23/09/2017 06:49 GMT+7

Vì phim chứ đừng vì đất

QUỐC THANH - LÊ VÂN
QUỐC THANH - LÊ VÂN

TTO - Trong vòng 36 giờ, sự kiện ở Hãng phim truyện Việt Nam thu hút hơn 180 e-mail ý kiến bàn luận của bạn đọc. Trong đó, có rất nhiều băn khoăn về "nhân vật chính" tham gia cổ phần không làm trong lĩnh vực phim ảnh…

Vì phim chứ đừng vì đất - Ảnh 1.

Phim Chị Tư Hậu do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1962. - Ảnh: C.K

Khảo sát ngẫu nhiên khoảng 120 ý kiến của bạn đọc được gửi đến Tuổi Trẻ qua kênh e-mail, có khoảng 65 ý kiến hết sức băn khoăn khi cho rằng cổ đông chiến lược quan tâm đến khu đất của hãng phim hơn là làm phim, như phản ánh của một số nghệ sĩ.

"Phó thủ tướng ơi, xưa kia nghệ sĩ cũng nghèo lắm, ăn không no, mặc không ấm nhưng họ xả thân làm nên lịch sử, có phim để đời. Nay có miếng ăn sao họ không sáng tạo nổi?".

Trích ý kiến bạn đọc (bandoc17@)

Bạn đọc Nhat Thanh bình luận "lô đất này ngon lắm". Còn ý kiến từ e-mail th.huy.nguyen@ gửi đến Tuổi Trẻ cho rằng "cái chính ở đây là các ông mua hãng phim hay mua đất của hãng phim. Nếu mua đất của hãng phim thì cho lại cái giá, còn mua hãng phim thì tập trung vào làm phim, đừng đi cho thuê đất".

Video bạn đọc Dương Hạnh (TP.HCM) thắc mắc về khả năng chuyên môn, phát triển phim ảnh của công ty mua cổ phần 

Theo bạn đọc Tran Dan, "cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam chỉ là cuộc cưỡng hôn…". Hai mục đích đất - phim như hai đường thẳng song song thì làm sao mà gặp nhau được. Bạn đọc Nam Minh dí dỏm "mới hai tháng đã có "lời" rồi - lời ra, tiếng vào"!

Bạn đọc Táo Lê phân tích cam kết cao nhất của việc đầu tư cho công ty phim truyện là kịch bản - một tài sản và giá trị gia tăng của một công ty phim - thì không được nhà đầu tư có bất kỳ chiến lược và hành động nào. 

Còn bạn đọc Hùng Chu đề nghị cần xem lại đề án cổ phần hóa. Khi cổ phần hóa xong có đi theo chiến lược phát triển lĩnh vực làm phim nữa hay không…

Video bạn đọc Thiên Kỳ (diễn viên TP.HCM) hãng phim là để làm phim

Trong khi đó có dòng ý kiến tranh luận, cho rằng nhà nước không thể bao cấp mãi, hãng phim cần sống, thích ứng với cơ chế thị trường. Trong số 120 ý kiến khảo sát , có khoảng 30 ý kiến đồng tình với xu hướng này.

Bạn đọc Le La khẳng định "quá khứ thì vẫn trân trọng, còn hiện tại thì nên theo cơ chế thị trường, nhà nước không bao cấp nữa. Hi vọng mọi người hiểu điều đó". 

Thanh Huyền cho rằng thời đại này làm gì có chuyện bao cấp nữa và xu hướng là cổ phần hóa. Vì vậy các anh chị nghệ sĩ của hãng phim hãy năng động sáng tạo để sản xuất những bộ phim hay, có doanh thu.

Tuy nhiên, bạn đọc Lê Tuấn Anh lưu ý "làm gì cũng cần phải tuân thủ pháp luật, minh bạch và phải đáp ứng mục tiêu đúng đắn đặt ra. Xã hội thời kỳ đổi mới rất cần những quyết đoán, dám nghĩ, dám làm… Nhưng cũng phải tỉnh táo để loại bỏ ngay những kẻ cơ hội, lợi dụng những lúc này vì mục đích trục lợi cá nhân".

 Bạn đọc Đỗ Đô đề đạt "sang trang mới nhưng không để khối tài sản rất lớn (Hãng phim truyện Việt Nam) rơi vào tay một nhóm lợi ích".

Hi vọng sẽ giải quyết rốt ráo

Sau khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát Hãng phim truyện Việt Nam, có nhiều ý kiến bày tỏ tin tưởng những vấn đề bức xúc về cổ phần hóa hãng phim sẽ được giải quyết rốt ráo. "Tôi tin Phó thủ tướng sẽ giải quyết tốt nguyện vọng của các nghệ sĩ" - bạn đọc Hoàng Sơn viết.

Bạn đọc Vũ Trọng Đại gửi lời chúc mừng đến Hãng phim truyện Việt Nam và "hi vọng Phó thủ tướng có cách giải quyết thấu đáo để hãng phim mãi còn đọng lại cho muôn đời sau".

Theo kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, sẽ báo cáo Thủ tướng chỉ đạo thanh tra việc cổ phần hóa hãng phim.


QUỐC THANH - LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên