10/05/2016 10:10 GMT+7

Vì “điều ước nho nhỏ” cuối cùng

TRƯỜNG TRUNG (truongtrung@tuoitre.com.vn)
TRƯỜNG TRUNG ([email protected])

TTO - Những ước nguyện cuối đời đó được các thành viên trong nhóm Nhịp đập yêu thương biến thành sự thật ngay bên giường bệnh để mang lại niềm vui cho bệnh nhận.

Nhóm Nhịp đập yêu thương cùng tổ chức sinh nhật cho bà Bùi Thị Tuyết Ngân tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng - Ảnh: Trường Trung
Nhóm Nhịp đập yêu thương cùng tổ chức sinh nhật cho bà Bùi Thị Tuyết Ngân tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng - Ảnh: Trường Trung

 

Anh Bling Rọi ung thư hạch giai đoạn 4, người dân tộc Cơ Tu ở xã A Tiêng, muốn tặng vợ một đôi bông tai; già Loong 81 tuổi người Cơ Tu, ung thư phổi giai đoạn cuối, muốn được tặng vợ chiếc khăn choàng cổ… 

Và, những ước nguyện cuối đời này đã được thực hiện. Qua đó, nhóm Nhịp đập yêu thương cũng nhận ra rằng: từ thiện, trước hết phải mang đến niềm vui, quan trọng hơn cả việc trao đi những thứ gì thuộc về vật chất.

“Tiếp xúc với những người gần đất xa trời, tụi tôi thấy họ cần nhất là niềm vui

Bùi Đức Mỹ

Sinh nhật cho vợ người lính

Lần tổ chức “chuyên nghiệp” nhất và dày công nhất của nhóm Nhịp đập yêu thương là buổi sinh nhật tổ chức cho vợ ông Trần Xuân Tùng, tại nhà con ông ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.

Ông Tùng gặp các thành viên qua các chương trình ca hát tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. 60 tuổi, ông vừa nghỉ hưu thì phát hiện mắc bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Ca phẫu thuật diễn ra, ông bị cắt đi 3/4 dạ dày nhưng vết thương vẫn di căn đến nội tạng và tủy xương.

“Tôi lấy vợ năm 1978 thì ít lâu sau đi lính tình nguyện ở Campuchia, biền biệt mấy năm sau mới về. Thời gian bên bả (vợ) không nhiều vì tới thời bình thì bỏ quê ra phố lo làm ăn nuôi các con. Đến khi vừa nghỉ hưu tưởng là yên vui thì bệnh ập đến. Cả năm trời bả vừa chạy qua lại nuôi các cháu vừa chăm sóc chồng, tôi muốn tổ chức cho bả một bữa tiệc sinh nhật, tặng bả một chiếc áo dài, một chiếc bánh kem và có cả nến, điều mà tôi không làm được khi còn khỏe” - ông Tùng nói bên giường bệnh ước nguyện của mình.

Ngay khi ông Tùng khỏe lại sau đợt trị bệnh, ông được các thành viên đưa về nhà con để “tổ chức chương trình”. Một bữa tiệc nhỏ được các thành viên trong nhóm phân công chuẩn bị. Người đưa ông đến phòng thu ghi giọng hát, người lo trang trí lại căn phòng, người đi đo áo dài...

Để tạo bất ngờ, các thành viên trong nhóm “hợp đồng” với một trong những người con của ông Tùng lấy lý do tổ chức mừng sinh nhật cho cháu và đón bà Bảy, vợ ông Tùng, từ Quảng Nam ra. Bà Bảy vừa bước lên cầu thang căn nhà tập thể, giọng ông Tùng vang lên trong loa.

Khi bà bước vào tới căn phòng thì ông Tùng đã trong trang phục chú rể khỏe mạnh hát mộc bằng lời trong tiếng đệm ghita. Cả gia đình ông bà trong niềm vui vỡ òa của ngày cưới cách đây gần 40 năm trước. Cùng vợ cắt bánh, ông Tùng nghẹn giọng: “Cũng coi như trọn vẹn nghĩa vợ chồng, mai này có nhắm mắt xuôi tay cũng được rồi”.

Lật cuốn sổ tay đánh dấu đầy các chi tiết, Nguyễn Đăng Hòa, sinh viên Trường CĐ Điện lực miền Trung, nhớ lại một số lần mình và các bạn nhóm Nhịp đập yêu thương đã thực hiện.

“Mình muốn tặng vợ một đôi bông tai và một cuốn album ảnh để sau này khi có nhắm mắt xuôi tay cũng còn chút kỷ niệm. Bao nhiêu năm ở với nhau nhưng mình không sắm sửa được gì cho vợ, đến khi nằm xuống cũng một tay vợ lo...” - anh Bling Rọi, người dân tộc Cơ Tu ở xã A Tiêng, huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, nói trước khi mất 10 ngày.

Còn nữa, già Loong, 81 tuổi người Cơ Tu, ung thư phổi giai đoạn cuối, muốn được tặng vợ chiếc khăn choàng cổ, “mở ngoặc” lúc tặng phải bất ngờ và có nhạc; chú Tùng, giai đoạn cuối, muốn tổ chức một sinh nhật bất ngờ cho người nâng khăn sửa túi; Xuân Anh, sinh viên, muốn tổ chức sinh nhật bất ngờ cho mẹ là bệnh nhân ung thư phổi ở tầng 9...

Đem đến niềm vui là quan trọng nhất

Hòa cho biết nhóm Nhịp đập yêu thương đã ra đời sau khi nghe ước nguyện giản dị trên. Nhiều năm cùng tham gia các hoạt động từ thiện, Hòa nói vẫn ám ảnh nhất là những điều ước sau cùng của các bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối.

“Những ước mơ của họ rất giản dị. Họ thậm chí không mơ mình hết bệnh vì biết thực tế khó thay đổi. Họ chỉ muốn những việc bình thường mà đã không thể làm được, những điều ước không phải cho mình mà mang đến niềm vui cho những người xung quanh”. Đó là lý do để Hòa “tách đàn” trong các công tác thiện nguyện quen thuộc gần sáu tháng nay để cùng những người đồng cảm làm những công việc mang tới niềm vui này.

Bạn Bùi Đức Mỹ, thành viên trong nhóm, cho biết khi thành lập mọi người trong nhóm đều xác định tôn chỉ mục đích là mang lại niềm vui bởi “của cho không bằng cách cho”. Mỹ giải thích: “Tiếp xúc với những người gần đất xa trời, tụi tôi thấy họ cần nhất là niềm vui. Trong khi đó tụi tôi còn thời gian, có nhiệt huyết và mong muốn mang điều gì đó cho những người đang ở thời điểm đặc biệt này của cuộc đời”.

Các thành viên Nhịp đập yêu thương lại bắt tay và kiếm tiền làm “chương trình”. Bán hoa dịp lễ, đi làm gia sư, đi kêu gọi mạnh thường quân cùng tham gia, làm việc với các bệnh viện để tổ chức chương trình bất ngờ...

Không chỉ thực hiện các ước mơ, khi biết được những hoàn cảnh éo le, các thành viên đều dùng mối quan hệ của mình để mời nhà hảo tâm tới tận chương trình giúp đỡ.

Mới đây nhất, vào ngày 4-5 nhóm đã mang đến điều ước bất ngờ khi vận động được hơn 30 triệu đồng giúp đỡ gia đình bạn Trịnh Thị Xuân Anh khi biết ba chị em Anh mồ côi cha, còn mẹ là bà Bùi Thị Tuyết Ngân đang bị ung thư giai đoạn cuối.

Chương trình này từ khi có ý tưởng đến khi tổ chức chỉ có ba ngày. Sau chương trình, Xuân Anh xúc động chia sẻ: “Ba mất từ sớm, mẹ một mình nuôi ba chị em ăn học nên chưa bao giờ tôi có điều kiện nói lời yêu thương cho mẹ. Không ngờ đến ngày cuối đời mẹ mới có được buổi sinh nhật đầu tiên nhờ các bạn tình nguyện viên. Các anh chị em còn kêu gọi hỗ trợ em gái tôi học hết lớp 12 khiến mẹ tôi rất xúc động”.

Bùi Đức Mỹ nói những chương trình đầu các thành viên còn lóng ngóng nên phải ăn theo môtip “Điều ước thứ 7” trên truyền hình. Nhưng rồi nhiều số phải “bể sô” vì các bệnh nhân vào giai đoạn cuối đau ốm thất thường, sức khỏe sáng nắng chiều mưa như thời tiết. Bạn Nguyễn Thị Thùy Linh vẫn nhớ như in cảm giác khiến mình rơi nước mắt dù là thành viên “cứng rắn” được giao theo suốt chương trình.

“Hôm đó lẽ ra chương trình được tổ chức cho già Loong ở tầng 6 vào ngày đã định nhưng rồi già đuối sức phải vào phòng cách ly. Vào phòng cách ly phải thở máy nhưng già vẫn nói với bác sĩ rằng nếu không cho ông thực hiện thì có lẽ ông không qua khỏi. Thế rồi mọi chuẩn bị đều bỏ đi, tụi tôi mời bà vào luôn phòng cách ly để ông choàng khăn và nói lời yêu thương. Cả ông và bà đều khóc như con nít, sau đó ông hôn mê. Chừng một tuần sau thì tụi tôi cùng bà tiễn ông về” - Linh kể.

Giúp bệnh nhân quên đi bệnh tật

BS CKI Ngô Tuyết Ngọc, chủ tịch công đoàn Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, đã nhận định như thế khi nói về chương trình “Điều ước nho nhỏ” của nhóm Nhịp đập yêu thương.

“Sau nhiều số cùng các bạn đồng hành tổ chức sinh nhật cho bệnh nhân, tôi thấy các bạn rất nhiệt tình và vô tư. Cách các bạn đàn hát, chăm sóc người bệnh, dìu bệnh nhân đi và chương trình hết sức tuyệt vời.

Về phía bệnh nhân, việc này có ý nghĩa rất lớn đến tâm lý của họ. Qua việc thực hiện được các điều ước của bệnh nhân giúp họ lạc quan, quên đi nỗi đau bệnh tật và những khó khăn trong quá trình điều trị bệnh” - BS Ngọc nói.

TRƯỜNG TRUNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên