07/04/2019 17:22 GMT+7

Vì đâu lao động Việt bỏ trốn bên Đài Loan?

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Hàng chục ngàn lao động Việt Nam, vì những lời hứa lương cao, việc tốt của công ty môi giới mà bị đẩy vào vòng xoáy lao động bất hợp pháp tại Đài Loan, theo phóng sự mới của tờ SCMP.

Vì đâu lao động Việt bỏ trốn bên Đài Loan? - Ảnh 1.

Mai, lao động người Việt tại Đài Loan - Ảnh: SCMP

Nhật báo South China Morning Post của Hong Kong kể: năm 2011, Mai vay mượn 6.300 USD, nhiều gấp 10 lần thu nhập một năm làm công nhân nhà máy Samsung của cô, để đưa cho nhà môi giới, với mơ ước tìm việc lương tốt tại thành phố Đài Trung, bên Đài Loan.

Để lại quê nhà hai đứa con thơ và người chồng bị mất thị lực một bên mắt, Mai khấp khởi vui mừng vì viễn cảnh kiếm 1.000 USD/tháng, theo lời người môi giới.

Nhưng không ai nói với cô về những khoản thuế, phí và chi phí sinh hoạt mà cô sẽ phải gánh khi sang sinh sống và làm việc ở Đài Loan. 

Mai phải làm ca đêm từ 17h đến tận 8h sáng hôm sau. Nếu mệt mỏi mà chểnh mảng công việc, cô sẽ không được tính tiền công. Những quy định thắt ngặt đó khiến cô chỉ nhận được khoảng 500 USD/ tháng.

Tới khi chịu hết nổi, cô cùng nhiều đồng nghiệp người Việt lên tiếng phản đối rồi nhận lại lời đe dọa sa thải từ ban lãnh đạo công ty. Cô đành rời đi và tìm việc khác. 

Cứ thế, cô trở thành lao động bất hợp pháp hồi nào không hay. "Tôi không thể quay về quê nhà, 30 tuổi rồi chứ ít đâu. Thà bỏ trốn còn có cơ hội kiếm ít tiền trang trải", Mai bộc bạch.

Trường hợp của Mai không hiếm, nếu không muốn nói là rất nhiều. Khoảng 25.000 lao động Việt đã "mất dấu" khỏi sự quản lý của nhà chức trách Đài Loan giống hệt theo cách của Mai: từ lao động hợp pháp chuyển sang bất hợp pháp. 

Lao động Việt chiếm một nửa số lao động nước ngoài trốn lại tại Đài Loan, số còn lại phần nhiều là người Indonesia.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Thủy - điều phối viên dự án quốc gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trường hợp lao động Việt bỏ trốn sau khi quá hạn thị thực hoặc thông qua các kênh môi giới phi chính thức chủ yếu là do chi phí phát sinh quá cao (để đảm bảo việc làm) dẫn đến nợ nần không thể trả nổi.

Vì đâu lao động Việt bỏ trốn bên Đài Loan? - Ảnh 2.

Công nhân nước ngoài tại Đài Loan biểu tình phản đối phí môi giới cao và điều kiện làm việc thấp - Ảnh: SCMP

Con đường ngắn nhất

Đài Loan mở cửa thị trường lao động cho người có tay nghề thấp từ năm 1992. Từ đó, con đường dễ nhất để lao động Việt qua Đài làm việc là thông qua người/ công ty môi giới. Họ sẽ phải tốn một khoản phí, thường rất cao dẫn đến nợ nần và buộc phải tìm mọi cách để kiếm tiền trả nợ khi sang được bên Đài Loan.

Vào cuối năm ngoái, 152 "khách du lịch" Việt đã biến mất khi mới chân ướt chân ráo vào Đài Loan. Tính đến cuối tháng 2-2019, 61 người trong số đó vẫn chưa được tìm ra. Số người bị bắt thừa nhận có ý định trốn ở lại trái phép nhằm kiếm tiền trả phí môi giới lên đến 3.000 USD/người.

Theo Diễn đàn Di cư châu Á (MFA), ngay cả những người môi giới hợp pháp cũng có thể đòi phí môi giới đến 7.000 USD cho hợp đồng lao động ba năm tại nhà máy ở Đài Loan, gấp 1,3 lần mức người Indonesia phải trả, gấp ba lần so với người Philippines và Thái Lan.

Theo đó, có sự liên hệ giữa phí môi giới và thực trạng nhiều lao động Việt bỏ trốn. Trong năm 2018, có 4,38% lao động Việt "mất tích", so với chỉ 2,88% lao động từ Indonesia, 0,5% lao động người Thái và 0,41% lao động người Philippines.

Vì đâu lao động Việt bỏ trốn bên Đài Loan? - Ảnh 3.

Công nhân Việt Nam biểu tình phản đối môi giới tại Đài Bắc - Ảnh: SCMP

Cái lợi trước mắt

Chuyện người lao động Việt vì lời hứa lương cao, việc tốt mà thiếu suy xét khi sang Đài Loan không phải là chuyện mới. 

Nhưng trong câu chuyện không hay này có vai trò và trách nhiệm không nhỏ của người môi giới. "Phần lớn họ chỉ muốn gửi người sang Đài Loan càng nhiều càng tốt, càng nhanh càng tốt mà không quan tâm đến đào tạo cơ bản hay cho lao động học tiếng", bà Phạm Thảo Vân - nhà hoạt động vì quyền công nhân Việt tại Đài Loan - cho biết.

Luật pháp Việt Nam quy định tổng chi phí môi giới không được vượt quá 4.000 USD, nhưng thực tế hoàn toàn khác. 

Bà Nguyễn Thị Mai Thủy của ILO cho biết nhiều môi giới người Việt nói với cô rằng dù cho chính phủ có nới ngưỡng thành 5.000 USD thì họ vẫn phải tính phí từ 6.000 đến 6.500 USD mới có lời, vì chính các cơ quan tuyển dụng Đài Loan cũng tính phí họ rất cao.

Theo đó, chi phí cao đã là một vấn đề mang tính hệ thống. Chính quyền Việt Nam và Đài Loan đã có nhiều bước tiến trong việc cải thiện các điều kiện lao động, nhất là giảm phí môi giới, và hi vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn cho lao động Việt trong thời gian tới.

Vụ du khách bỏ trốn ở Đài Loan: Một công ty dẫn khách hoạt động ‘chui’ Nhiều thực tập sinh ở Nhật bỏ trốn vì lương thấp Du khách bỏ trốn ở Đài Loan: Có thể có đường dây xuất cảnh trái phép
MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên