TTCT - Báo chí Mỹ có một truyền thống khá lạ: gần đến ngày bầu cử tổng thống, họ sẽ chọn một ứng cử viên để chính thức tuyên bố ủng hộ (endorsement), bất kể cảm nhận chung của độc giả là báo chí phải giữ vị thế khách quan mới mong đưa tin chính xác. Ảnh: The Panther Newspaper Chuyện ủng hộ một trong hai phe tranh cử đã trở thành bình thường đến nỗi khi có tờ tuyên bố không ủng hộ ai lại trở thành lớn chuyện.Làm khác người, hai báo lớn bị chê "hèn nhát"Đầu tiên là chủ tờ Los Angeles Times, tỉ phú Patrick Soon-Shiong can thiệp, ngăn không cho ban biên tập tờ báo ra tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Dân chủ, bà Kamala Harris. Ngay sau đó, trưởng ban xã luận của báo, bà Mariel Garza, quyết định từ chức để phản đối. Trước đó bà đã chuẩn bị bài xã luận nêu các lý do tờ báo chọn bà Harris, nhưng ông Soon-Shiong cản lại, không cho đăng.Ông tỉ phú ngành dược này mua lại Los Angeles Times, tờ báo lớn thứ 5 nước Mỹ, vào năm 2018 với giá 500 triệu đô la. Nói chuyện với tờ Columbia Journalism Review, bà Garza cho biết bà từ chức vì không muốn bị bịt miệng. "Vào thời điểm nguy hiểm, người trung thực cần phải đứng lên. Đây là cách tôi đứng lên", bà nói. Sau bà, thêm hai người trong ban xã luận cũng từ chức.Mấy ngày sau, đến lượt tờ The Washington Post, từng liên tục chọn ủng hộ ứng cử viên tổng thống từ năm 1976, nay cũng tuyên bố sẽ bỏ cách làm này. Nội bộ tờ The Washington Post cho rằng quyết định này đến từ chủ báo, tỉ phú công nghệ Jeff Bezos, còn chủ bút Will Lewis chỉ là người truyền đạt chỉ thị: "Từ nay về sau The Washington Post sẽ không ủng hộ một ứng cử viên tổng thống nào".Cựu tổng biên tập The Washington Post Martin Baron viết trên mạng X rằng quyết định này là "hèn nhát, nạn nhân sẽ là nền dân chủ". Lý do ông Baron dùng từ "hèn nhát" là bởi có những phân tích cho rằng Bezos ngại xích mích với ông Trump nếu lỡ ông này đắc cử trong khi Amazon và các tập đoàn khác của ông lại có nhiều hợp đồng lớn với chính quyền liên bang Mỹ.Ông Bezos mua lại The Washington Post năm 2013 với giá 250 triệu đô la. Cũng như nhiều tờ báo khác, cả hai tờ Los Angeles Times và The Washington Post đều đang lỗ nặng, năm ngoái LA Times lỗ chừng 30-40 triệu đô la, Post lỗ nhiều hơn, chừng 100 triệu đô la. Sau tuyên bố không ủng hộ ai, gần 2.000 độc giả dài hạn của tờ Post đã hủy đăng ký mua báo.Thật ra tỉ phú Soon-Shiong nói khá sòng phẳng. Giải thích trên mạng X, ông nói đã trao cho ban biên tập một cách làm khác chuyện "bảo trợ" như mọi khi, và ông nghĩ cách làm mới là thỏa đáng. "Họ cứ phân tích khách quan mọi chính sách tích cực và tiêu cực của mỗi ứng cử viên trong thời kỳ nhậm chức ở Nhà Trắng và cách các chính sách này ảnh hưởng đến đất nước… Bằng cách này với thông tin rõ ràng, không theo phe phái, nằm cạnh nhau, độc giả có thể quyết định ai xứng đáng làm tổng thống trong bốn năm tới". Ông kết luận: "Ban biên tập quyết định giữ im lặng và tôi chấp nhận quyết định của họ".Ông chủ tờ LA Times, Patrick Soon-Shiong. Ảnh: LA TimesJeff Bezos cũng đã lên tiếng trực tiếp về chuyện tranh cãi này. Trong bài viết đăng trên tờ Post, ông biện minh cho quyết định yêu cầu tờ báo không chọn phe: "Việc ủng hộ ứng cử viên tổng thống không làm lệch cán cân trong bầu cử… Việc ủng hộ như thế thật ra chỉ tạo cảm nhận thiên vị. Một cảm nhận không độc lập. Chấm dứt việc ủng hộ là quyết định mang tính nguyên tắc và đúng đắn".Dẫu vậy, hơn 200.000 độc giả dài hạn của tờ Post đã hủy đăng ký báo điện tử, theo đài NPR, chiếm chừng 8% số độc giả dài hạn.Hai bộ phận tách rờiTrong các tờ báo ở Mỹ, người ta thường tổ chức hai bộ phận tách biệt nhau: ban phóng viên đưa tin, viết bài, phải duy trì sự khách quan, không được ưu ái bên nào trong khi đưa tin; ngược lại, ban xã luận viết các bài ý kiến, bình luận thường khen chê rõ ràng, có lập trường trước mỗi sự kiện thời sự.Chính vì vậy bà Garza đã phản bác đề xuất của ông Soon-Shiong. Bà nói việc phân tích chính sách của hai bên là nhiệm vụ của ban phóng viên, chứ không phải của ban xã luận, vì mục đích xã luận là có lập trường và bảo vệ nó một cách thuyết phục. Tuy nhiên có một sự thật khách quan: tuyên bố ủng hộ một ứng cử viên được xem là dạng xã luận nhưng cuối cùng độc giả vẫn nói cả tờ báo, kể cả ban phóng viên, đứng đằng sau sự ủng hộ đó.Trong kỳ bầu cử tổng thống lần này, đa phần các báo lớn ở Mỹ đều chọn một trong hai ứng cử viên để ủng hộ như The New York Times, The Atlantic nói rõ họ ủng hộ bà Harris trong những bài xã luận viết rất chặt chẽ. Vì cánh báo chí thường có quan điểm cấp tiến, nên tỉ lệ ủng hộ bà Harris vượt trội hẳn; chỉ một ít tờ ủng hộ ông Trump như New York Post, The Washington Times.Tờ LA Times từng ủng hộ ứng viên Richard Nixon trong kỳ bầu cử năm 1972 vì ông Nixon, một người thuộc Đảng Cộng hòa, là dân California. Tuy nhiên khi xảy ra xì căng đan Watergate dẫn tới quyết định từ chức của Nixon vào năm 1974, tờ báo xem đây là bài học, nên từ đó về sau không ủng hộ ai nữa. Mãi đến năm 2008, họ trở lại ủng hộ ông Barack Obama và các ứng cử viên thuộc Đảng Dân chủ khác như bà Hillary Clinton năm 2016 và ông Joe Biden năm 2020.Những năm gần đây, một số báo đã bắt đầu từ bỏ truyền thống bảo trợ cho các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử vì độc giả tỏ ra bối rối, không phân biệt được đâu là tin tức và đâu là ý kiến. Mỗi khi họ thấy báo ủng hộ một bên, nhiều độc giả cho rằng tờ báo đó đầy thiên kiến, không đáng tin cậy. Ngay cả The New York Times, năm nay ủng hộ bà Harris cũng tuyên bố họ sẽ ngưng, không ra tuyên bố ủng hộ ai trong các cuộc bầu cử ở New York, như bầu thị trưởng thành phố New York hay thống đốc tiểu bang.Tờ New York Times tuyên bố ủng hộ bà Harris. Ảnh: Fox NewsChuyện báo chí bảo trợ ứng cử viên tổng thống thật ra cũng không có nhiều tác động. Chẳng hạn năm 2016, trong 100 tờ báo lớn nhất Mỹ, 57 tờ ủng hộ bà Clinton, chỉ có 2 tờ ủng hộ ông Trump, nhưng cuối cùng ông Trump vẫn thắng cử. Trong kỳ bầu cử sơ bộ năm 2020, The New York Times ủng hộ 2 ứng cử viên, cả 2 đều thua ông Biden.Cả hai ông chủ của LA Times và The Washington Post đều nhận xét các cây bút xã luận của họ toàn là dân cấp tiến nên các bài viết thường ủng hộ quan điểm cấp tiến, chê bai quan điểm bảo thủ.Trong khi đó một nửa nước Mỹ đã và đang ủng hộ ông Trump và Đảng Cộng hòa, tức quan điểm của họ khác xa những gì thể hiện trên mặt báo. Chính vì vậy cả hai ông này đều muốn tuyển thêm các cây bút bảo thủ, chí ít cũng thuộc loại trung dung.Bezos đã tuyển ông Lewis làm chủ bút The Washington Post vì trước đây ông này làm cho tờ Wall Street Journal, một tờ báo bảo thủ của trùm truyền thông Rupert Murdoch.Nói gì thì nói, chuyện ủng hộ các ứng cử viên chính trị trong các cuộc bầu cử thể hiện quan điểm của cả tờ báo. Các chủ báo, thường ít khi can thiệp vào công việc chuyên môn tác nghiệp hằng ngày, được xem là có quyền chọn lựa ứng cử viên để ủng hộ, kể cả không chọn ứng cử viên nào. Các bài xã luận, tách biệt với tin tức, nhưng dù ý kiến như thế nào cũng được gán cho người đứng tên làm tác giả chịu trách nhiệm. Các tuyên bố ủng hộ, thường không ký tên, được hiểu là của tờ báo và chủ báo là người chịu trách nhiệm chung nên có quyền lên tiếng, kể cả quyền lựa chọn không ủng hộ ai. ■ Để cho khách quan, người viết đã nhờ ChatGPT phân xử ai đúng ai sai bằng câu hỏi: "Vì sao báo chí Mỹ chọn phe để ủng hộ ứng cử viên tổng thống? Lẽ ra báo chí phải giữ thái độ không thiên vị bên nào chứ?". ChatGPT cho rằng đây đang là vấn đề gây tranh cãi. Các lý lẽ bên chọn phe để ủng hộ thường đưa ra gồm duy trì một truyền thống từ lâu, nhất là chuyện ủng hộ chỉ là một dạng xã luận trên báo, tách biệt với phần tin tức. Báo chí, theo họ, phải đóng vai trò dẫn dắt dư luận bằng sự phân tích chuyên môn và các nghiên cứu kỹ lưỡng, khích lệ sự thảo luận trong độc giả, giúp họ tiếp cận các ý kiến khác biệt. Một tuyên bố ủng hộ ứng cử viên tạo ra sự minh bạch trong lập trường của tờ báo, thay vì giả vờ phân tích từ cả hai phía.Tuy nhiên, ChatGPT cũng nêu bật các ý kiến phản đối chuyện "bảo trợ", trước hết vì làm thế, các báo từ bỏ vị thế khách quan cần thiết trong nghề báo. Báo chí từ lâu mang tiếng là theo phe phái, bất kỳ vấn đề gì cũng nhìn theo góc cạnh phe phái; chuyện ủng hộ ứng cử viên thuộc đảng này chứ không phải đảng kia càng khẳng định sự nghi ngờ của độc giả là có cơ sở. Cuối cùng, trong bối cảnh độc giả tiếp cận rất nhiều nguồn thông tin khác nhau, trong đó mạng xã hội là nơi trộn lẫn ý kiến với sự kiện rất rõ nét. Vì thế cái họ cần ở báo chí là việc đưa tin khách quan, chuyện bình luận đúng sai không phải là vai trò của báo chí trong bối cảnh hiện nay. Như thế ủng hộ ứng cử viên chính trị càng không phải là giá trị các tờ báo nên theo đuổi. Tags: Báo chíThe Washington PostNew YorkTổng thốngBáo chí Mỹ
Tin tức thế giới 24-11: Lính Nga đánh ở Ukraine được xóa nợ; Châu Âu sắp cạn dự trữ khí đốt TRẦN PHƯƠNG 24/11/2024 Đạt thỏa thuận các nước giàu trả 300 tỉ USD cho các nước nghèo tại COP29; Ông Trump chọn cựu cố vấn làm bộ trưởng Nông nghiệp.
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường H.MI 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Tin tức sáng 24-11: Sóng tăng giá chung cư lan đến Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Bình Định TUỔI TRẺ ONLINE 24/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: PGBank chuyển trụ sở chính sang Thành Công Tower, tiết lộ số tiền thuê; Một sếp của Dược phẩm Cửu Long xin nghỉ vì 'không thể bố trí thời gian'; Những ngành nào dễ tìm việc ở Hà Nội cuối năm?
Man City thua choáng váng 0-4 trước Tottenham HOÀI DƯ 24/11/2024 Rạng sáng 24-11, Man City hứng chịu thất bại gây sốc 0-4 trước Tottenham trên sân nhà ở vòng 12 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).