10/01/2021 07:21 GMT+7

Vì học trò cần một sự động viên

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Câu chuyện những cái ôm học trò xúc động của một cô giáo tiểu học ở Brazil khiến nhiều người nhận ra: COVID-19 không chỉ là sự mệt mỏi vì sự tàn phá và mất mát, mà còn là nghị lực, tình yêu và hi vọng của con người trên khắp thế giới.

Vì học trò cần một sự động viên - Ảnh 1.

Cô Maura Cristina Silva thăm và an ủi cô bé học trò 8 tuổi - Ảnh: New York Times

Trong thời khắc thảm kịch, chúng ta vẫn có thể chia sẻ những khoảnh khắc yêu thương. Điều đó rất mạnh mẽ. Tôi không tin vào giáo dục không có cảm xúc. Không thể nào khiến một đứa trẻ muốn khám phá về thế giới hay khám phá ra khả năng của nó mà không thiết lập được một sự kết nối về cảm xúc.

Cô MAURA CRISTINA SILVA

Những "cái hộp" nhỏ trên màn hình máy tính

"Em muốn được cô ôm quá cô ơi…", những lời nhắn của cậu học trò lớp 3 làm cô giáo Maura Cristina Silva (47 tuổi) xót ruột. Sau vài tháng thành phố Rio de Janeiro (Brazil) bị phong tỏa phòng đại dịch, cô cảm thấy rất rõ những đứa trẻ vốn sôi nổi, hoạt bát của mình đã trở nên uể oải, đờ đẫn thế nào.

57 em học sinh trong hai lớp học của cô đã trở thành 57 "cái hộp" nhỏ trên màn hình máy tính của cô vào những giờ học trực tuyến, trong không khí u ám của đại dịch bao trùm khắp nơi. Những học sinh bị khuyết tật đã rớt lại phía sau, giống như những học trò nghèo không có máy tính để học từ xa trong tình thế mới.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, vào những lúc cao điểm của các đợt phong tỏa phòng đại dịch, gần 35 triệu trẻ em và thanh thiếu niên tại Brazil bị ảnh hưởng vì việc trường học bị đóng cửa. Đã có nhiều phương án được đưa ra thay thế việc học từ xa, song không phải học sinh nào cũng có thể bắt kịp với việc học trong giai đoạn khó khăn này.

Và tin nhắn của cậu học trò gửi tới cô giáo sau 4 tháng giãn cách vì trường học đóng cửa làm cô mủi lòng. Cô Silva tự hỏi liệu có cách nào để cô có thể ôm các em an toàn trong lúc dịch bệnh này không.

Thôi thúc cô giáo lên đường

Ban đầu cô Maura Cristina Silva có ý tưởng dùng một tấm rèm tắm trong suốt có bốn ống tay nhựa, nhưng việc phải vệ sinh sạch sẽ nó sau mỗi lần ôm các em dường như không khả thi. Thế rồi cô nghĩ ra ý tưởng làm một bộ "dụng cụ để ôm" các em (hugging kit). 

Bắt đầu từ cuối tháng 7-2020, cô mua đủ số áo mưa, găng tay và khẩu trang để có thể tới thăm 57 đứa trẻ sống tại Rio de Janeiro trong hai đợt đi thăm riêng. Ngoài bộ hugging kit, cô còn thuê một chiếc xe có gắn loa phát, trực tiếp lái xe từ nhà nọ tới nhà kia, phát những bài hát trên lớp mà các học sinh của cô rất thích.

"Khoảng cách không phá hủy những gì chúng tôi đã xây dựng được. Tôi cần cho các em thấy rằng mối liên hệ giữa chúng tôi vẫn rất gần gũi, ngay cả khi tôi không thể ôm các em mỗi buổi sáng" - cô Silva chia sẻ với tờ New York Times trong một chiều mưa gần đây sau khi tới thăm 3 học trò.

Những đứa trẻ đã rạng rỡ hơn khi cô Silva "xúng xính" trong chiếc áo mưa và cẩn thận "bao bọc" cho học trò tỉ mỉ chẳng khác gì một bác sĩ phẫu thuật trước khi có thể vòng hai tay qua người, nhấc bổng từng em lên và ôm các em thật lâu trước khi hạ xuống. 

Những cái ôm của cô giáo cũng khiến cha mẹ các em cảm thấy thật ấm áp. Những chuyến thăm đặc biệt này đã được cô giáo thu xếp trước với các phụ huynh. Khi tới trước nhà, cô sẽ phát loa một bài hát quen thuộc để cha mẹ các em đưa con ra ngoài gặp cô.

"Tôi không thể nhớ hết những chuyến thăm này và không thể cầm được nước mắt. Tôi đã muốn mình chẳng bao giờ phải rời đi, để có thể đứng đó ôm các em mãi. Tôi có thể chạm vào những đôi tay bé nhỏ và ngửi mùi tóc chúng" - cô giáo chia sẻ.

Cô giáo như mẹ hiền... Cô giáo như mẹ hiền...

TTO - Hội thi sáng tác ảnh “Dấu ấn thời gian” (do Sở GD-ĐT TP.HCM, báo Tuổi Trẻ, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM phối hợp tổ chức) đã nhận được những tấm ảnh lưu lại khoảnh khắc đẹp, đáng nhớ về hình ảnh cô giáo như mẹ hiền.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên