17/04/2022 06:12 GMT+7

Vi phạm đất đai tại TP Phan Thiết, Bình Thuận: Án đã xử, quyền lợi người dân vẫn bị 'treo'

ĐỨC TRONG
ĐỨC TRONG

TTO - Hàng trăm người dân mua đất dự án có sai phạm tại TP Phan Thiết mấy năm qua bị cơ quan chức năng ngăn chặn mọi giao dịch. Các vụ sai phạm đã được tòa xét xử, các cán bộ liên quan đã lãnh án tù nhưng quyền, lợi ích người dân chưa được phục hồi.

Vi phạm đất đai tại TP Phan Thiết, Bình Thuận: Án đã xử, quyền lợi người dân vẫn bị treo - Ảnh 1.

Một khu dân cư ở xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết, Bình Thuận. Người dân mua đất ở đây tạm thời bị ngăn chặn giao dịch, chuyển nhượng hơn 2 năm qua - Ảnh: ĐỨC TRONG

Vụ việc bắt đầu từ tháng 5-2019, khi Thanh tra tỉnh Bình Thuận kết luận hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai xảy ra tại 3 xã Thiện Nghiệp, Phong Nẫm, Tiến Lợi thuộc TP Phan Thiết giai đoạn từ 2016 - 2018 và chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận.

Bị "đóng băng" hơn 2 năm

Trong quá trình điều tra vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại TP Phan Thiết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận xác định từ tháng 2-2016 đến tháng 12-2018, địa phương này đã cho chuyển mục đích sử dụng 132 thửa đất với tổng diện tích 170.987,3m2 từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn trái quy định pháp luật. 

Từ diện tích đất này, người dân đã tách ra hơn 500 thửa đất nhỏ hơn để làm các khu dân cư tự phát. Tháng 11-2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận tạm dừng chuyển nhượng toàn bộ 132 thửa đất nói trên cho đến khi có thông báo mới.

Vụ án chia làm 2 giai đoạn và đã được đưa ra xét xử. Nhiều cán bộ chủ chốt như các cựu chủ tịch, phó chủ tịch, lãnh đạo các phòng chuyên môn của UBND TP Phan Thiết đã bị bắt giam và kết án. 

Ngoài ra, các lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh thời kỳ này cũng nhận nhiều hình thức kỷ luật. Tuy nhiên, HĐXX không định đoạt "số phận" đối với phần diện tích đất liên quan các sai phạm mà đề nghị UBND TP Phan Thiết khắc phục hậu quả theo trách nhiệm được giao trong thẩm quyền. 

Sau đó, UBND TP Phan Thiết lại tiếp tục chờ ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn từ các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. 

Cuối năm 2021, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở ngành chuyên môn và UBND TP Phan Thiết khẩn trương có ý kiến cụ thể về các nội dung liên quan đến việc khắc phục hậu quả vụ án và giao Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh hướng giải quyết.

Mong ngóng từng ngày

Đáng lưu ý, trước khi sai phạm trong việc quản lý đất đai nói trên bị cơ quan chức năng phát hiện, hàng trăm thửa đất đã được người dân chuyển nhượng và phần nhiều trong số đó đã hoàn tất các thủ tục sang tên, đổi chủ.

Khoảng 4 năm trước, gia đình ông M. mua một thửa đất rộng hơn 100m2 ở thôn Xuân Hòa, xã Phong Nẫm và thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng để vay tiền xây nhà ở. 

Năm 2020, ông vay tiền người quen để trả nợ ngân hàng và nhận sổ đỏ về nhưng khi đến chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Phan Thiết để thực hiện thủ tục xóa thế chấp thì mới hay lô đất của ông nằm trong diện tích bị "đóng băng" theo đề nghị của cơ quan điều tra. 

Hậu quả là sổ đỏ của ông M. không thể xóa thế chấp mà còn bị cơ quan chức năng tạm giữ luôn đến nay.

Không riêng gì ông M., nhiều người khác trót mua đất trong các khu vực có sai phạm về đất đai nói trên cũng bị "treo" quyền lợi suốt hơn 2 năm qua dù vụ án đã được tòa xét xử từ lâu. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND địa phương, nhiều người dân bức xúc đề nghị sớm phục hồi quyền lợi cho họ.

Trong một văn bản báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận cuối năm 2021, Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận cho biết ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, sở đã cập nhật thông tin tạm dừng chuyển nhượng trên hệ thống công chứng, chứng thực. Kể từ đó đến nay, sở chưa nhận được đề nghị giải tỏa việc ngăn chặn biến động này. 

Theo Sở Tư pháp, việc ngăn chặn như vậy khiến người dân đứng tên hợp pháp trên các giấy chứng nhận không thể giao dịch, chuyển nhượng được tài sản.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo UBND TP Phan Thiết cho biết các đơn vị liên quan đã thống nhất kế hoạch khắc phục, hướng xử lý từng nhóm trường hợp trong vụ sai phạm này và đang chờ UBND tỉnh Bình Thuận họp để quyết định phương án giải quyết.

Dự kiến xử lý như thế nào?

Theo Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận, trong số 132 thửa đất sai phạm có 106 thửa đã chuyển đổi mục đích và chuyển nhượng quyền sử dụng cho người khác, 26 thửa đã chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng chưa chuyển nhượng.

Tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Tài nguyên - môi trường đề xuất phương án giao UBND TP Phan Thiết thu hồi các quyết định chuyển đổi mục đích (do không đúng quy định) và trả lại tiền sử dụng đất người dân đã nộp đối với 26 thửa chưa chuyển nhượng.

Riêng 106 thửa còn lại đã chuyển đổi mục đích và chuyển nhượng quyền sử dụng cho người khác thì đề nghị giữ nguyên hiện trạng vì không có căn cứ để thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đối với phần đất là các tuyến đường nội bộ do người dân tự phân lô thì Nhà nước sẽ thu hồi giao lại cho cấp UBND xã quản lý.

Sai phạm đất đai ở Phan Thiết: Dân chờ từng ngày xem "số phận đất" của mình Sai phạm đất đai ở Phan Thiết: Dân chờ từng ngày xem 'số phận đất' của mình

TTO - TAND Bình Thuận vừa tuyên án vụ "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại TP Phan Thiết, đồng thời kiến nghị các cơ quan chuyên môn tiếp tục điều tra làm rõ một số nội dung liên quan và xem xét giải quyết hậu quả để lại.

ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên