Ngày 22-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam cho biết nguyên nhân ban đầu gây vụ ngộ độc bánh mì Phượng là do mẫu thịt heo xíu trong nhân bánh mì dương tính với Salmonella.
Kết quả xét nghiệm cũng ghi nhận trong mẫu thực phẩm có khuẩn Bacillus cereus. Vi khuẩn này cũng có nguy cơ gây ngộ độc, nhưng do ở Việt Nam chưa có quy chuẩn tham chiếu nên chưa khẳng định được.
Tuy nhiên cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu thêm chẩn đoán ngộ độc thực phẩm của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Mỹ (CDC Mỹ) để có kết luận cuối cùng.
Bước tiếp theo, Sở Y tế sẽ làm việc với hộ kinh doanh bánh mì Phượng để lập biên bản vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Về vi khuẩn Salmonella, đây là nguyên nhân gây nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có nhiều vụ quy mô lớn trên thế giới, có thể gây tử vong.
Vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém.
Dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, ói mửa, nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng.
Các thực phẩm có thể bị nhiễm Salmonella là thịt gà, thịt heo, sữa tươi, trứng, rau...
Thịt bị nhiễm Salmonella có thể do động vật bị nhiễm khuẩn trước khi giết thịt, hoặc bị nhiễm trong và sau khi giết thịt (do dụng cụ chứa đựng, do nguồn nước bị ô nhiễm, do ruồi, chuột...). Các loại thịt xay, nghiền, băm nhỏ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này phát triển.
Thực phẩm nguội hoặc thực phẩm chế biến trước khi ăn quá lâu, khi ăn không đun lại cũng có nguy cơ nhiễm Salmonella (vi khuẩn lây từ món ăn không nấu chín sang...).
Sau khi con người ăn phải thức ăn nhiễm Salmonella, thời kỳ ủ bệnh thường từ 12-24 giờ, có trường hợp kéo dài vài ngày, thậm chí 6-7 ngày.
Các dấu hiệu đầu tiên là buồn nôn, nhức đầu choáng váng khó chịu, sốt, đau bụng. Sau đó xuất hiện nôn mửa và tiêu chảy nhiều lần, đôi khi có máu. Đa số bệnh nhân trở lại bình thường sau 1-2 ngày không để lại di chứng, nhưng cũng có trường hợp nhiễm trùng nặng, tử vong.
Làm sao phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do Salmonella?
Salmonella phát triển trong nhiệt độ từ 5-470 C, thích hợp nhất là từ 35-370C. Vi khuẩn này nhạy cảm với nồng độ muối, ở nồng độ 8-19% vi khuẩn ngừng phát triển.
Biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do Salmonella tốt nhất là đun sôi thực phẩm trước khi ăn.
Đối với thực phẩm đã ướp lạnh, đóng băng thì thời gian đun nấu phải kéo dài hơn bình thường. Cần cảnh giác với những món nguội như thịt đông, patê, giò, chả... vì rất dễ bị nhiễm khuẩn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận