Tuy được UBND TP.HCM chấp thuận điều chuyển nhà đất của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM (số 201 Phạm Viết Chánh, quận 1) làm cơ sở 2, nhưng câu chuyện xây mới và xây ở đâu của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình vẫn còn là vướng mắc chưa tìm được lối ra cuối cùng.
Xin bỏ dự án 13 năm nằm trên giấy
Tại cuộc làm việc với HĐND TP.HCM ngày 2-11, bác sĩ Hoàng Mạnh Cường - phó giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình - kiến nghị cần chấm dứt dự án xây mới bệnh viện kéo dài 13 năm tại khu Nam Sài Gòn (huyện Bình Chánh), đồng thời kiến nghị cho phép bệnh viện xây mới tại chỗ (tức số 929 Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5).
Sớm di dời ký túc xá Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, giao mặt bằng cho bệnh viện mở rộng xây dựng.
Kiến nghị của bệnh viện được ông Nguyễn Anh Dũng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - tán thành. Ông cho hay điều kiện cơ sở vật chất Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình chật hẹp, xuống cấp.
Bệnh viện muốn xây mới tại vị trí cũ phải chấm dứt dự án xây mới bệnh viện tại Bình Chánh và phải giải quyết được mặt bằng ở ký túc xá Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng.
"Bệnh viện nằm trong nhóm phải giải quyết an toàn khẩn cấp, nếu kéo dài tình trạng như hiện nay sẽ không đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, thân nhân và nhân viên y tế.
Xây dựng mới mà kế bên có một quả bom nổ chậm như thế thì không được" - ông Dũng cảnh báo. Ông mong muốn các sở, ngành cùng chung tay để bệnh viện được xây dựng mới sớm nhất.
Với đề xuất nêu trên, đại diện UBND quận 5 cho biết địa phương đang điều chỉnh quy hoạch khu vực này, trong đó đề nghị tầng cao của bệnh viện (nếu được xây mới) là 15 tầng. Ngoài khu đất hiện hữu 5.000m², nếu thu hồi thêm ký túc xá sẽ có tổng cộng 5.500m².
Di dời ký túc xá Cao Thắng khi nào?
Một vấn đề khúc mắc là việc giữ hay di dời ký túc xá nằm sát bệnh viện. Và việc xây mới bệnh viện hay không ít nhiều liên quan đến ký túc xá này.
Trong văn bản Sở Xây dựng gửi UBND TP.HCM vào ngày 24-10 cho biết qua kiểm tra thực tế, công trình chưa được sửa chữa theo các đề xuất của kết quả kiểm định từ năm 2021.
"Công trình xuống cấp, xuất hiện nhiều vết nứt tường, cột, dầm cầu thang khu vực sân thượng, nhiều vị trí thấm dột, tấm ô văng và mái đón mặt tiền của công trình bị thấm, nứt lộ cốt thép không đảm bảo an toàn.
Đặc biệt, một số kết cấu cột mặt ngoài, tiếp giáp Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình bê tông bị bong tróc, lộ cốt thép có khả năng rơi vữa bê tông thành từng mảng gây nguy hiểm" - báo cáo nêu.
Theo Sở Xây dựng, việc phá dỡ công trình được thực hiện trong trường hợp để giải phóng mặt bằng xây dựng công trình mới hoặc công trình có nguy cơ sụp đổ ảnh hưởng đến cộng đồng và công trình lân cận…
Do việc thực hiện các thủ tục di dời công trình chưa thể hoàn thành và với tình trạng hiện thời, Sở Xây dựng đề nghị Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng liên hệ đơn vị kiểm định rà soát hiện trạng công trình, cập nhật đánh giá về an toàn, chất lượng kết cấu, hoàn thành trước ngày 30-11-2023.
Trường hợp kết luận công trình "có nguy cơ sụp đổ ảnh hưởng đến cộng đồng và công trình lân cận", UBND quận 5 sẽ phối hợp trường tổ chức di dời người ở, thực hiện phá dỡ công trình. Sở Xây dựng sẽ phối hợp trong việc bố trí quỹ nhà tạm cư.
Trường hợp kết luận công trình chưa thuộc "nguy cơ sụp đổ ảnh hưởng đến cộng đồng và công trình lân cận", đề nghị trường thực hiện ngay các công tác sửa chữa, gia cố theo khuyến cáo.
Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình tại huyện Bình Chánh.
Theo quy hoạch được duyệt, bệnh viện có quy mô khoảng 13 tầng, 500 giường bệnh với tổng vốn đầu tư khoảng 1.130 tỉ đồng theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Lúc bấy giờ, TP.HCM từng quyết tâm khởi công xây dựng bệnh viện trong quý 4-2010, thời gian thi công dự kiến 32 tháng, nhưng đã 13 năm dự án này vẫn "giậm chân tại chỗ". Sở Y tế từng kiến nghị ngưng triển khai dự án theo hình thức BT, chuyển sang nguồn vốn ngân sách của thành phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận