Ngẫm lại, tại cái tôi của tôi quá lớn. Nếu quay ngược thời gian, tôi sẽ thổ lộ tình cảm với mẹ chứ không cự cãi mẹ nữa. Giờ tôi có hối hận cũng đã muộn màng rồi.
LÊ THANH HOÀNG
Hai bị cáo trong vụ án là Phạm Phi Đời (45 tuổi) và Lê Thị Hoàng Oanh (50 tuổi). Còn bị hại là P.T.H. (chị cùng cha khác mẹ với Đời). Do mâu thuẫn tiền bạc, Đời đã giết chị mình, còn Oanh đã giúp thu dọn hiện trường. Bà H. chết ở tuổi 61, bỏ lại một người con là anh Lê Thanh Hoàng (30 tuổi).
Hối hận muộn màng
Tại tòa, bị cáo Đời nói do bà H. thiếu tiền mình nên Đời đến nhà đòi tiền. Bà H. không trả mà còn đánh mình, khiến Đời không kiềm chế được cơn giận nên đã ra tay sát hại bà. Anh Hoàng phản bác lại người cậu bằng giọng phẫn nộ:
"Mẹ tôi không thể nào nợ cậu, bằng chứng là sau khi mất mẹ còn để lại cho tôi mấy trăm triệu đồng. Cớ gì mẹ tôi lại mượn tiền cậu? Chẳng qua cậu muốn mẹ tôi bán nhà cho cậu giá rẻ, nhưng mẹ không đồng ý nên cậu mới giết".
Có lúc giọng Hoàng đanh lại: "Xin tòa xử nghiêm bọn ác độc này". Nhưng liền sau đó, Hoàng ràn rụa nước mắt xin tòa giảm hình phạt cho Đời vì "tôi đã mất mẹ rồi, tôi không muốn mất thêm cậu nữa".
Những giọt nước mắt mồ côi của người con tại phiên tòa khiến tôi tìm đến nhà Hoàng. Đó là căn nhà nhỏ nằm ở góc đường, Hoàng thuê để mở tiệm giặt ủi. Có lẽ những điều buồn phiền, ân hận chất chứa trong lòng quá lớn, không biết thổ lộ cùng ai nên khi gặp một người xa lạ như tôi anh đã bộc bạch tất cả.
Hoàng kể năm lên 8 tuổi thì cha mẹ ly dị, Hoàng ở cùng cha được 2 năm, sau đó chuyển sang sống cùng mẹ. Tuy rất lo cho con nhưng mẹ Hoàng không biết bày tỏ tình yêu thương đó. Hoàng cũng vậy, ít chịu tâm sự với mẹ và thường làm ngược lại những gì mẹ dạy.
Chẳng hạn thời học cấp II, Hoàng bắt đầu chơi game, mẹ trách mắng thì Hoàng lấy cắp tiền, trốn học đi chơi nhiều hơn... Học đến lớp 9, Hoàng bỏ học. Có lần, mẹ không cho Hoàng giao du với đám bạn xấu nhưng Hoàng không nghe, đến nỗi bị bạn lừa bán cả xe máy. Mẹ giận dữ, quát mắng. Nông nổi, Hoàng bỏ quê lên Bình Dương làm công nhân, đơn độc nơi đất khách quê người, bỏ mẹ ở nhà hiu quạnh một mình.
Giọng nghèn nghẹn, Hoàng kể tiếp: "Sau này tôi mới hiểu một người thường nóng nảy là bởi trong lòng người ấy chất chứa nhiều khổ đau, thương tổn. Đời mẹ là chuỗi ngày buồn, cơ cực.
Năm lên 9 tuổi, mẹ lạc ông bà ngoại nên phải đi ở đợ tự nuôi thân. 16 tuổi, mẹ mới đoàn tụ cùng gia đình, nhưng ông bà ngoại quá nghèo nên mẹ phải đi bán vé số phụ lo đàn em nheo nhóc. Rồi mẹ lập gia đình, nhưng hôn nhân đổ vỡ. Mẹ ở vậy, vất vả bán vé số nuôi tôi.
Mẹ dè sẻn từng đồng, nhịn mua những món đồ mình ưa thích nhưng sẵn sàng mua những món ngon về cho con. Nhờ trúng số nên mẹ mua đất cất nhà. Mẹ muốn tôi đi học để có cái nghề về sau, vậy mà tôi bất hiếu, phụ tấm lòng của mẹ. Nếu quay ngược thời gian, tôi sẽ thổ lộ tình cảm với mẹ chứ không cự cãi mẹ nữa".
Đánh đổi
Xa mẹ nhiều năm để bươn chải mưu sinh, Hoàng mới thấm thía nỗi cơ cực của mẹ. Hối hận vì đã gây ra nhiều muộn phiền cho mẹ, Hoàng cố gắng chuộc lại lỗi lầm bằng cách thỉnh thoảng mua quà về gửi tặng mẹ, lúc thì giỏ xách, khi thì cái áo. Mỗi lần như vậy mẹ rất vui, bà khuyên con về quê học nghề hoặc xin làm bảo vệ để mẹ con hủ hỉ có nhau. Nhưng Hoàng không chịu, anh thường tăng ca, tăng giờ làm, chăm chỉ làm việc để khẳng định với mẹ mình đã chững chạc nên người.
Một năm Hoàng về thăm mẹ chỉ mấy ngày tết rồi tất bật với việc làm thêm. Rồi Hoàng cũng sắm được xe mới, mua thêm sợi dây chuyền vàng. Bụng bảo dạ ráng làm tích lũy tiền nhưng không ngờ dịch bệnh khiến công ty thua lỗ, phá sản. Hoàng lâm cảnh thất nghiệp; để có tiền chi tiêu, Hoàng phải đem xe đi cầm.
Thấy con thất nghiệp, mẹ kêu về miết nhưng Hoàng tự ái không về. Cho đến khi bị tai nạn giao thông, Hoàng mới chịu về nhà để mẹ chăm sóc. Những ngày bên mẹ, Hoàng chùng lòng muốn buông bỏ mọi thứ để sống cùng mẹ. Nhưng rồi tự ái, Hoàng quay lại Bình Dương kiếm công việc mới với quyết tâm khi nào đủ tiền chuộc lại xe sẽ quay về.
Hoàng không ngờ đó là lần gặp mẹ cuối cùng, bởi 2 tháng sau mẹ bị cậu sát hại. Đến lúc này, anh muộn màng nhận ra chỉ vì tự ái muốn kiếm tiền, muốn khẳng định mình anh đã đánh đổi những thứ rất quan trọng. Đó là những giây phút cùng mẹ bên mâm cơm nóng. Là đoàn viên, sum vầy với thanh xuân của anh, xế chiều của mẹ, chứ không phải cuộc tha phương cầu thực mưu cầu vật chất mà bỏ mẹ đơn bạc ở quê nhà.
"Ngẫm lại, tại cái tôi của tôi quá lớn. Đúng là tôi có hạnh phúc nhưng lại không biết hưởng" - Hoàng tiếc nuối.
Đổi cả thiên thu...
Từ ngày mẹ mất, căn nhà trở nên lạnh lẽo, nhìn đâu cũng thấy hình bóng mẹ khiến Hoàng chịu không nổi. Cuối cùng, anh bán căn nhà rồi thuê ngôi nhà nhỏ ở phố mở tiệm giặt ủi thuê. Hoàng chọn tấm hình mẹ đẹp nhất, rạng rỡ nhất đem phóng to đặt trên bàn thờ. Nhìn mẹ tươi cười ấm màu hạnh phúc khiến những giọt nước mắt hối hận của Hoàng như tuôn ra thành nỗi đau.
Hoàng ngộ ra cuộc đời ngoài chuyện sinh tử chẳng có gì là quan trọng. Anh đã không trân quý những gì mình có, cứ tự ái hão huyền, để giờ thân mẹ hóa thành tro cốt. Hoàng nói với giọng hối hận tột cùng: "Hôm mẹ bị giết cũng chính là sinh nhật lần thứ 61 của mẹ, phải chi hôm đó tôi điện về chúc mừng sinh nhật mẹ thì đâu đến nỗi".
Hoàng đã nhờ thợ khắc ngày tháng năm sinh của mẹ cùng 2 câu thơ lên một mảnh gỗ đẹp "Ví mà tôi đổi thời gian được/ Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười" để làm quà tặng sinh nhật muộn cho mẹ. Anh treo món quà này gần bàn thờ của mẹ. Mỗi tối Hoàng thắp nhang, tụng kinh, trì chú, cầu mong mẹ được siêu thoát. Còn đâu cơ hội để Hoàng "đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười"...
Kết thúc phiên xử, TAND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên phạt bị cáo Đời mức án chung thân, còn bị cáo Oanh 8 năm tù cùng về tội danh giết người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận