Công ty cổ phần bột giặt LIX - chi nhánh Bình Dương vừa bị phạt 1,162 tỉ đồng do xả nước thải vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật 10 lần. Ảnh nhỏ: cơ quan chức năng lấy mẫu nước để xét nghiệm - Ảnh: BÁ SƠN
Trước những tranh cãi tại Quốc hội về nguyên nhân bất cập trong xử lý vi phạm hành chính, PGS.TS Võ Trí Hảo, trưởng khoa luật Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng bên cạnh việc tăng mức phạt, cần lưu trữ để vi phạm nhiều lần sẽ có chế tài thêm ngoài phạt tiền.
Ông Hảo nói: Xử phạt vi phạm hành chính ở nước ta gặp một số vấn đề và chưa "điều trị" đúng cách. Nhiều mức xử phạt chưa khiến người ta sợ. Nên bổ sung cả hình phạt như lao động công ích (dọn đường phố, chăm sóc tại viện dưỡng lão...).
Ra nước ngoài tuân thủ, về nước lại vi phạm
* Theo ông, tại sao nhiều người Việt ra nước ngoài có ý thức tuân thủ pháp luật, nhưng về nước lại sẵn sàng vi phạm?
- Một hành vi vi phạm được lặp đi lặp lại do pháp luật, thể chế trong xã hội đó chưa nghiêm. Người đó sang Singapore hay các nước khác có pháp luật, thể chế khác thì hành vi sẽ khác. Do vậy, cách giải thích do ý thức người Việt kém chỉ đúng trong ngắn hạn, 3-5 năm thôi. Lấy ví dụ như văn hóa uống rượu lái xe của người Việt Nam lâu nay, chỉ cần một nghị định xử phạt nghiêm khắc các hành vi lái xe khi uống rượu đã có tác dụng ngay, khiến nhiều người thay đổi hành vi. Hay quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm trước đó cũng tương tự.
* Như vậy vi phạm nhiều có lý do quy định và xử lý vi phạm hành chính hiện có những bất cập?
- Thứ nhất, ý kiến mức xử phạt nặng - nhẹ lâu nay đều cảm tính, không có những khảo sát đầy đủ. Đặc biệt, nước ta có 63 tỉnh, thành và các vùng miền khác nhau nhưng mức chế tài giống nhau trên toàn quốc dẫn đến nặng quá với vùng này, nhẹ quá với vùng kia. Việc chọn mức xử phạt trung bình dẫn đến chế tài không hiệu quả đối với nhiều địa phương. Mà chỉ cần 30% địa phương có nhiều người dân coi thường pháp luật thì sự coi thường pháp luật sẽ càng nghiêm trọng.
Thứ hai, khi vi phạm ví dụ người ta có thể lời 1 đồng, bị phát hiện có thể bị chế tài 100 đồng. Nghe qua có vẻ nặng nhưng nếu khả năng bị phát hiện, xử lý chỉ xác suất 1/1.000 thì vi phạm họ vẫn "có lời".
Việt Nam đang cào bằng mức phạt, không phân biệt người giàu, người nghèo. Vì vậy dẫn đến người bình thường mức chế tài đó đủ răn đe nhưng người giàu đó chỉ là "con muỗi". Do vậy ở nước ngoài bên cạnh phương pháp mức tối thiểu, đối với những người có thu nhập cao còn phải tính mức phạt theo tỉ lệ phần trăm thu nhập một năm liền trước. Như vậy bảo đảm người 50kg và người 100kg sẽ dùng liều thuốc kháng sinh khác nhau.
Nhiều người đã biết sợ, không còn lái xe khi đã uống rượu bia. Trong ảnh: lập biên bản và tạm giữ xe của tài xế uống rượu bia - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cần tàng thư vi phạm hành chính
* Thực tế có nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn cố tình vi phạm, và khi bị xử phạt thì chây ì. Có cần giải pháp mạnh ngoài phạt?
- Một vi phạm hành chính ngoài việc xử phạt về kinh tế họ còn chịu hậu quả về lịch sử vi phạm của mình. Hiện chúng ta chưa xây dựng được dữ liệu về tàng thư vi phạm hành chính nên người vi phạm nộp tiền là xong. Trong khi ở nhiều nước, việc một người vi phạm ngoài bị phạt tiền còn bị lưu trong tàng thư và suốt cuộc đời còn lại họ muốn xin một loại giấy phép gì đều có thể bị tra cứu lịch sử vi phạm hành chính. Khi một người vi phạm quy định về an toàn giao thông, khi mua bảo hiểm họ có thể trả tiền cao hơn người bình thường.
Do vậy, phải xây dựng được hệ thống tàng thư về xử lý vi phạm hành chính toàn quốc, sau đó quy định một số hình thức chế tài ngoài phạt tiền. Ví dụ như người vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị rút phép, không được mở nhà hàng trong vòng 5 năm. Nếu không có tàng thư, một người bị đóng cửa ở địa phương A họ sẽ sang mở ở địa phương B. Tại sao một ngân hàng có 3.000 tỉ đồng vốn điều lệ họ còn làm được cơ sở dữ liệu giao dịch khách hàng, mà một quốc gia không xây dựng được dữ liệu đó thì vô lý.
* Vậy với biện pháp khi người dân, doanh nghiệp chây ì là cắt điện, cắt nước... theo ông thế nào?
- Điện, nước là việc mua bán của doanh nghiệp và người dân chứ không phải quyền lực nhà nước với người sử dụng. Mặt khác, khi một người không nộp phạt mà cơ quan chức năng không dùng các cách khác để thu tiền cho được thì lỗi hoặc là tại năng lực cơ quan chức năng yếu kém hoặc là người vi phạm không còn tiền để thu. Nếu năng lực thực thi cơ quan nhà nước yếu kém, cơ quan đó phải tự chấn chỉnh. Còn nếu người vi phạm đã hết tiền thì đừng dồn người ta vào đường cùng, bởi cắt điện nước là cắt đi quyền sống của họ, nó cũng tác động đến quyền tự do bán hàng của doanh nghiệp. Có nhiều biện pháp khác ngoài phạt tiền các nước đã áp dụng.
* Việt Nam hoàn toàn có thể phạt bổ sung bằng dọn vệ sinh đường phố, chăm sóc trong viện dưỡng lão?
- Nên đưa vào bởi có nhiều người có tiền nhưng chây ì không nộp phạt mà cơ quan chức năng cũng không thể "hình sự hóa" vi phạm. Hoặc có những người có quá nhiều tiền, việc phạt tiền với họ không có tác dụng. Như vậy cần có những hình phạt bổ sung, ví dụ như phạt lao động công ích.
Hay một số hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, an toàn thực phẩm, y tế… cần bổ sung hình phạt "bêu tên giữa làng" các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm lên cổng thông tin, ứng dụng nào đó. Khi đó họ không chỉ chịu thiệt hại trực tiếp về kinh tế mà còn chịu thiệt hại gián tiếp khi bị cộng đồng tẩy chay, lên án.
Đại biểu Dương Ngọc Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):
Nhiều mức phạt
Đại biểu Dương Ngọc Hải
Tình hình vi phạm hành chính diễn ra ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phổ biến như vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, trật tự đô thị, quản lý đất đai, giao thông, an toàn thực phẩm, kinh doanh thương mại... Nguyên nhân do ý thức của người dân còn hạn chế, một bộ phận bất chấp, sẵn sàng lợi dụng sơ hở của luật để vụ lợi.
Trong khi quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ. Quy định mức tiền xử phạt còn lạc hậu, không tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi vi phạm. Một người thực hiện hành vi dâm ô chỉ bị phạt 200.000 đồng, trong khi mua bán trái phép 100 USD có lúc bị xử phạt cả trăm triệu đồng.
Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả chưa hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Do vậy, khi xây dựng các quy định xử lý vi phạm hành chính phải theo hướng rõ ràng, dễ dàng thực hiện để xử lý được, xử lý đúng, thuyết phục đối với các hành vi vi phạm nhằm đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh Quốc hội):
Ngăn xử phạt không nghiêm túc, thiếu công bằng
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ
Một lần đi giám sát việc thực hiện quy định an toàn thực phẩm, lúc ấy có lãnh đạo Bộ Y tế nói nguyên nhân việc xử lý hạn chế là do chế tài không nghiêm, nhưng tôi đã dẫn chứng hàng loạt quy định về mức phạt rất nặng về vi phạm quy định an toàn thực phẩm. Thời điểm đó, theo thống kê, cơ quan an toàn thực phẩm gần như không xử phạt trường hợp nào, như vậy không phải chế tài không nghiêm mà người có thẩm quyền thực hiện không nghiêm quy định, xử phạt không nghiêm túc.
Ngoài ra có việc xử phạt không công bằng, cùng hành vi vi phạm nhưng người này bị phạt, người kia không. Chưa kể cán bộ, công chức có tình trạng "tham nhũng". Vì vậy, chúng ta phải giám sát ngay chính người có trách nhiệm xử phạt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận