Như Tuổi Trẻ Online thông tin, chiều 5-9, tại cuộc họp báo kinh tế - xã hội ở TP.HCM, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM Nguyễn Tăng Minh và Phó chủ tịch UBND quận 12 Võ Thị Chính đã thông tin về vụ việc bạo hành trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng.
Với cơ sở mái ấm Hoa Hồng đã tổ chức kiểm tra hai lần vào tháng 11-2023 và tháng 4-2024. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận cũng thực hiện giám sát vào tháng 7-2024 nhưng không phát hiện vi phạm.
"Việc này cho thấy chủ cơ sở này đã đối phó tinh vi với cơ quan quản lý nhà nước khi đến kiểm tra", bà Chính nói.
Những câu hỏi nhức nhối
Hàng loạt câu hỏi nhức nhối liên quan vụ việc này được rất nhiều bạn đọc đặt ra.
Độc giả Lê Phổ bức xúc: "Gần 90 trẻ bị hành hạ hằng ngày, kêu khóc hằng ngày mà sao các cơ quan chức năng của phường không hề biết. Tại sao?".
"Cơ sở đối phó tinh vi hay chính quyền chưa làm hết trách nhiệm?" - bạn đọc Tùng hỏi thẳng.
Tài khoản VT chất vấn: "Có hai vấn đề cần đặt ra đối với các đoàn kiểm tra. Thứ nhất, các đoàn kiểm tra như thế nào mà không phát hiện sai phạm?
Thứ hai, nếu đoàn kiểm tra đã làm hết năng lực, trách nhiệm mà vẫn không phát hiện được sai phạm của cơ sở thì cần xem lại năng lực của các đoàn kiểm tra".
Theo bạn đọc Dư: "Trước hết xin nhấn mạnh đây không phải lần đầu tiên xảy ra chuyện nhiều trẻ em bị bạo hành. Thậm chí đã có vụ làm chết bé vô tội, gây phẫn nộ cộng đồng. Đã có vụ truy tố ra tòa án xử lý. Thế thì tại sao vẫn tồn tại?
Trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vụ này ra sao? Còn bảo rằng cơ sở đối phó tinh vi là chưa hợp lý. Cần mạnh tay xử lý".
Độc giả Quoc Bao có ý kiến: "Nhiều vụ việc hành hạ trẻ em đều do người dân hay báo chí phát hiện, trong khi lực lượng chức năng địa phương có đủ công cụ pháp lý kiểm tra giám sát thì sao chậm trễ?".
"Kiểm tra mà báo trước thì cơ sở sẽ phù phép đối phó là chuyện thường tình. Nhưng việc cấp phép nuôi dưỡng hơn 30 cháu nhưng lại có trên 80 cháu mà không phát hiện thì quá đáng đặt vấn đề" - bạn đọc Dương Văn Tuấn viết.
Một bạn đọc cho rằng: "Ai cũng biết các hành vi này là bạo lực và vi phạm pháp luật thì chắc chắn những người trong cơ sở đó phải che đậy là đương nhiên. Không ai lại hành động khi có đoàn kiểm tra cả, hơn nữa các cháu quá nhỏ để nói ra sự việc với đoàn kiểm tra.
Thế nên việc này không thể trách đoàn kiểm tra chưa làm hết trách nhiệm được. Trừ khi các cơ sở này phải được gắn camera giám sát và truyền dữ liệu trực tiếp về các cơ quan thẩm quyền".
Còn độc giả Nguyên có quan điểm khác: "Kiểm tra nhiều lần nhưng không phát hiện sai phạm thì không thể không xem lại trách nhiệm của đoàn kiểm tra".
Sao không lắp camera ngăn bạo hành trẻ em?
Bạn đọc Ngoc Lam đề nghị "đưa vào quy chế quản lý bắt buộc các cơ sở nuôi giữ trẻ phải lắp đặt camera online 24/24h và chia sẻ giám sát với cơ quan chăm sóc bảo vệ trẻ em địa phương. Có như vậy thì mới hạn chế cơ sở đối phó tinh vi. Chứ đi kiểm tra mà báo trước cho cơ sở thì dễ đối phó".
Còn tài khoản huyn****@gmail.com góp ý cần quy định muốn mở cơ sở thiện nguyện nuôi trẻ mồ côi thì bắt buộc phải gắn camera nơi trẻ sinh hoạt để các cơ quan cùng giám sát: công an địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hội phụ nữ và cơ quan bảo vệ trẻ em.
"Tất cả nhà trẻ, trường học các cấp, mái ấm cơ nhỡ, trung tâm bảo trợ trẻ em và người già phải được trang bị camera giám sát để ngăn chặn kịp thời các vụ bạo hành.
Còn lắp đặt vị trí nào thì sẽ có quy định cụ thể. Đừng để xảy ra hậu quả rồi mới đi xử lý" - bạn đọc có tài khoản SG kiến nghị.
Trong khi đó bạn đọc Tạ Thị Hằng cho rằng cần quy định các bảo mẫu chăm sóc trẻ tại các mái ấm phải có chứng chỉ đào tạo chăm sóc trẻ. Trông trẻ ngoài cái tâm cần phải có kỹ năng cơ bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận