26/01/2016 06:04 GMT+7

Nông dân cũng không muốn làm nông dân, vì sao nên nỗi?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN

TTO - Hàng dội chợ, điệp khúc “được mùa mất giá, mất mùa được giá”… vẫn là những nỗi lo thường trực của người nông dân. Ai giúp họ giải được bài toán này?

Nhiều người bỏ ruộng vườn ra thành phố làm công nhân vì làm nông thu nhập thấp? - Ảnh: Vân Trường
Nhiều người bỏ ruộng vườn ra thành phố làm công nhân vì làm nông thu nhập thấp? - Ảnh: Vân Trường

Mới đây, ông Nguyễn Quốc Cường, chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, đã đặt câu hỏi "Vì sao bây giờ không ai muốn làm nông dân" tại Đại hội Đảng XII.

"Vì sao ngay cả chúng tôi đều không muốn con mình là nông dân? Vì sao có những bà mẹ nghèo, mò của bắt ốc nhưng mò cua để mong con đi học, đừng làm nông dân như mình. Phải trả lời câu hỏi đó chứ?” - ông Nguyễn Quốc Cường nói. 

Không phải lỗi của người nông dân?

Lý giải nguyên nhân của tình trạng “được mùa mất giá, mất mùa được giá”, tiến sĩ (TS) Võ Mai, phó chủ tịch trung ương Hội Làm vườn VN, cho rằng tổ chức sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm” chính là vấn đề.

Theo TS Võ Mai, lâu nay cứ làm kế hoạch theo kiểu cộng từ dưới lên trên mà không nghiên cứu xem trồng bao nhiêu hécta trái này trái kia, cây này cây nọ để làm gì, phục vụ trong nước bao nhiêu, xuất khẩu thế nào, chế biến ra sao…

“Người nông dân mình cứ thấy hàng xóm trồng cái gì thì trồng theo, cây gì đang được giá thì chặt hết cây cũ để trồng rồi lại rơi vào cảnh rộ lên và mất giá. Kế hoạch của Nhà nước chưa được thực hiện theo nhu cầu của thị trường, không phải lỗi của người nông dân”, TS Võ Mai nêu ý kiến.

Bà Mai đánh giá sở dĩ người trẻ bỏ nông thôn, bỏ ruộng vườn đi vì làm nông vất vả quá mà thu nhập lại bấp bênh. Nhiều người bỏ lên thành phố làm công nhân vì nhìn thấy sự chênh lệch giữa cuộc sống nông thôn và thành thị.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú đánh giá trong những lần khủng hoảng kinh tế thì nông nghiệp vẫn là bệ đỡ vững chắc cho cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, nhưng người nông dân luôn phải chịu nhiều thua thiệt như bị ép giá, thị trường không ổn định nên được mùa thì lại mất giá, ít được tiếp xúc với thông tin thị trường, hạ tầng cơ sở thiếu thốn và cuối cùng là sự tấn công của hàng dỏm, hàng giả.

“Sự kết nối giữa người nông dân và thị trường rất lỏng lẻo. Từ đó thương lái sẽ ép giá, kéo theo một nền sản xuất, thương mại không công bằng” - ông Phú nói.

Ông Nguyễn Hữu Tùng, giám đốc Công ty Trợ nông Hà Nội, chỉ ra những nguyên nhân khác xuất phát từ phía người nông dân như thói quen canh tác lạc hậu, nhỏ lẻ dẫn đến rủi ro mất mùa, sâu bệnh.

“Rủi ro này có thể lên đến 30%. Chẳng hạn 1 sào hành (1 sào là 360m2) có thể thu về 30 triệu đồng/năm, chi phí sản xuất ban đầu khoảng 18 triệu, nghĩa là người nông dân có lãi 12 triệu/sào/năm. Nhưng với kiểu canh tác cũ, rủi ro 30% thì xem như người dân mất trắng 9 triệu/năm, tiền lãi chỉ còn 2-3 triệu. Thế nhưng họ vẫn chấp nhận lấy công làm lãi” - ông Tùng đưa ra ví dụ cụ thể.

Lý giải việc vẫn chấp nhận canh tác theo kiểu cũ, bất chấp rủi ro cao, ông Tùng cho rằng do người nông dân không được tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ và “đôi khi họ cũng không tin tưởng vào mô hình canh tác mới khi mô hình này đòi hỏi đầu tư nhiều, người nông dân ngại đầu tư”, ông Hữu Tùng chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Hữu Tùng nhận định còn những hộ làm nông nghiệp không chịu đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Lấy ví dụ như chuối, năm ngoái Trung Quốc thu mua chuối nhiều, kể cả chuối loại 2, loại 3 để sấy khô xuất khẩu. “Vì thế, người dân mình cứ đinh ninh là chuối loại 2, loại 3 cũng xuất khẩu được. Thực tế những loại chuối bị mất giá, bị đổ đều là chuối kém chất lượng, hàng loại 1 chúng tôi vẫn xuất đi đều đều mỗi ngày”, ông Tùng cho biết.

Từ đó có thể thấy vì người nông dân không tập trung chăm chút cho cây trồng của mình để sản phẩm đạt được chất lượng như nhà máy hay thương lái yêu cầu nên buộc phải đổ đi.

Cải cách từ chính sách…

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, cải cách phải tiến hành từ chính sách chứ không phải từ người nông dân.

Những việc cần làm là tập hợp người nông dân lại để tổ chức sản xuất lớn, sao cho người nông dân là cổ phần của chính những của cải mình làm ra.

Bên cạnh đó là gắn kết sản xuất với phân phối thành một chuỗi và phải đưa ra luật bán lẻ, luật cạnh tranh, luật liên kết, luật phân chia lợi nhuận… theo hướng có lợi cho nông dân.

“Thái Lan có luật bán lẻ và luật liên kết quy định rõ phần người nông dân được hưởng. Ví dụ 1kg đường bán ra thì người nông dân được hưởng 70%, còn lại 30% chia cho các khâu phân phối. Phải quy định chặt chẽ để bảo vệ người nông dân. Hãy đi cày với người nông dân để làm chính sách” - ông Phú nhấn mạnh.

Đồng tình theo hướng phải tổ chức sản xuất có quy mô, TS Võ Mai nhận định chỉ khi nào tổ chức được hợp tác xã, kinh tế tập thể và có chính sách hỗ trợ cụ thể, rõ ràng thì mới giữ chân được người trẻ ở lại làm nông nghiệp.

Ngoài ra, cần có sự tham gia nòng cốt của các doanh nghiệp vào hợp tác xã vì doanh nghiệp nắm được thông tin thị trường, từ đó định hướng được sản xuất và lôi kéo người nông dân cùng tham gia trồng trọt, canh tác.

Một vấn đề khác cần làm, theo TS Võ Mai, là nên chú trọng, khuyến khích hơn nữa khâu chế biến để khi sản phẩm bị dội hoặc những loại trái cây nhỏ, xấu trái sẽ có đường ra, thay vì phải đổ bỏ hay bán với giá rẻ rề như hiện nay.

Thương lái cần đưa ra tiêu chuẩn rõ ràng hơn cho người nông dân, đó là ý kiến của ông Nguyễn Hữu Tùng. Bởi trong chuỗi cung ứng, thị trường yêu cầu hàng gì thì người nông dân sản xuất hàng ấy. Do đó, yêu cầu càng rõ ràng bao nhiêu thì người dân càng có cơ sở để chăm chút sản phẩm của mình bấy nhiêu.

“Yêu cầu chuối phải to, ngọt, có mùi hương nhưng lại không nói rõ kích cỡ, độ đường, độ tinh dầu bao nhiêu là đạt chuẩn. Trong khi đó, người nông dân chủ yếu sản xuất dựa vào kinh nghiệm, mức độ áp dụng khoa học kỹ thuật chưa cao”, ông Tùng nêu ví dụ.

… Đến chuyển giao công nghệ

Theo ông Nguyễn Hữu Tùng, việc chuyển giao khoa học công nghệ cho người nông dân phải sâu sát hơn nữa để họ hiểu hơn về cây trồng của mình. 

Ngoài ra, cần cung cấp cho người nông dân những thông tin về thổ nhưỡng, khí hậu, nhất là trong điều kiện thời tiết có nhiều biến động như những năm gần đây.

Bên cạnh đó, việc đưa ra những chỉ dẫn địa lý và thương hiệu địa phương cũng hết sức cần thiết cho bà con nông dân, các chuyên gia nhận định.

Người nông dân cũng phải có kỷ luật thép. Ở một góc độ khác, các chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng người nông dân phải tự cải thiện việc canh tác của mình để không nằm ngoài chuỗi sản xuất - cung ứng của thị trường. 

Người nông dân phải tuân theo những “kỷ luật thép” để sản phẩm làm ra đạt yêu cầu, mang về lợi nhuận cao, xứng đáng với công sức bỏ ra.

Còn ai tha thiết làm nông?

Đó là câu hỏi mà bạn đọc Lê Hiển đặt ra sau khi đưa dẫn chứng từ chính gia đình mình.

Với hai công đất (2.000m2), thu được khoảng 2.000kg/vụ 3 tháng, mỗi ký bán với giá 5.000 đồng thì tổng tiền thu được trong ba tháng chỉ khoảng 10 triệu đồng, chưa trừ chi phí cày cấy, phân bón, thuốc trừ sâu, công gặt lúa…

“Số tiền này bằng tôi làm một tháng. Tôi chỉ là công nhân kỹ thuật. Thử hỏi ai còn tha thiết làm nông?”, bạn đọc viết.

Rất nhiều bạn đọc đã cùng tham gia trả lời câu hỏi “Vì sao không ai muốn làm nông dân”, đa phần đều quy về nguyên nhân chính: thu nhập quá thấp và bấp bênh.

Nguyên nhân dẫn đến việc nông dân là người trực tiếp làm ra sản phẩm, chịu cực nhiều nhất nhưng thu lại chẳng đáng là bao được nhiều bạn đọc chỉ ra là chuyện "ăn trên ngồi trước”, chèn ép nông dân của thương lái, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chưa rộng, chưa ổn định và sâu sát đến người dân…

Bên cạnh đó còn là vấn nạn phân bón, thuốc trừ sâu giả, giống kém chất lượng…

“Thử nhìn lại những ngành, nghề nuôi, trồng trong lĩnh vực nông nghiệp xem có ngành nào giá cả ổn định, nông dân thoát nghèo bền vững? Tiêu, điều, cà phê, mía, cao su, thanh long... , rồi heo, gà, tôm, cá tra... vẫn luôn chịu cảnh “được mùa mất giá”. Thử hỏi vì sao nông dân không còn thiết tha với nghề nông?” - bạn đọc Sông Trẹm đặt câu hỏi.

Nêu quan điểm của mình về vấn đề “cải cách nhiều nhưng chưa làm tận gốc rễ của vấn đề”, bạn đọc Lê Văn Trọng ở Đồng Nai cho biết giá các thương lái mua rau tại vườn chỉ bằng 1/3 giá bán ngoài chợ. “Nông dân làm ra 9 đồng thì thương lái ăn hết 6 đồng rồi".

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> TS Võ Mai

>> Ông Vũ Vinh Phú

>> Ông Nguyễn Hữu Tùng

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục