Tranh học trò tiểu học vẽ tặng thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 2017 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đó là chia sẻ của một nhà giáo sau khi đọc bài viết Bị cô đánh nhiều lần, con tôi mặc định mình học dốt trên Tuổi Trẻ Online. Cô viết:
Tôi và nhiều đồng nghiệp của mình không bao giờ muốn dùng tới biện pháp mạnh là phạt trò bằng roi. Chúng tôi cũng biết, cũng hiểu, không nên dạy trẻ bằng bạo lực, càng không muốn để lại hình ảnh người giáo viên quá hà khắc trong kí ức tuổi thơ của các em.
Thực tâm thì chẳng ai lại thích cáu gắt, thích dùng vũ lực với học sinh của mình. Nhưng những lời dạy bảo ân cần, những lời nhắc nhở nhẹ nhàng khi trò phạm lỗi đôi khi cũng chẳng tác dụng gì với một số em. Không phải vì mình mà vì những học sinh khác và vì chính các em, đôi khi phải đóng "vai ác".
Khi giáo viên dùng tới đòn roi, đó là lúc các thầy cô giáo thật sự đã bất lực. Vì trước đó, chính họ đã phải dùng khá nhiều cách nào là nhẹ nhàng nhắc nhở, ngọt ngào dỗ dành hay nghiêm khắc răn đe... Và cũng đã không ít lần gọi điện về phản ánh với phụ huynh. Nhưng những học sinh này vẫn chứng nào tật ấy.
Không phải học sinh nào trong lớp cũng bị đòn roi. Thường thì mỗi lớp khoảng 50 em cũng có dăm em thường xuyên không chịu nghe lời. Cũng đã có không ít phụ huynh tới đề nghị giáo viên "Con tôi nên tôi hiểu, nó lì lắm, nói chẳng nghe bao giờ. Cô (thầy) cứ đập giùm".
Cầm thước tét trò một cây, phải nói là bất đắc dĩ giáo viên mới phải dùng cách ấy. Vì nếu không thế, các em không học được gì cho mình còn làm ảnh hưởng đến nhiều học sinh trong lớp.
Phải trải qua thực tế mới thấu hiểu hết nỗi vất vã của các giáo viên. Đủ các thứ áp lực vây quanh như chỉ tiêu lên lớp, chất lượng học tập, nội quy nhà trường…nếu thầy cô không nghiêm khắc cũng khó mà thực hiện được.
Cũng có không ít giáo viên vì sợ phản ứng của phụ huynh, sợ dư luận nên đã "makeno" (học sinh) muốn làm gì thì làm. Giáo viên cứ đến giờ vào lớp và hết giờ bước ra.
Thật tình vào những lớp học như thế khá lộn xộn, ồn ào. Nề nếp học tập, sinh hoạt bị phá vỡ, nhiều học sinh đã chẳng học được gì vì thường xuyên bị một số bạn trong lớp quậy phá.
Thay vì trách thầy cô dùng đòn roi, các bậc cha mẹ hãy gần gũi con cái hơn để uốn nắn, rèn giũa và cùng phối hợp với giáo viên nhắc nhở, răn dạy các em. Tránh tình trạng phó thác con hoàn toàn cho nhà trường (tình trạng này khá phổ biến).
Có thế chuyện thầy cô dùng đòn roi hay những lời la mắng với trò sẽ chẳng bao giờ có nữa.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, thầy cô có nên phạt đòn để dạy học sinh?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận