Nhưng một cốc bia có bao nhiêu bong bóng, và vì sao bia là phải có bọt?
Lúc đầu, những bong bóng được hình thành từ sự bão hòa carbon dioxide (CO2), dường như được đẩy lên mặt cốc một cách vô tận. Nhưng ở một thời điểm, số bọt khí này sẽ dừng và tạo thành một lớp bọt trên miệng cốc.
2 triệu bong bóng khí trong một cốc bia!
Gérard Liger-Belair, giáo sư lý hóa tại Đại học Reims Champagne-Ardenne (Pháp), từng dành nhiều năm để khám phá chủ đề “sủi bọt” này ở Champagne. Ông tính toán rằng một ly Champagne tạo ra khoảng 1 triệu bong bóng khí.
Gần đây, trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí ACS Omega hôm 31/3, giáo sư Liger-Belair tính toán đến độ sâu của ly bia, và phát hiện ra rằng bia tạo ra nhiều bong bóng gấp đôi rượu Champagne – khoảng 2 triệu bong bóng.
Các bằng chứng khảo cổ học cho thấy con người bắt đầu nấu và uống bia từ ít nhất 5.000 năm trước, thậm chí có thể lên đến 13.000 năm. Ngày nay, bia là loại đồ uống có cồn phổ biến nhất trên toàn thế giới, với sản lượng toàn cầu đạt gần 200 tỉ lít, bong bóng CO2 và bọt là một phần quan trọng trong trải nghiệm uống bia.
Bia thường được tạo ra từ bốn thành phần chính gồm: hạt ngũ cốc, hoa bia, men và nước - sau đó được ủ lên men. Quá trình này phá vỡ carbohydrate để tạo ra cồn, đường và khí CO2. Khi bia được đóng chai, nhà sản xuất sẽ bổ sung thêm CO2 để tạo ra áp suất bên trong. Một khi chai bia được khui, chất lỏng bên trong đã bão hòa với CO2, sau đó được giải phóng dưới dạng các bong bóng nhỏ li ti.
Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia đã đổ khoảng 250 ml bia 5% nồng độ cồn, ở nhiệt độ 6 độ C vào ly 500 ml. Họ xác định rằng số lượng bong bóng bia chủ yếu bị ảnh hưởng bởi ba yếu tố: nồng độ CO2 hòa tan trong ly, thể tích của bọt và thời điểm bia cạn kiệt CO2 đến mức không thể hình thành bọt nữa.
Điều bất ngờ là các vết rạn rất nhỏ trên thành ly cũng giúp bong bóng CO2 nổi lên nhiều hơn. Khí CO2 hòa tan có thể được gom góp thông qua các khe rãnh và vết rạn chỉ rộng hơn 1,4 micromet trên thành ly, tạo thành các dòng bong bóng.
Bằng công nghệ chụp ảnh tốc độ cao, các nhà nghiên cứu phát hiện các bong bóng lớn dần khi chúng nổi lên và lấy được nhiều CO2 hơn từ bia. Như vậy, số lượng bong bóng được tạo ra trong một ly bia sẽ dao động từ 200.000 đến 2 triệu.
Bọt làm tăng hương vị cho bia
Một câu hỏi đặt ra là tại sao lại phải mất thời gian, công sức và tiền bạc để nghiên cứu đếm số lượng bong bóng trong ly bia.
Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu này không đơn thuần chỉ là công việc “làm cho vui”. Khi bọt chạm vào lưỡi người uống, chúng làm tăng thêm hương vị cho bia. Do vậy, bằng cách nghiên cứu sự sủi bọt trong chất lỏng, các nhà khoa học có thể tìm hiểu cách thức đồ uống hoạt động trong các điều kiện khác nhau, và điều đó có thể ảnh hưởng đến hương vị của chúng. Điều này rất quan trọng đối với ngành chế biến thực phẩm đồ uống.
Trong khi lượng CO2 hòa tan trong bia là "thông số quan trọng" để hiểu điều này, hình dạng của ly đựng bia cũng đóng một phần quan trọng. Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu về sự khác biệt của những chiếc ly đựng bia, nhằm tạo ra một trải nghiệm tốt nhất khi uống bia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận