Ngay sau khi gã khổng lồ Grab thông báo sẽ dừng hoạt động ví điện tử Moca trên nền tảng ứng dụng tại thị trường Việt Nam từ ngày 1-7 tới, rất nhiều người dùng cho biết đã không phải mất nhiều thời gian lựa chọn ví thay thế.
Cơ hội "đánh chiếm" người dùng Grab
Theo thông báo của Grab, sau khi dừng hoạt động ví điện tử Moca, người dùng các dịch vụ Grab có thể lựa chọn ví điện tử MoMo hoặc ZaloPay hoặc thẻ ngân hàng để thanh toán. Mặc dù thị phần của ví điện tử Moca trên thị trường ví điện tử Việt Nam khá khiêm tốn, nhưng với việc người dùng ví Moca trước đây phải chọn một chiếc ví mới khiến MoMo, ZaloPay "ngư ông đắc lợi".
Hơn nữa, dịch vụ Grab vốn đã trở nên quá quen thuộc với hàng chục triệu người dân Việt Nam, đặc biệt người dân ở các thành phố, đô thị lớn, nên trung gian thanh toán nào chiếm được tình cảm người dùng dịch vụ Grab chắc chắn sẽ thu lại thị phần không hề nhỏ.
Trong số hàng chục ví điện tử đang hoạt động tại Việt Nam, MoMo nổi lên là cái tên dễ được nhiều người dùng lựa chọn bởi quá phổ biến. Không chỉ vậy, MoMo cũng là một trong những ví điện tử liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi và ưu đãi hấp dẫn cho người tiêu dùng.
Chẳng hạn, MoMo vừa có chương trình chuyển tiền chỉ 111 đồng được hoàn tiền đến 6 lần. Số tiền được hoàn có thể đến 9,999 triệu đồng hoặc 1 chỉ vàng... MoMo cũng luôn có những ưu đãi mua sắm cho những người thích săn sale các ngày đôi (chẳng hạn sắp đến là ngày 6-6), trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, TikTok Shop...
Trong khi đó, ví điện tử ZaloPay với lợi thế đến từ ứng dụng Zalo cũng đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Bằng chứng là ngay từ khi ví Moca vẫn còn hoạt động ngon lành trên Grab, nền tảng này vẫn tiến hành cú bắt tay với ZaloPay vào đầu năm 2023 để đưa ZaloPay có mặt trên tính năng thanh toán các dịch vụ Grab.
Cái bắt tay với "ông lớn" Grab giúp ZaloPay có thêm cơ hội tiếp cận đối tác tài xế, các bên chấp nhận thanh toán, các doanh nghiệp nhỏ... hướng tới xây dựng cộng đồng không tiền mặt của riêng mình.
Mặc dù đã có giải pháp thanh toán không tiền mặt (Moca) tích hợp sẵn trên ứng dụng, nhưng theo bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, phó giám đốc điều hành Grab Việt Nam, Grab cần phải mang đến cho người dùng các lựa chọn thanh toán đa dạng nhằm nâng cao trải nghiệm cho người dùng.
"Sự hợp tác với ZaloPay bổ sung thêm một lựa chọn vào danh mục các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trên Grab. Giờ đây, ZaloPay có cơ hội lớn thay thế hoàn toàn Moca trên nền tảng Grab, kiếm thêm hàng triệu người dùng mới về với mình", bà Hạnh nói.
Nhiều giải pháp sáng tạo
Mới đây, ví điện tử MoMo kết hợp cùng Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (Vnisa) khởi xướng dự án "Cùng học an toàn bảo mật với MoMo" nhằm trang bị và cung cấp kiến thức về an toàn bảo mật một cách trực quan, dễ hiểu cho người dùng.
Dự án bao gồm chuỗi các video ngắn xoay quanh các nội dung hướng dẫn bảo mật từ mật khẩu, OTP đến cảnh giác trước các link lạ, yêu cầu chuyển tiền hay các hướng dẫn giúp người dùng thực hiện các biện pháp bảo mật như xác thực sinh trắc học...
Thời lượng của các hướng dẫn dài nhất là hơn 30 giây - bằng một quảng cáo của các thương hiệu - nhưng lại được thể hiện với hình thức, ngôn ngữ sáng tạo, gần gũi và "bắt trend" thay vì chỉ cung cấp kiến thức một cách bài vở, khô cứng. Phần lớn chuỗi "bài học" được mô phỏng dựa trên các tình huống thú vị trong thực tế.
Những trường hợp thường gặp như cách mọi người hay đặt mật khẩu đơn giản nhưng nhiều rủi ro, đồng thời hướng người dùng đến "mẹo" đặt mật khẩu an toàn. Chính nhờ cách thể hiện trực quan, sinh động và gần gũi này, MoMo đã biến các kiến thức an toàn bảo mật trở nên dễ hiểu, ai cũng có thể áp dụng để bảo vệ tài khoản, tài sản của mình.
Chia sẻ về ý tưởng thú vị này, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo, cho biết: "Bằng cách chuyển đổi mục đích sử dụng kênh truyền thông, MoMo mong muốn góp sức vào các hoạt động nâng cao nhận thức về an toàn bảo mật cho người Việt, thay vì chỉ truyền thông các sản phẩm, tính năng và dịch vụ mới của doanh nghiệp".
Ông Ngô Vi Đồng, phó chủ tịch Vnisa, chủ tịch chi hội phía Nam, cho rằng an ninh mạng ngày càng trở nên quan trọng trong thế giới kỹ thuật số vì các cá nhân và tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào các thiết bị số và dịch vụ số được kết nối Internet. Việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về các mối đe dọa an ninh mạng và các biện pháp thực hành bảo vệ là điều cần thiết để giảm thiểu các cuộc tấn công mạng và bảo vệ thông tin cá nhân.
"Hợp tác với MoMo không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy an toàn thông tin mà còn thể hiện cam kết của cả hai bên trong việc bảo vệ người dùng khỏi những rủi ro tiềm ẩn trên môi trường số. Chúng tôi hy vọng rằng dự án này sẽ giúp người dùng biết chủ động tự bảo vệ chính mình, giải quyết nhu cầu cấp thiết về việc tăng cường an toàn kỹ thuật số, mang lại lợi ích thiết thực cho hệ sinh thái số tại Việt Nam", ông Đồng nói.
Biến chiếc điện thoại thành thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ
Tại triển lãm Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 diễn ra vào đầu tháng 5-2024, ví điện tử VNPAY gây ấn tượng mạnh với người xem bằng công nghệ biến một chiếc điện thoại thành thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ, giúp người mua tối ưu thời gian và chủ cửa hàng không cần đầu tư thiết bị tốn kém.
Giải pháp có tên VNPAY SoftPOS (Tap to Phone) do VNPAY phát triển, cho phép biến điện thoại Android trở thành thiết bị chấp nhận thẻ không tiếp xúc (contactless) theo tiêu chuẩn EMV. Trước đây, nếu các ngân hàng, điểm bán phải thêm chi phí mua máy POS thì với VNPAY SoftPOS, chiếc điện thoại của người bán hàng có thể trở thành máy POS, xử lý giao dịch thẻ không tiếp xúc thông qua sóng NFC.
Điều này giúp ngân hàng, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư, không cần mua thêm phần cứng, cơ động và việc nâng cấp dịch vụ cũng được quản lý trực tuyến. Đây cũng được xem như phương án khả thi cho các ngân hàng phủ rộng máy POS, đặc biệt đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Nhờ đó, các ngân hàng cũng như doanh nghiệp có thể tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí đầu tư POS, nâng cao doanh thu, lợi nhuận.
Việc đăng ký và sử dụng dịch vụ cũng được đơn giản hóa khi VNPAY SoftPOS áp dụng các công nghệ tiên tiến (eKYC - nhận diện khuôn mặt, nhận diện chữ viết, kiểm tra tài liệu).
Thanh toán qua mã QR tăng gấp 3 lần, phổ biến với đơn hàng giá trị nhỏ
Số liệu thống kê của ví điện tử Payoo về thanh toán QR năm 2023 cho thấy mã QR giữ vị trí số 1 về tốc độ tăng trưởng. Giá trị giao dịch bằng QR tăng gấp 3 lần trong khi giao dịch thẻ nội địa chỉ tăng hơn 10%, thẻ quốc tế tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi các giao dịch sử dụng thẻ quốc tế thường phổ biến với những đơn hàng giá trị cao thì phương thức QR lại được ưa chuộng khi thanh toán đơn hàng giá trị nhỏ. Giao dịch thanh toán được thực hiện bằng mã QR với giá trị dưới 100.000 đồng qua hệ thống Payoo đã tăng trưởng gấp 5 lần so với 2022.
Có thể nói, sự tăng trưởng của QR code trong năm 2023 được sự hỗ trợ từ nhiều yếu tố: nền tảng VietQR cho phép các nhà bán lẻ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không cần đầu tư hệ thống POS vốn phức tạp và yêu cầu cao về thẩm định, thay vào đó họ chỉ cần tự in một mã QR để nhận tiền chuyển khoản từ khách hàng.
Các giao dịch QR với mức phí 0 đồng không chỉ được nhà bán lẻ ưa chuộng mà còn được đông đảo khách hàng ủng hộ vì tính tiện lợi, nhanh chóng, chủ động cho người chuyển và bảo mật thông tin thanh toán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận