghé ở TP.HCM Thông báo khẩn tìm người đến 4 nơi bệnh nhân COVID-19 đã ghé ở TP.HCM

TTO - Bộ Y tế tối 29-7 phát thông báo khẩn tìm người từng đến những nơi mà các ca bệnh COVID-19 đã đến, trong đó có 4 điểm ở TP.HCM.

Bác sĩ CAO XUÂN MINH (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên