12/02/2017 10:20 GMT+7

Vi phạm nơi công cộng: Phạt đi, chờ gì nữa!

BÁ TRUNG
BÁ TRUNG

TTO - Những hành vi gây hại ở nơi công cộng như hút thuốc, vứt tàn thuốc, xả rác, tiểu bậy... từ chỗ là hành vi gây chướng mắt của ít người giờ đây trở thành chuyện bình thường ở các đô thị lớn.

Hay như chuyện lấn chiếm lề, lòng đường không chỉ ở các con đường nhỏ, nhiều người còn ngang nhiên bày bán hàng hóa trên đường, đơn cử ở quốc lộ 50 với các khu vực thuộc địa phận huyện Bình Chánh (TP.HCM).

Tại phường 5, quận 8 nơi chúng tôi ở, chợ tự phát trên đường Hoàng Minh Đạo và Bùi Minh Trực đang bành trướng vượt xa sự kiểm soát của chính quyền và hết sức mất trật tự...

Tức thời các câu hỏi “Ai phạt? Phạt ai? Phạt thế nào?” lại được đặt ra, nhất là khi nghị định 155/2016 quy định việc chế tài các sai phạm môi trường có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-2-2017.

Theo đó, những vi phạm phổ biến như xả rác, tiểu bậy... có thể bị phạt nặng. Giống như một số nghị định xử phạt trước đó, nghị định 155 ra đời từ chỗ các cơ quan chức năng cho rằng mức phạt hiện tại thấp khiến vi phạm tràn lan, nên phải quy định tăng tiền phạt.

Đành là vậy, nhưng nếu quy định phạt cao mà vẫn không ai chịu phạt, tức các địa phương vẫn cứ tiếp tục kêu khó như với các quy định cũ (nào là nhân sự ít; nhiều trường hợp vi phạm là người nghèo, dân vãng lai; quy trình xử phạt nhiêu khê...) mà không nỗ lực làm tốt phận sự xử lý các vi phạm thì làm sao rèn được cho số đông ý thức giữ gìn văn minh đô thị?

Thay vì “ông” nọ đẩy cho “ông” kia, các địa phương có thể giao lực lượng trật tự đô thị tăng cường phát hiện, xử lý các vi phạm về vệ sinh môi trường, giao thông đường bộ trên địa bàn.

Cùng với các thủ tục phạt tiền, lực lượng chức năng có thể đề nghị người vi phạm mang rác bỏ đúng nơi; rửa sạch chỗ vừa tiểu bậy... như một cách tự nguyện khắc phục hậu quả để được xem xét, cho phép đóng phạt ở mức sàn.

Cách xử lý theo kiểu làm khó người vi phạm nhưng không trái luật này cần được nhân rộng từ cách làm của quận 1 cho “đáng tội” các đối tượng, đặc biệt với những người không có khả năng đóng tiền phạt.

Những vi phạm về lấn chiếm, “càn quét” lòng, lề đường cũng phải được xử lý nghiêm, hạn chế việc làm được chăng hay chớ dẫn đến lờn “thuốc” rất nguy hại.

Sẽ cần có nhiều giải pháp đồng bộ (như bố trí đủ thùng rác, nhà vệ sinh, sắp xếp chỗ buôn bán hợp lý chứ không duy ý chí là dẹp bỏ tất cả...) để tạo điều kiện cho người dân không phạm luật.

Bên cạnh đó là lắp đặt thêm camera, mời gọi sự góp sức của người dân để thêm con mắt, cánh tay cho chính quyền trong việc bắt buộc mọi người chấp hành luật.

Ngoài ra, pháp luật cũng nên bổ sung hình phạt lao động công ích như cách làm của nhiều nước để dễ dàng cưỡng chế xử phạt hơn.

Thế nhưng trên hết vẫn phải là quyết tâm tổ chức thực thi bằng được của lực lượng công vụ với địa chỉ chịu trách nhiệm cụ thể, bởi lẽ phạt rát chính là cách tốt nhất để nhiều người thấy sợ mà không dám vi phạm.

Vậy nên hãy phạt đi, chờ gì nữa!

BÁ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên