TTCT - Sử dụng quyền tự chủ, nhiều trường đã xếp thời khóa biểu đến 45 tiết/tuần, và do vậy trung bình học sinh phải học 9 tiết/ngày nếu đi học 5 ngày mỗi tuần. Minh họa: Chava Sanchez/LAistKhi các hiệu trưởng trường THPT TP.HCM ngồi lại cùng Sở GD-ĐT TP hồi đầu tháng 10 này, họ bị yêu cầu "các trường dạy không quá 8 tiết mỗi ngày", tức tối đa 40 tiết/tuần (học từ thứ hai đến thứ sáu). Yêu cầu này vốn đã được quy định từ lâu trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình giáo dục (chính khóa) xây dựng thời lượng tối đa là 30 tiết/tuần, học 6 ngày/tuần. Nếu tính cả thời lượng học buổi 2 ở những nơi có điều kiện thực hiện, văn bản hiện hành của Bộ GD-ĐT cũng chỉ cho phép tối đa dạy 8 tiết/ngày, tương đương 40 tiết/tuần (học 5 buổi, nghỉ 2 buổi).Nhiều hiệu trưởng cho rằng yêu cầu này gây khó cho cả trường và cả học sinh, rằng "nếu vậy học sinh phải học vào thứ bảy, không có thời gian nghỉ ngơi". Cớ sự này là do Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xem là chương trình mở, cho phép các nhà trường chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục riêng của nhà trường. Sử dụng quyền tự chủ này, nhiều trường đã xếp thời khóa biểu đến 45 tiết/tuần, và do vậy trung bình học sinh phải học 9 tiết/ngày nếu đi học 5 ngày mỗi tuần.Khi hiệu trưởng có thêm quyền...Tùy theo mỗi nhà trường, thời khóa biểu của buổi 2 có thể là những tiết ôn tập, học tăng cường ở một số môn học liên quan tới thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, phụ đạo học sinh giỏi, kèm học sinh yếu, học các môn năng khiếu, giáo dục thể chất…Nhiều trường tại Hà Nội, TP.HCM bung ra nhiều hoạt động giáo dục, nội dung học tập khác nhau, hầu như đều vượt rào về số lượng tiết học. Có những trường lên tới 45 - 46 tiết/tuần.Theo bà H., hiệu trưởng một trường THCS ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), để học sinh được nghỉ cả ngày thứ bảy và chủ nhật, trường phải bố trí 8 - 9 tiết/ngày từ thứ hai đến thứ sáu. Và tùy theo lớp, học sinh phải học khoảng 42 - 45 tiết/tuần. "Học sinh lớp 9 chuẩn bị thi chuyển cấp nên phải học tăng cường các môn toán, văn, ngoại ngữ ở buổi 2. Trường tôi học sinh có 4 ngày trong tuần học buổi 2 tăng cường ba môn học trên, với tổng số tiết buổi 2 là 15 tiết/tuần", bà H. cho biết.Bà H. nói chủ trương học tăng cường được đa số phụ huynh đồng ý, chỉ một số ít cho rằng thời lượng học như vậy là quá tải với học sinh. Nhưng trường quyết định theo đa số, và vì thế việc học tăng cường với học sinh cuối cấp thực hiện với tất cả học sinh.Ở các lớp 6, 7, 8, tuy các môn học chính được tăng cường với mức độ ít hơn so với học sinh lớp 9 nhưng học sinh phải đăng ký học câu lạc bộ, học nội dung giáo dục STEM, các hoạt động giáo dục khác.Học sinh trong một tiết học STEM. Ảnh minh họa: H.HGBà Th., phó hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội, cho biết rất khó cho học sinh nghỉ thứ bảy, vì nếu thế học sinh sẽ phải học 9 tiết/ngày. "Trường tôi chưa đủ cơ sở vật chất cho mỗi lớp/phòng học nên có những buổi phải tổ chức hai ca học. Ngoài các môn học tăng cường bố trí từ lớp 10, học sinh tăng cường học luyện thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, học kỹ năng sống, tin học, học các môn năng khiếu theo hình thức câu lạc bộ", bà Th. nói. Và cũng theo bà Th., những môn học tăng cường đều được xây dựng "dựa trên mục tiêu đặt ra của học sinh và nhu cầu của cha mẹ học sinh".Tuy nhiên nhiều phụ huynh lại có ý kiến khác. Một số phụ huynh có con học lớp 12 của trường cho biết họ muốn con mình có thêm thời gian nghỉ ngơi và tự học. "Nhưng trường có nhiều hoạt động và nội dung tăng cường quá. Không thể tách riêng con mình không học, nên phải cho theo" - anh H.T.Q., có con học lớp 11, chia sẻ. Tại TP.HCM, câu chuyện "bội thực" vì phải học trên 40 tiết/tuần cũng được nhiều phụ huynh xác nhận.Vậy số tiết cộng thêm có khi tới 15 tiết/tuần là từ đâu ra? Chương trình mở hiện nay, với sự rộng quyền hơn của hiệu trưởng, mỗi trường sẽ có một kế hoạch giáo dục thêm khác nhau. Bên cạnh chương trình chính khóa, các trường được quyền đưa các môn học, hoạt động học khác nhau vào trường. Trong đó có những nội dung nằm trong chương trình chung, có những nội dung được tổ chức theo hướng xã hội hóa, phụ huynh phải đóng góp.Một số trường tư, trường công lập tự chủ ở Hà Nội xây dựng chương trình giáo dục tổng thể bao gồm những môn học, hoạt động do trường ấn định và được tính toán đưa vào học phí ngay đầu năm học. Vì thế, mọi học sinh đều phải học, phải đóng tiền như nhau.Biến tướng của "chương trình nhà trường"10 năm trước, khái niệm "chương trình nhà trường" xuất hiện với việc thí điểm của Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Họ bám sát chương trình do Bộ GD-ĐT phê duyệt nhưng từng môn học được các tổ chuyên môn rà soát để tích hợp các nội dung khác nhau thành chủ đề dạy học trong một hoặc nhiều môn. Họ rà soát cả điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các phương pháp, hình thức dạy học khác nhau. Từ đây cũng hình thành các khái niệm "dự án học tập", mở rộng không gian lớp học, đưa học sinh đến bảo tàng, di tích, cơ sở sản xuất. Xu hướng dạy học theo chủ đề gắn với thực tiễn có sự tham gia của nhiều môn học, nhiều giáo viên bộ môn hình thành từ thời điểm này, về sau tiệm cận với quan điểm giáo dục STEM.Với việc xây dựng chương trình nhà trường như thế (gồm cả nội dung dạy học, hoạt động giáo dục), trường có thể chủ động nâng chất lượng dạy học, tận dụng tối đa điều kiện hiện có (giáo viên, phòng thực hành, thí nghiệm, thiết bị hỗ trợ dạy học) kết nối với những yếu tố bên ngoài nhà trường để việc học gắn với hành.Từ thí điểm này, một số trường ở Hà Nội học theo cách đó như hệ thống giáo dục Nguyễn Siêu, trường phổ thông liên cấp Olympia, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa)... Khi thấy được thành công ban đầu đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn 791 về thực hiện chương trình nhà trường và rồi nhiều địa phương cũng thực hiện, trong đó có những địa phương triển khai rất mạnh như Lào Cai.Cảnh tượng học sinh mệt mỏi ngủ gục trong lớp không hề xa lạ tại nhiều trường học - Ảnh minh họa: Như HùngXét về ưu điểm, việc triển khai chương trình nhà trường góp phần tạo nên một môi trường giáo dục chủ động, linh hoạt, phát huy cao hơn nguồn lực hiện có của các nhà trường. Thay đổi trong thực hiện nội dung dạy học dẫn tới các thay đổi khác về quản trị nhà trường, đánh giá học sinh, giáo viên.Năm 2017, hành lang pháp lý cho vấn đề này được nâng cao với công văn 4612 của Bộ GD-ĐT, cho phép các nhà trường đa dạng hóa các hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh ở bậc trung học. Không còn duy nhất cách dạy truyền thống trên lớp, không còn duy nhất cách kiểm tra trên giấy, nhiều cách dạy, cách học đã được chấp nhận. Thực tiễn này là một trong nhiều căn cứ quan trọng để Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó chương trình nhà trường (sau được sửa tên là kế hoạch giáo dục nhà trường) được xem như "xương sống" của cuộc đổi mới.Kế hoạch giáo dục nhà trường từ sau năm 2018 được đưa vào nhiệm vụ năm học. Nó được quy định bắt buộc và hướng dẫn cụ thể hơn ở công văn 5512 (ban hành năm 2020). Tuy công văn này có những nội dung không tường minh, gây tranh cãi nhưng có những quy định khá kỹ về trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường trong xây dựng kế hoạch tổng thể, của tổ bộ môn trong xây dựng kế hoạch giáo dục từng môn học và kế hoạch bài giảng của giáo viên.Về căn bản, toàn bộ diễn biến này là sự cho phép các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dựa trên chương trình giáo dục do Bộ GD-ĐT phê duyệt, điều kiện hiện có, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của mỗi nhà trường đặt ra trong năm học.Lý thuyết xanh tươi, sự đời lại không thế. Một cách hiểu phiến diện là "tăng thêm môn học, tiết học nằm ngoài chương trình" trên thực tế đã lan truyền. Lý thuyết nói "sắp xếp, xây dựng thời khóa biểu của các lớp cấp học, môn học theo tiến trình phù hợp với đối tượng học sinh, áp dụng nhiều hình thức tổ chức dạy học, đánh giá khác nhau" biến thành những giờ học thêm đồng phục cho mọi học sinh. "Đưa thêm các nội dung học kỹ năng sống, giá trị sống, hay tăng tiết các môn học quan trọng do các trường chủ động" có nơi biến thành mảnh đất màu mỡ để thu tiền. "Cần có sự đồng thuận với cha mẹ học sinh, cân đối để đảm bảo sức khỏe cho học sinh" có khi diễn ra theo kiểu "số đông bảo thế, con mình không đứng riêng ra được".Khá nhiều nhà trường hiện nay đang hiểu sai, làm sai kế hoạch giáo dục nhà trường. Chuyện quá tải khi phải học 40 - 45 tiết/tuần có nguyên nhân từ việc hiểu sai, làm sai này.----------------------------Cốt lõi tinh thần của kế hoạch giáo dục nhà trường là trao quyền chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình thời lượng chính khóa. Nó rất khác với việc chủ động đưa quá nhiều nội dung học tập ngoài nội dung, thời lượng chính khóa vào nhà trường như thực tế đang diễn ra. Và vì thế, câu chuyện đổi mới trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường từ tầm vĩ mô đến vi mô và giữa các cơ sở giáo dục đang rất khác nhau. Cô Ngô Thị Thành, phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) - nơi đã triển khai chương trình nhà trường từ những năm 2013-2014, cho biết đầu mỗi năm học, họ xây dựng kế hoạch giáo dục tổng thể, xếp thời khóa biểu phù hợp điều kiện và mong muốn của các nhóm học sinh khác nhau (theo định hướng nghề nghiệp tương lai và sở thích) nên rất vất vả. Là người từng tư vấn xây dựng kế hoạch nhà trường cho một số nơi, cô Thành nhận định một số hiệu trưởng không thật hiểu cách làm, cơ bản mắc hai lỗi: một là vẫn bám sát chương trình - sách giáo khoa, rập khuôn theo tiến trình chương trình và sách đã định ra; hai là "linh hoạt" theo chiều hướng gây quá tải cho học sinh và tốn kém cho phụ huynh. Cô Vũ Thị Thu Hà, hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng, một trong những trường công lập ở Hà Nội đang làm tốt kế hoạch giáo dục nhà trường, cho biết trường này giao tổ chuyên môn rà soát nội dung chương trình, đề xuất trình tự bài dạy, phương pháp, hình thức tổ chức lớp học, các chuyên đề trong môn hoặc liên môn, thời lượng cho hoạt động trải nghiệm, thực hành... Với đề xuất này và kết quả rà soát, thống kê chi tiết về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có, hiệu trưởng mới hoàn thiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Do vậy, chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn trong thời điểm đổi mới này rất quan trọng. "Làm tốt kế hoạch giáo dục nhà trường, học sinh sẽ được giảm tải, trường giảm hình thức dạy học, đánh giá cứng nhắc, nhàm chán, tận dụng được tối đa nguồn nhân lực, phòng học, thiết bị, hoàn toàn không có việc tăng tải cho cả giáo viên và học sinh" - cô Hà nói. Tags: Giáo dục phổ thôngChương trình giáo dụcXây dựng kế hoạchGiáo dục thể chấtNội dung học tậpHọc sinh giỏiHọc sinh cuối cấpHọc sinh lớp 9
Phá sập đường dây lừa đảo xuyên biên giới chuyên giả danh công an, cán bộ thuế, lừa hơn 13.000 người HÀ QUÂN 25/01/2025 Theo cơ quan công an, băng nhóm người Việt lừa đảo ở Campuchia đã mạo danh công an, cán bộ điện lực, thuế... gọi điện đề nghị người dân cập nhật thông tin để chiếm quyền sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Thời tiết hôm nay 25-1: Đêm nay không khí lạnh mạnh về Bắc Bộ, Nam Bộ vẫn nắng nóng LÊ PHAN 25/01/2025 Từ đêm nay, Bắc Bộ sẽ đón đợt không khí lạnh rất mạnh, trời chuyển mưa rét. Nam Bộ thời tiết ngày nắng, Trung Bộ nhiều mây.
Tin tức thể thao sáng 25-1: Djokovic úp mở chuyện giải nghệ trong năm nay ĐỨC KHUÊ 25/01/2025 Djokovic có thể không trở lại thi đấu ở Giải Úc mở rộng và úp mở chuyện giải nghệ; Kyle Walker rời Man City tới cuối mùa... là những tin tức thể thao chính sáng 25-1.