Các nước đều muốn kiểm soát chặt chẽ bệnh nhân COVID-19 bị cách ly - Ảnh: ISTOCK
Công nghệ mới đã được nhiều nước và vùng lãnh thổ áp dụng để truy vết người nhiễm COVID-19 hoặc người nhập cảnh.
Sử dụng công nghệ kiểm soát người đang cách ly
Báo Libération (Pháp) ghi nhận tại Hong Kong, theo quy định về cách ly, người nhập cảnh vừa xuống máy bay sẽ được mang vòng tay điện tử.
Khi đến địa điểm phải cách ly trong 14 ngày, du khách phải quét vòng tay điện tử bằng điện thoại và đi một vòng quanh nơi lưu trú để xác định phạm vi cách ly.
Nếu du khách vi phạm quy định cách ly, chính quyền sở tại sẽ biết ngay và người vi phạm sẽ bị trừng phạt.
Đài Loan cách ly hoàn toàn đối với bệnh nhân COVID-19 bằng hệ thống giám sát GPS.
Bệnh nhân nhận được một điện thoại di động. Nhiều lần trong ngày họ phải tự chụp ảnh trong căn hộ và gửi ảnh cho cảnh sát viên, trong đó có ảnh đo nhiệt kế bằng miệng để chứng minh không sốt.
Người nhập cảnh đến Hong Kong phải đeo vòng tay điện tử và cách ly 14 ngày - Ảnh: AFP
Không có chuyện rời bỏ chỗ cách ly đi ra ngoài vì người vi phạm bị phạt tiền rất nặng.
Tại Nga, ban đầu thủ đô Matxcơva sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt để quản lý bệnh nhân COVID-19 trong thời gian cách ly, chủ yếu là người nhập cảnh từ Trung Quốc.
Đến khi đại dịch lan tràn, Nga đã áp dụng một ứng dụng (app) riêng cho những người có kết quả xét nghiệm dương tính.
Khi nhận được thông báo ngẫu nhiên nào đó, họ phải trả lời kèm theo ảnh chụp qua điện thoại để chứng minh mình đang cách ly tại nhà.
Tại Singapore, du khách nước ngoài bắt buộc phải cách ly 14 ngày trong khách sạn được chỉ định ngẫu nhiên.
Mọi công dân Singapore trên 7 tuổi đều được trang bị công cụ truy vết cho đến cuối tháng 12-2020.
Người cách ly tại nhà ở Ý có thể bị kết án đến 18 tháng tù nếu vi phạm quy định - Ảnh: AFP
Phạt nặng để răn đe người vi phạm
Các quốc gia ở châu Âu đã áp dụng các biện pháp phạt tiền và kể cả phạt tù đối với bệnh nhân COVID-19 vi phạm quy định cách ly.
Tại Ý, báo Corriere della Sera đưa tin bất kỳ người nào vi phạm nghĩa vụ cách ly có nguy cơ bị kết án từ 3-18 tháng tù giam và bị phạt tiền từ 500-5.000 euro. Biện pháp này được áp dụng cho đến ngày 31-1-2021.
Vùng Venetia từ tháng 7-2020 đã quy định người sử dụng lao động phải trả tiền phạt 1.000 euro nếu bất cẩn để cho người lao động nhiễm COVID-19.
Tại Bỉ, luật y tế của vùng Wallonia đã bắt buộc áp dụng quy định cách ly từ tháng 7-2020. Ai vi phạm sẽ bị phạt 500 euro hoặc bị phạt tù từ 6 ngày đến 8 tháng.
Các vùng ở Bỉ quy định mức xử phạt khác nhau với mức phạt tiền đến 4.000 euro hoặc phạt tù 3 tháng.
Tại Hi Lạp, người rời địa điểm cách ly lây nhiễm cho người khác sẽ bị phạt tù rất nặng - Ảnh: AFP
Tại Tây Ban Nha, nếu vi phạm quy định cách ly lần đầu và chưa tiếp xúc với ai, người vi phạm chỉ phải nộp phạt 3.000 euro. Nhưng nếu tái phạm, tiền phạt tăng lên đến 600.000 euro.
Người đang cách ly lại đi dự sự kiện đông người như đám tiệc hoặc ở chung với những người dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người mắc bệnh nền sẽ bị phạt 500.000 euro.
Từ tháng 9-2020, Anh xem cách ly là nghĩa vụ pháp lý. Bất kỳ trường hợp vi phạm nào cũng bị phạt tiền từ 1.000 bảng Anh cho đến 10.000 bảng trong trường hợp tái phạm.
Ngoài ra người vi phạm còn bị cơ quan chức năng kiểm tra ngẫu nhiên qua điện thoại và thậm chí trong số ít trường hợp bị kiểm tra tận nhà.
Báo Le Parisien (Pháp) ghi nhận Hi Lạp là quốc gia xử phạt nặng nhất châu Âu về vi phạm quy định cách ly.
Bệnh nhân COVID-19 vi phạm quy định nhưng "chưa lây nhiễm cho người khác" có thể bị phạt tù đến 5 năm.
Nếu lây nhiễm cho 1 người, mức án tăng lên 10 năm. Còn nếu lây nhiễm dẫn đến trường hợp tử vong, mức án tăng đến 15 năm tù giam.
Nếu chẳng may có nhiều người tử vong, người vi phạm sẽ lãnh án tù chung thân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận