TTCT - Bệnh dại vẫn còn là hiểm họa với con người, nhưng cũng có thể không lâu nữa. Cấu trúc glycoprotein của vi rút dại. Nguồn: Heather Callaway/Viện Miễn dịch học La JollaBệnh dại vẫn còn là hiểm họa với con người, nhưng cũng có thể không lâu nữa. Các nghiên cứu tạo ra vắc xin tốt hơn và thuốc điều trị bệnh dại đang có tiến triển mới, mang lại hy vọng chính thức diệt trừ một trong những bệnh truyền nhiễm lâu đời nhất này trong tương lai."Chúng ta thường nghĩ dại là bệnh của quá khứ, nhưng trên thế giới cứ 10 phút lại có người chết vì bệnh dại" - Katie Hampson, giáo sư Đại học Glasgow, nói với tạp chí National Geographic.Bệnh dại giết chết khoảng 60.000 người mỗi năm trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các vùng nông thôn ở châu Phi và châu Á. Khi lên cơn dại, 99% người bệnh và con vật đều chết, "một cái chết khủng khiếp", theo Hampson.Người mắc bệnh dại phải trải qua cái chết dần trong đau đớn, vật vã và gây ám ảnh tâm lý cho người chứng kiến. Nỗi lo sợ bệnh dại đã từng được miêu tả trong một số tác phẩm văn học cổ đại như của nhà triết học Hy Lạp Aristotle, và là "nguồn cảm hứng" để con người sáng tác ra các huyền thoại về người sói hay ma cà rồng.Kẻ biến hình và ẩn nấpBệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất trong lịch sử nhân loại, được ghi nhận từ khoảng năm 2000 trước Công nguyên. Đây là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại gây ra. Vắc xin bệnh dại do Louis Pasteur phát triển đã có từ cuối thế kỷ 19, song hiện nay chúng ta vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bởi vi rút dại có "biệt tài" biến hình và ẩn nấp.Giới khoa học cho rằng nếu hiểu rõ cấu trúc của vi rút dại hơn, có thể tạo ra vắc xin hiệu quả hơn các loại hiện tại và cả thuốc điều trị. Nhưng vấn đề là "các nhà khoa học chưa bao giờ quan sát được tổ chức phân tử bề mặt của vi rút dại" - giáo sư Erica Ollmann Saphire, giám đốc điều hành Viện miễn dịch học La Jolla (Mỹ), cho biết.Vi rút dại thuộc họ Lyssavirus, có hình dạng viên đạn. Chúng có cấu tạo gồm lõi vi rút và lớp vỏ bao, trong đó lớp vỏ bao ngoài có thành phần glycoprotein với cấu trúc dạng gai bề mặt. Các glycoprotein này có khả năng biến đổi hình dạng qua lại giữa dạng trước và sau khi xâm nhập vào tế bào của con người. Nó cũng có thể tan rã và thay đổi cấu trúc, tạo ra bản sao của chính nó. Chính nhờ sự thay đổi hình dạng linh hoạt này đã mang cho vi rút dại "một chiếc áo choàng tàng hình", giúp chúng né tránh được sự nhận diện, theo dõi của các tế bào miễn dịch và cả các thuốc chống vi rút hiện nay.Thậm chí, vi rút này còn có thể sử dụng hàng rào máu não - vốn là công cụ bảo vệ con người - để tự bảo vệ bản thân khi xâm nhập não. Bình thường, hàng rào máu não có tác dụng ngăn chặn các tế bào và phân tử lớn đi qua, xâm nhập não. Khi có nhiễm trùng não, hàng rào máu não sẽ cho các tế bào miễn dịch và kháng thể xuyên qua, để tấn công tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, khi cơ thể bị nhiễm vi rút dại thì hàng rào máu não bị khóa lại, không cho tế bào đi qua kể cả thuốc chống vi rút.Chính vì có các đặc điểm trên, chúng đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các nhà nghiên cứu để tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu.Vắc xin và những điều cần biếtVi rút dại duy trì sự ẩn nấp hoàn hảo trong thời kỳ ủ bệnh cho đến khi nó sẵn sàng tấn công não và áp đảo hệ thống miễn dịch của cơ thể. Cho đến nay phương pháp điều trị tốt nhất là sử dụng vắc xin phòng bệnh.Điểm đặc biệt của vắc xin dại là nó thường được tiêm sau khi đã nhiễm (như bị chó cắn), thay vì tiêm trước để dự phòng. Sau khi bị con vật cắn, người bệnh cần xử lý vết thương đúng cách (rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục khoảng 15 phút). Dựa vào đặc điểm vết thương, bác sĩ sẽ chỉ định số lượng mũi tiêm dự phòng phơi nhiễm.Huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại nên được tiêm thời gian ngắn nhất càng sớm càng tốt - tốt nhất là trong vài giờ và không quá 24 giờ sau khi bị cắn.Louis Pasteur (trái) quan sát một đồng nghiệp mổ mẫu vật trong quá trình nghiên cứu vắc xin phòng bệnh dại. Tranh khắc gỗ khoảng năm 1885. Nguồn: BritannicaMặc dù được tiêm phòng đầy đủ nhưng trong y văn vẫn ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh dại và tử vong. Nguyên nhân, theo giáo sư Saphire, có thể do hiện nay vắc xin phòng bệnh dại cho người và vật nuôi đều được sản xuất từ vi rút đã chết, và quá trình bất hoạt vi rút có thể khiến các phân tử trở nên biến dạng. "Vì vậy những loại vắc xin này không thể hiện đúng hình dạng đối với hệ thống miễn dịch, từ đó không tạo ra được kháng thể hiệu quả" - bà nói.Ngoài yếu tố trên thì việc tiêm vắc xin dại có thể kém hiệu quả do chính hệ miễn dịch của người bệnh hoặc do sai lầm trong các bước xử trí ban đầu.Năm 2021, một người đàn ông 84 tuổi ở Mỹ chết vì bệnh dại, 6 tháng sau khi bị dơi cắn khi đang ngủ, dù ngay sau phơi nhiễm đã được chích vắc xin. Một bài viết trên tập san y khoa Clinical Infectious Diseases tháng 4-2023 đã mô tả chi tiết trường hợp này, cũng như phân tích nguyên nhân dẫn đến việc ông vẫn tử vong dù được tiêm vắc xin sớm.Cụ thể, ông bị cắn vào tay phải đêm 27-7-2020. Vì không thấy vết thương, ông chỉ rửa tay bằng xà phòng rồi đi ngủ. Ngày 30-7, con dơi được xác định mắc bệnh dại, vì vậy bệnh nhân được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP), bao gồm tiêm vắc xin. Đến ngày 7-1-2021, ông bắt đầu xuất hiện triệu chứng, và nhanh chóng trở nặng, đến khi qua đời đúng sau đó 1 tuần.Xét nghiệm sau đó cho thấy ông không hề có kháng thể nào trong máu hoặc trong dịch não tủy. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc tiêm ngừa sau phơi nhiễm không có tác dụng là do tuổi tác và các bệnh nền của ông: tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường type 2 và suy thận mạn tính. Có lẽ chính việc "suy giảm miễn dịch" (immune dysfunction) là nguyên nhân khiến ông tử vong. Do vậy, các nhà nghiên cứu đã khuyến nghị những người có nhiều khả năng bị suy giảm miễn dịch nên kiểm tra lượng kháng thể trong máu sau khi đã hoàn thành các mũi tiêm.Một trường hợp khác, theo tờ The Hindu (Ấn Độ): tháng 10-2021, một cậu bé 7 tuổi bị chó cắn tử vong sau khi đã tiêm mũi vắc xin đầu tiên hơn 3 tuần. Một vài giả thiết đã được các nhà điều tra đưa ra bao gồm việc xử lý vết thương ban đầu không đúng cách; thời điểm tiêm vắc xin phòng bệnh muộn đã tạo thời gian cho vi rút lây lan (lúc này vi rút đã xâm nhập tế bào thần kinh và nhân lên) hoặc có thể do chất lượng vắc xin, quá trình bảo quản thuốc và tiêm thuốc chưa đúng quy định.Tuy nhiên, những trường hợp ghi nhận như trên là rất hiếm gặp và tính hiệu quả, an toàn của các phương pháp điều trị dự phòng bệnh dại vẫn tỏ ra ưu việt. Vắc xin phòng bệnh dại thường được khuyến cáo tiêm cho những người có nguy cơ cao tiếp xúc với chó hoặc các động vật khác nhưng chúng không mang lại hiệu quả bảo vệ suốt đời và bạn cần phải tiêm lại liều củng cố theo lịch.Những hy vọng mớiSau nhiều năm nghiên cứu, tiến sĩ Heather Callaway và các cộng sự tại Viện miễn dịch học La Jolla đã đông lạnh được glycoprotein của vi rút dại ở dạng trước khi xâm nhập tế bào con người.Theo Callaway, trước đây chúng ta không có những cấu trúc khi vi rút ở trạng thái và hình dạng này, nên rất khó để thiết kế ra một vắc xin phổ rộng. Sự hiểu biết mới về cấu trúc của vi rút dại, đặc biệt là các glycoprotein trên bề mặt vi rút, sẽ là cơ sở để các nhà nghiên cứu tạo ra vắc xin phòng bệnh dại hiệu quả hơn.Tranh minh họa Louis Pasteur (phải) giám sát việc tiêm vắc xin bệnh dại tại Viện Pasteur ở Paris năm 1886. Ảnh: Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ/ Getty ImagesGần đây, nhân Ngày Bệnh dại thế giới (28-9), một bài báo đăng trên tạp chí EMBO Molecular Medicine tiếp tục mở ra hy vọng mới trong điều trị bệnh dại, với các kết quả khả quan về một phương pháp điều trị đơn giản và hiệu quả, có thể chữa khỏi bệnh dại ngay cả những trường hợp nặng.Các phương pháp điều trị trước đây thất bại là do không vượt qua được hàng rào máu não. Phương pháp mới này có điểm khác biệt là thúc đẩy hệ miễn dịch tạo ra các tế bào miễn dịch nhỏ hơn, có thể đi qua hàng rào máu não, vào hệ thần kinh và tấn công vi rút dại một cách hiệu quả.Thí nghiệm cho thấy chuột được tiêm kháng thể đơn dòng đã có thể sống sót sau khi được cho nhiễm một liều vi rút dại gây chết người. Đây được xem là những bước tiến đầu tiên; để đưa phương pháp tiềm năng này áp dụng rộng rãi thì các nhà khoa học cần phải tiến hành nghiên cứu sâu hơn với các thử nghiệm trên con người. Dù vậy, nghiên cứu này đã mở ra nhiều hy vọng mới cho việc điều trị căn bệnh khủng khiếp này trong tương lai.Bệnh dại vẫn là nỗi ám ảnh cho con người trong thời gian tới. Ở thời điểm hiện tại, khi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu thì sơ cứu ban đầu đúng cách được xem là quan trọng và cần thiết để làm giảm số hạt vi rút xâm nhập. Thời gian tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại cần thực hiện càng sớm càng tốt, không chần chừ, không chờ đợi bởi một khi vi rút dại xâm nhập vào hệ thần kinh thì chúng ta gần như không có biện pháp để chống lại chúng. Lúc này, cái chết có thể đã đến rất gần. Bên cạnh việc gây ra cái chết ám ảnh khi chưa có thuốc điều trị, vi rút dại còn gây ra nỗi lo sợ cho người bị cắn bởi thời gian ủ bệnh dại dài hoặc ngắn khác nhau và không có xét nghiệm nào tìm ra sự có mặt của chúng trong thời gian ủ bệnh. Thời kỳ ủ bệnh dại thường dao động từ 1-3 tháng nhưng cũng có thể ngắn hơn (khoảng 9 ngày) hoặc kéo dài vài năm. Thậm chí, nhiều trường hợp phát bệnh sau khi vết cắn đã liền sẹo hoặc cách quá lâu mà người bệnh đã quên cả thời điểm bị chó cắn. Tags: Vắc xinBệnh truyền nhiễmĐiều trị bệnhThuốc điều trịThuốc điều trị bệnhVaccineDạiBệnh dạiTiêm ngừa
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Doanh thu cơ quan báo chí giảm mạnh, cần ưu đãi sâu về thuế thu nhập TIẾN LONG 22/11/2024 Cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang khó khăn cần chính sách ưu đãi ở mức không chịu hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Việt Nam có khoảng 70.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến kháng thuốc kháng sinh THANH HÀ 22/11/2024 Theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có gần 270.000 ca tử vong do đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.