⁶
Nhiều bạn đọc bày tỏ xót xa trước thông tin khoai lang Tây Nguyên mất giá, bí đầu ra mà Tuổi Trẻ Online phản ánh.
Vụ trước lời to, vụ này đổ xô trồng khoai
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Văn Năm (65 tuổi), nông dân xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện), cho biết do vụ trước trồng khoai lang trúng lớn nên năm nay nhiều người đổ xô đi trồng.
Thậm chí, những hộ không có đất cũng đầu tư tiền cho nhà có đất trồng khoai. Diện tích tăng nhanh, mùa thu hoạch rơi vào cùng thời điểm trên toàn vùng nên tiêu thụ không nổi.
Từ tháng 12-2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện đã cảnh báo tình trạng dư cung đối với khoai lang.
Tại thời điểm đó, đơn vị này khảo sát tổng diện tích trồng khoai của nông dân lên tới 2.500 ha, tăng đột biến hơn gấp đôi cùng kỳ năm trước (1.200 ha). Trên thực tế, đến đầu tháng 4-2024 tổng diện tích trồng khoai lang tại huyện này còn tăng cao hơn nữa với khoảng 3.440 ha - tăng gần gấp 3 lần vụ liền trước.
Cây khoai lang sốt tới mức nhiều nông dân trồng khoai trên đất trồng lúa.
Ngay thời điểm đó, ngành nông nghiệp đã đề nghị các xã, thị trấn và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tuyên truyền, khuyến cáo nông dân sản xuất gắn với tiêu thụ. Tránh mở rộng sản xuất mà không có đầu ra dẫn tới tư thương ép giá, ảnh hưởng thu nhập và đời sống.
Nhưng bất chấp những cảnh báo nhãn tiền, nông dân vẫn mở rộng vùng trồng ồ ạt và rơi vào tình trạng dư cung.
Đã khuyến cáo nhưng nông dân không nghe
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND huyện Phú Thiện - nơi đang kêu gọi giải phóng khoai lang giúp nông dân - cho biết tới nay mới có khoảng 60% diện tích khoai thu hoạch.
Với năng suất bình quân 20 tấn/ha, vụ này riêng huyện Phú Thiện ra thị trường gần 70.000 tấn. Vào đầu vụ, giá khoai giảm dần từ 10.000 đồng/kg xuống 8.000 đồng rồi 6.000 đồng, có lúc còn 3.500 đồng/kg.
Đáng chú ý, không chỉ huyện Phú Thiện mà năm nay nhiều huyện phía đông và đông nam Gia Lai đều đổ xô trồng khoai lang như Chư Sê, Chư Pưh, Ia Pa, Chư Prông, Đăk Đoa, Mang Yang… khiến tình trạng dư cung thêm trầm trọng.
Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai nói rằng đây là bài toán đau đầu không có lời giải. Không chỉ khoai lang, bài học từ cây nghệ, cây bí đỏ dạo trước vẫn còn nguyên đó nhưng nông dân vẫn chưa sợ.
Theo đơn vị này, mỗi khi định hướng cây trồng nông dân không nghe theo, còn hỏi lại có bao tiêu được không? Cơ quan quản lý khuyến cáo nhưng vô tác dụng vì đất đai của nông dân, quyền trồng cây gì là của họ.
"Hằng năm tỉnh đều có quy hoạch vùng trồng, hướng dẫn sản xuất. Rồi xây dựng đề án chuyển đổi cây trồng, tuyên truyền đủ kiểu nhưng cái chính là người dân không nghe, vấn đề chính ở đây cần phải thay đổi là nhận thức của người dân" - một lãnh đạo đơn vị này chia sẻ.
Sao khoai lang tại ruộng 4.000 đồng/kg mà siêu thị bán 40.000 đồng/kg?
Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online bất ngờ khi hay tin giá khoai lang thu mua tại ruộng chỉ 4.000 đồng/kg, bởi giá bán khoai lang tại các chợ, siêu thị hiện nay vẫn duy trì ở mức cao từ 25.000 - 30.000 đồng, có nơi 40.000 đồng/kg. Vậy, ai là người hưởng lợi trên sự thua lỗ của người trồng khoai và người tiêu dùng được lợi gì khi nguồn cung tăng lên?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hai - đại diện một hợp tác xã mua khoai lang tại Phú Thiện - cho biết đã mua gần 3.000 tấn khoai cho bà con. Đơn vị này phân phối khắp các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn phía Bắc và phía Nam.
Ông Hai cho rằng giá khoai lang khi vào các siêu thị phải cao hơn bình thường vì siêu thị chỉ tuyển loại 1 cộng với chi phí doanh nghiệp, thuế suất cao. Trong khi đó, tại các chợ cóc, chợ dân sinh, giá khoai lang hiện nay đã giảm so với đầu vụ, có những nơi chỉ còn khoảng 15.000 đồng/kg.
Theo đơn vị này, cần phải tính đủ chi phí vận chuyển, trừ hao hụt, nhân công, tiền lãi vào giá bán. Người tiêu dùng không nên chỉ nhìn giá tại ruộng mà so sánh với giá bán lẻ tới tay người dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận