16/01/2019 15:31 GMT+7

Vị giáo sư có hai học trò đoạt giải Nobel giao lưu tại Đường sách

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Đó là giáo sư Harvey Lodish - nhà khoa học về sinh học phân tử tế bào hàng đầu thế giới, chủ biên tập sách 'Molecular Cell Biology'. Ấn bản tiếng Việt mang tên 'Sinh học phân tử của tế bào' vừa ra mắt sáng 16-1.

Vị giáo sư có hai học trò đoạt giải Nobel giao lưu tại Đường sách - Ảnh 1.

GS Harvey Lodish (thứ ba từ trái sang) đang giao lưu tại Đường sách TP.HCM - Ảnh: L.ĐIỀN

của tế bào (Molecular Cell Biology) là cuốn sách nổi tiếng trên thế giới về lĩnh vực này, được viết bởi các nhà khoa học danh tiếng của Hoa Kỳ.

Phòng thí nghiệm của GS Harvey Lodish từng có hai nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về sau đoạt giải Nobel danh giá, là Aaron Ciechanover (giải Nobel Hóa học năm 2004) và James Rothman (giải Nobel Sinh lý và Y khoa năm 2013). Việc diện kiến với một tên tuổi lớn như vậy trong giới khoa học là niềm vinh hạnh cho các bạn trẻ. Vì vậy, rất đông sinh viên đến tham dự buổi giao lưu.

Vị giáo sư có hai học trò đoạt giải Nobel giao lưu tại Đường sách - Ảnh 2.

Sinh viên Hoàng Phúc (Đại học KHTN) bày tỏ sự quan tâm đến tác phẩm của GS Harvey Lodish - Ảnh: L.ĐIỀN

11 dịch giả và 10 năm cho 1 công trình

Bày tỏ xúc động trước số đông bạn trẻ đến để nghe mình, GS Harvey Lodish tâm sự: Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trên thế giới đều nhờ vào những người trẻ đào sâu nghiên cứu. Bản thân ông cách đây 40 năm, cùng với hai người bạn bắt tay vào nghiên cứu biên soạn công trình Molecular Cell Biology nên mới có kết quả như đã thấy.

Bản gốc sách Sinh học phân tử của tế bào đến nay đã được dịch ra 11 thứ tiếng.

Không chỉ phục vụ giới khoa học chuyên ngành, Sinh học phân tử của tế bào còn là một cuốn sách giáo khoa dành cho sinh viên đại học và sau đại học: chứa đựng các thông tin súc tích và cập nhật về hoạt động của tế bào ở mức phân tử. 

Cuốn sách tổng hợp các kiến thức thiết yếu trong sinh học tế bào, di truyền học, hệ gene học, hóa sinh học và sinh học phát triển, đồng thời đưa ra rất nhiều ví dụ minh họa trong y học, công nghệ sinh học và sinh học thực vật. 

Các tác giả còn đưa ra những giải thích chi tiết về các phương pháp và kỹ thuật mà các nhà khoa học đã dùng để khám phá ra các tri thức đó. Chính vì thế người đọc có thể nắm vững hơn các công nghệ cần thiết để đi sâu hơn vào các lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ này. 

Tham gia buổi giao lưu còn có 4 trong số 11 dịch giả đã chung tay hoàn thành bản dịch Sinh học phân tử của tế bào trong suốt 10 năm qua. Đội ngũ 11 dịch giả chính là các du học sinh, các nhà khoa học Việt Nam đang sống và làm việc khắp nơi trên thế giới.

Xuất bản sách khoa học còn nhiều khó khăn

Từ một quyển nguyên tác, bản tiếng Việt được chia ra làm 5 tập, và trên mỗi tập có ghi thông tin cập nhật theo ấn bản lần thứ mấy của sách nguyên tác, bởi quyển sách nguyên tác được tái bản và cập nhật liên tục, nên trong quá trình dịch, ấn bản Việt Nam cũng phải cập nhật theo.

Sau 10 năm, khi dự án sách hoàn thành thì bà Quách Thu Nguyệt - giám đốc NXB Trẻ thời  điểm năm 2008 khi dự án khởi động - cũng đã về hưu. Có mặt tại buổi giao lưu, TS Quách Thu Nguyệt bày tỏ sự vui mừng khi có nhiều bạn trẻ quan tâm đến các công trình khoa học.

Nhiều sinh viên cho biết các bạn đã chờ đón bộ sách này từ rất lâu do lẽ đây là giáo trình rất cần thiết. Có bạn còn đề nghị phía NXB nên tìm cách rút ngắn việc dịch các sách khoa học sao cho thời gian ra đời bản tiếng Việt chỉ sau bản nguyên tác khoảng 3-5 năm.

Vị giáo sư có hai học trò đoạt giải Nobel giao lưu tại Đường sách - Ảnh 3.

Bộ sách Sinh học phân tử của tế bào bản tiếng Việt - Ảnh: L.ĐIỀN

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc NXB Trẻ - cho biết việc xuất bản sách khoa học ở thị trường Việt Nam là rất khó khăn. 

Bộ sách này ra đời được là nhờ tấm lòng thiện nguyện của cả 11 dịch giả: không nhận thù lao, dành tất cả để hỗ trợ đầu tư và trợ giá cho bản sách tiếng Việt, bên cạnh đó còn có mạnh thường quân là công ty Nanogen ủng hộ dự án ngay từ những ngày đầu.

Hai nhà khoa học Việt vào danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á

TTO - GS.TS Phan Thanh Sơn Nam và PGS.TS Nguyễn Sum vừa được tạp chí khoa học Asian Scientist (Singapore) bình chọn là hai trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2018.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên