07/03/2020 08:57 GMT+7

Vi phạm giao thông, ngồi ở nhà chọn ngân hàng để nộp phạt

TH.HOÀNG - B.NGỌC
TH.HOÀNG - B.NGỌC

TTO - Thay vì phải đến trực tiếp các kho bạc, ngân hàng nộp tiền phạt, người dân Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận ngồi tại nhà vẫn có thể nộp tiền phạt vi phạm giao thông qua mạng.

Vi phạm giao thông, ngồi ở nhà chọn ngân hàng để nộp phạt - Ảnh 1.

Chủ phương tiện vi phạm luật an toàn giao thông đóng phạt tại Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM. Từ ngày 12-3, người vi phạm giao thông ở TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận chỉ cần ngồi ở nhà nộp phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngày 6-3, Cục CSGT cho biết sẽ thực hiện thí điểm việc nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ ngay trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Việc thí điểm được thực hiện từ ngày 12-3 tại 5 tỉnh thành gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận.

Nộp phạt qua mạng như thế nào?

Theo Cục CSGT, đơn vị này đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tiến hành nâng cấp, tích hợp, cung cấp dịch vụ thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng DVCQG. Thông qua Cổng DVCQG, người dân có thể sử dụng các dịch vụ để nộp tiền phạt vi phạm giao thông, thay vì phải trực tiếp đến các kho bạc, ngân hàng nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính.

Người vi phạm chỉ cần sử dụng máy tính có kết nối mạng Internet, truy cập vào Cổng DVCQG, vào mục nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, khai báo thông tin về số biên bản vi phạm hành chính, họ tên, điện thoại, địa chỉ, hành vi vi phạm... và chọn ngân hàng để nộp phạt.

Trung tá Vũ Anh Điệp - phó trưởng phòng tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT - cho biết hiện nay các đơn vị đang kiểm thử quy trình, cục cũng đang tổ chức tập huấn cho các địa phương thí điểm để có thể triển khai ngay khi khai trương.

Song song đó, các bước kết nối việc xử phạt vi phạm hành chính từ công an các địa phương đến Cục CSGT và từ cục đến Cổng DVCQG cũng đã hoàn thiện để người dân có thể tra cứu các thông tin cần thiết một cách nhanh chóng, dễ dàng.

Vi phạm giao thông, ngồi ở nhà chọn ngân hàng để nộp phạt - Ảnh 2.

Xe ngoài tỉnh vi phạm giao thông trên địa bàn Bình Thuận sẽ thoát cảnh đi lại nộp phạt tại Phòng CSGT tỉnh này kể từ ngày 12-3. Trong ảnh: lực lượng CSGT Công an Bình Thuận tuần tra, xử lý vi phạm giao thông trên tuyến quốc lộ 1 - Ảnh: ĐỨC TRONG

Quý 3 năm nay sẽ triển khai trong cả nước

Theo trung tá Điệp, việc triển khai thu tiền nộp phạt qua Cổng DVCQG cần sự phối hợp giữa người nộp tiền phạt và các cơ quan quản lý nhà nước như công an, kho bạc, ngân hàng, đơn vị bưu điện chuyển phát giấy tờ, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông...

"Để cung cấp được dịch vụ thu tiền nộp phạt vi phạm giao thông đến người dân, trước hết người dân phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cho cơ quan công an (địa chỉ liên hệ, số điện thoại…), từ đó có thể kết nối, thông báo nhanh chóng đến người vi phạm, rút ngắn thời gian cũng như các thủ tục trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính. Người dân cũng cần kiểm tra cẩn thận tài khoản ngân hàng để tránh sai sót trong việc chuyển tiền vi phạm trên Cổng DVCQG" - ông Điệp khuyến cáo.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức - phó cục trưởng Cục CSGT - đánh giá khi thực hiện việc nộp phạt mới thì người dân ngồi tại nhà có thể thực hiện toàn bộ "quy trình khép kín". Khi nộp phạt, người dân vào Cổng DVCQG, tới các mục thông tin như số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ tên người vi phạm; biển số xe vi phạm sẽ tìm được quyết định xử phạt của mình. 

Sau đó, người dân có thể chọn các ngân hàng để thanh toán. Khi thanh toán thành công, người dân chọn 2 phương thức nhận lại giấy tờ tại nơi ra quyết định xử phạt hoặc qua đường bưu điện.

"Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an là làm sao nhanh nhất, thuận lợi nhất và dễ nhất cho người dân, ai cũng có thể vào Cổng DVCQG thực hiện" - thiếu tướng Lê Xuân Đức nhấn mạnh.

Thiếu tướng Đức thông tin thêm cục đã cử tổ công tác triển khai cài đặt phần mềm tại 5 địa phương trên. Cục cũng phối hợp chặt chẽ với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Bưu chính - viễn thông Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, thống nhất phương án và các trường thông tin đưa lên Cổng DVCQG, mẫu biên lai, chứng từ điện tử, đến tối 4-3 đã hoàn thành thử nghiệm. Theo Cục CSGT, dự kiến đến quý 3 năm nay dịch vụ này sẽ được triển khai trong cả nước.

Vi phạm giao thông, ngồi ở nhà chọn ngân hàng để nộp phạt - Ảnh 3.

Từ ngày 12-3, người vi phạm giao thông tại TP.HCM có thể ngồi nhà nộp tiền phạt qua mạng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Minh bạch, hạn chế nạn "mãi lộ"

Theo ông Phan Đức Hiếu - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nộp phạt qua mạng sẽ hạn chế tiêu cực trong xử phạt vi phạm giao thông. Việc kết hợp giữa thanh toán qua tài khoản với việc xử phạt vắng mặt, dán biên bản xử phạt lên kính xe làm tăng minh bạch trong quá trình xử phạt vi phạm.

Nếu áp dụng triệt để việc nộp phạt trực tuyến qua Cổng DVCQG, tăng xử phạt nguội, dán biên bản lên kính phương tiện vi phạm sẽ tác động rất nhiều đến ý thức, kỷ luật của người tham gia giao thông. Sẽ loại bỏ tâm lý thỏa thuận, xin xỏ của người đi đường khi xảy ra vi phạm. Vì vậy buộc người đi đường phải chấp hành tốt hơn các quy định pháp luật.

Hiện nay, người đi đường thường có tâm lý chấp hành khi nhìn thấy CSGT, hoặc các điểm có chốt giao thông nhưng việc tăng cường phạt nguội, yêu cầu nộp phạt qua Cổng DVCQG sẽ cải thiện rất nhiều ý thức tham gia giao thông trên mọi cung đường. Vấn đề là phải quyết tâm thực hiện nghiêm và tăng dần tỉ lệ nộp phạt bằng tài khoản, đi đôi với giảm tỉ lệ nộp phạt trực tiếp bằng tiền mặt để hạn chế tiêu cực.

Ông Đậu Anh Tuấn - trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - đồng ý kiến khi cho rằng việc minh bạch nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng sẽ hạn chế thỏa thuận giữa người bị phạt và CSGT.

"Rõ ràng việc áp dụng nộp phạt bằng tài khoản qua Cổng DVCQG sẽ giảm thiểu nguy cơ tham nhũng, nhũng nhiễu và tăng cường xử lý thủ tục hành chính tập trung" - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, áp dụng nộp phạt qua mạng cũng giúp người vi phạm giao thông giảm thời gian đi lại, thời gian chờ đợi nộp phạt tại kho bạc, qua đó tiết kiệm chi phí thời gian cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời tiết kiệm chi phí thời gian cho chính cán bộ kho bạc. Bởi việc nộp phạt bằng tiền mặt như hiện nay phải đi lại, chờ đợi nhiều ngày, rất phiền toái, làm người dân e ngại và nảy sinh sự thỏa thuận khi có vi phạm.

"Rõ ràng việc áp dụng nộp phạt trực tuyến qua Cổng DVCQG vừa bảo đảm tính răn đe và tăng tính minh bạch. Giúp cho lực lượng CSGT thực hiện đúng chức trách, người vi phạm giao thông thực hiện đúng nghĩa vụ nộp phạt, tăng cường ý thức người đi đường và văn minh giao thông" - ông Tuấn bày tỏ.

Vi phạm giao thông, ngồi ở nhà chọn ngân hàng để nộp phạt - Ảnh 4.

Quy trình nộp phạt Dữ liệu: ĐỨC TRONG - Đồ họa: T.ĐẠT

Cũng từ ngày 12-3, Bộ Công an sẽ triển khai cung cấp dịch vụ trực tuyến thu lệ phí trước bạ đăng ký phương tiện giao thông đường bộ trên Cổng DVCQG tại TP.HCM và Hà Nội. Trên cơ sở các kết quả đạt được khi triển khai tại hai thành phố này, Bộ Công an sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai đến các tỉnh, thành phố còn lại.

Tiện lợi cho người vi phạm ngoài tỉnh

Bình Thuận có tuyến quốc lộ 1 trải dài gần 200km, là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh miền Trung, miền Bắc với vùng Đông Nam Bộ, lưu lượng phương tiện qua lại đông đúc... Khi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, người dân phải trực tiếp mang theo biên bản đến Phòng CSGT Công an Bình Thuận thực hiện theo quy trình nhận quyết định, đóng phạt vào kho bạc hoặc ngân hàng rồi mới nhận lại giấy tờ tạm giữ trước đó.

Để hoàn thành theo trình tự như trên, ông Nguyễn Văn Niên - giám đốc Công ty TNHH Tân Niên (kinh doanh vận tải hành khách) - cho biết tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Ví dụ doanh nghiệp của ông có trụ sở đóng tại huyện Định Quán (Đồng Nai) nhưng tài xế chạy xe giường nằm vi phạm giao thông tại địa bàn tỉnh Bình Thuận thì phải mất mấy ngày để đến Phòng CSGT Bình Thuận nộp phạt. "Thời buổi 4.0 mà vẫn thực hiện quy trình này thì rất phiền phức" - ông Niên thở dài.

Anh Nguyễn Tiến Dũng (ngụ quận 7, TP.HCM, tài xế taxi) cho rằng cách xử lý hiện tại rất bất tiện, khó khăn cho người vi phạm trong trường hợp vi phạm ở các tỉnh xa. "Có những lúc tôi chở khách đi các tỉnh miền Tây bị lập biên bản xử phạt, tôi phải sắp xếp thời gian hoặc đợi đến hạn trả giấy tờ xuống dưới đó lấy quyết định xử phạt, đóng phạt ở kho bạc rồi mới lấy lại được giấy. Như vậy rất mất thời gian, bất tiện và vất vả" - anh Dũng nói.

Đồng quan điểm, thượng tá Hồ Thanh Bình - phó trưởng Phòng CSGT Công an Bình Thuận - chia sẻ: "Rất vất vả nếu người vi phạm ở tận Hà Nội cũng phải đến trực tiếp tại địa phương chúng tôi để xử lý".

Đ.TRONG - TH.AN

Ông Vũ Thanh Long (CEO dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại gia eDoctor):

Không mất thời gian, không sợ... lây bệnh

Trước đây người dân đi nộp phạt hành chính do vi phạm giao thông khá mất thời gian. Họ phải đến cơ quan công an lấy quyết định xử phạt, rồi chạy qua kho bạc đóng tiền, rồi chạy lại cơ quan công an nộp biên lai thì mới xong quy trình đóng phạt. Việc này rất mất thời gian, tốn kém nguồn lực xã hội và có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh rất cao, nhất là trong mùa dịch COVID-19 này.

Việc cho đóng phạt qua mạng sẽ giúp toàn bộ quy trình rườm rà nêu trên trở nên nhanh chóng chỉ qua một vài thao tác trên máy tính hay smartphone. Người đóng phạt có thể ngồi nhà thực hiện dễ dàng mà không phải đi lại, không lo phát sinh thêm các chi phí khác như: gửi xe, có thể nhờ "cò", đổ xăng...

Ngoài ra, việc đóng phạt qua mạng đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành hiện nay. Việc giảm thiểu thời gian đến những nơi công cộng có ý nghĩa vô cùng lớn trong công tác phòng chống lây lan dịch bệnh.

Ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):

Không còn phụ thuộc địa giới hành chính

Cá nhân tôi và hiệp hội rất ủng hộ và đã có kiến nghị từ lâu. Hiện nay, công nghệ phát triển, ứng dụng trong lĩnh vực xử phạt giao thông sẽ tạo được nhiều thuận tiện cho người dân cũng như cho cơ quan quản lý nhà nước.

Trước nay, việc đi đóng phạt vi phạm giao thông để lấy lại giấy tờ khiến giới lái xe, chủ xe rất ngán ngẩm vì các thủ tục qua nhiều khâu, mất nhiều thời gian. Khổ nhất là khi xe bị vi phạm ở các tỉnh, thành khác.

Tôi mong rằng với nền tảng công nghệ hiện nay, cơ quan chức năng cải tiến triệt để luôn toàn bộ quá trình đóng phạt qua mạng để tạo thuận tiện tối đa cho các bên. Mục tiêu làm sao để người vi phạm chỉ cần đóng phạt online xong thì sẽ nhận lại đầy đủ giấy tờ, xe bị tạm giữ trong thời gian sớm nhất mà không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Chị Nguyễn Thị Nga (trú quận Sơn Trà, tp Đà Nẵng):

Tôi nghĩ nhiều người sẽ ủng hộ việc này. Tết vừa rồi gia đình tôi chạy xe về quê đón tết thì bị phạt nguội ở Hà Tĩnh. Vừa qua, tôi nhận được thông báo về việc vi phạm nhưng ngặt nỗi gia đình ở Đà Nẵng nên việc đi nộp phạt rất nan giải. Nếu có nộp phạt qua mạng thì sẽ thuận lợi hơn, ngồi ở nhà hoặc cơ quan cũng làm được, đỡ phải chạy tới chạy lui.

Đ.THIỆN - TH.AN - Đ.Cường ghi

Nộp phạt, nộp thuế, đăng ký xe qua mạng: quan trọng là CSGT có muốn làm không? Nộp phạt, nộp thuế, đăng ký xe qua mạng: quan trọng là CSGT có muốn làm không?

TTO - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đặt câu hỏi như vậy tại cuộc họp về tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia đối với các dịch vụ thu tiền phạt vi phạm giao thông, nộp lệ phí đăng ký xe.

TH.HOÀNG - B.NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên