13/05/2020 08:22 GMT+7

Vì đâu 'chạy đua' với chương trình học?

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Có nhiều lý do để mặc dù không hề muốn nhưng nhà trường, thầy cô, học sinh cũng phải "chạy đua" mới có thể hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020.

Vì đâu chạy đua với chương trình học? - Ảnh 1.

Một tiết học môn hóa của học sinh lớp 12A21 Trường THPT Hùng Vương Q.5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhận diện được những lý do này mới có thể có giải pháp cho việc bớt chạy đua, để việc học thực sự là niềm vui, là đam mê của con trẻ.

Tinh giản mà vẫn "lối cũ ta về"

Lo lắng của các sở GD-ĐT, cán bộ quản lý các trường học và của thầy cô khi lên kế hoạch dạy học lúc này thật đáng trân trọng. Sau kỳ nghỉ dài, không ít học sinh đâm lười, một bộ phận hỏng hóc kiến thức, cá biệt có em chẳng nhớ gì bài học cũ. Làm sao giúp học sinh nhanh chóng ổn định việc học, giúp các em hiểu và vận dụng các bài học mới, dạy học thế nào để đáp ứng yêu cầu tuyển sinh các lớp đầu cấp - thi tốt nghiệp THPT năm 2020? Nhiều trường trăn trở!

Về phía thầy cô, quán tính giảng dạy theo bài trong sách giáo khoa, theo phân phối chương trình, nặng về kiến thức, coi điểm số qua kiểm tra là phương thức "độc đạo" để đo lường kết quả và chạy theo chỉ tiêu thi đua. 

Tuy chương trình tinh giản nhưng do hạn chế đó, nhiều thầy cô thiết kế bài giảng... lối cũ ta về. Có giáo viên, kiến thức trong bài "bỏ thì thương, vương thì tội", nên dạy chương trình tinh giản mà bài học của thầy cô lại không tinh giản. Thời gian còn lại của học kỳ II không còn nhiều, thầy trò cùng gặp khó (chủ quan) nên áp lực là không thể tránh khỏi.

Có cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thiếu sâu sát tình hình, không nắm vững chương trình tinh giản, chậm cập nhật những thông tin cần thiết khi học sinh trở lại trường. Thực trạng đó dẫn đến quản lý theo kinh nghiệm, trong khi hậu COVID-19 trường học có nhiều thay đổi, đòi hỏi kế hoạch giáo dục của trường thích ứng. Thế mà từ kế hoạch đến tổ chức dạy học, kiểm tra, ôn luyện... rập khuôn, mệnh lệnh, độc đoán. Giáo viên và học sinh chịu áp lực là tất yếu.

Thêm nữa, mốc thời gian kết thúc năm học 15-7 có thể quá sức với một số địa phương khi phải tới đầu tháng 5 học sinh mới trở lại trường. Bộ GD-ĐT có điều chỉnh thông tư 58, nhưng số bài kiểm tra/môn học so với quỹ thời gian dạy học vẫn còn nhiều. Tăng tốc dạy rồi tăng tốc kiểm tra, thầy và trò không mệt mới lạ!?

Mấy kiến nghị

Trước hết, lãnh đạo các trường nghiên cứu kỹ chương trình tinh giản, xây dựng kế hoạch phù hợp với từng đơn vị, nhất thiết phải có chương trình tinh giản của nhà trường trên cơ sở đề xuất của nhóm - tổ - khối chuyên môn. Chẳng hạn, với chương trình vật lý lớp 11, ban cơ bản, khéo tích hợp chủ đề thì chỉ cần khoảng 12 tiết là hoàn thành chương trình tinh giản. 

Cần lưu ý, chương trình tinh giản của Bộ GD-ĐT chỉ có tác dụng tốt khi và chỉ khi nhà trường triển khai dạy học tích hợp theo chủ đề. Rũ bỏ kiểu dạy theo phương pháp truyền thống, giúp học sinh nắm chắc khái niệm công cụ, nội dung giảng dạy tinh, gọn, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Cân nhắc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy thêm học thêm trong khoảng thời gian này dễ làm học sinh mệt mỏi, phụ huynh ấm ức vì thời gian học gây quá tải và cả những khoản thu...

Các trường cần có kế hoạch kiểm tra chi tiết, linh hoạt, nhẹ nhàng (khối 9, 12 có kế hoạch riêng trên cơ sở định hướng chọn trường, chọn ngành cho các em). Dạy học, kiểm tra, vui chơi, rèn luyện thân thể, giải trí hợp lý. Chăm vào dạy chữ rồi kiểm tra, chỉ được trước mắt mà thôi!

Với Bộ GD-ĐT, nên cân nhắc, xem xét lùi thời điểm kết thúc chương trình năm học 2019-2020 đến 25-7, điều chỉnh số bài kiểm tra, chỉ nên mỗi môn học từ 1 đến 2 tiết/tuần có một bài kiểm tra, các môn học có trên 2 tiết/tuần thực hiện 2 lần kiểm tra.

Điều chỉnh kế hoạch, nội dung giảng dạy

Khối 12 ở trường chúng tôi có 100% học sinh tham gia học trực tuyến trong thời gian nghỉ học phòng dịch bệnh. Vì vậy, bây giờ khi đi học lại, hầu hết các em đều đảm bảo bài vở theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, các khối lớp dưới thì tỉ lệ học sinh tham gia học trực tuyến không cao.

Trong khi đó, thời gian lại không còn nhiều, để hoàn thành chương trình học kỳ II và kiểm tra cuối học kỳ trước 30-6, các giáo viên bộ môn sẽ cân nhắc để giảng dạy cho phù hợp. Có bài chỉ dạy theo hướng cơ bản, trọng tâm, riêng phần nội dung đào sâu kiến thức sẽ để lại cho năm học sau.

Trước khi bước vào năm học mới 2020-2021, các tổ bộ môn sẽ thống nhất kế hoạch dạy bổ sung những phần mà học kỳ II năm học 2019-2020 chưa làm được.

Thầy Trần Trung Kiên (hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, TP.HCM)

Năm nay chưa kịp thì năm sau

Trong điều kiện thời gian còn rất ngắn, trình độ học sinh lại không đồng đều, có em đã học online, có em chưa học nên trường chúng tôi chọn giải pháp: tập trung tối đa cho học sinh lớp cuối cấp để các em đi thi. Học sinh các khối lớp còn lại thì dạy được tới đâu hay tới đó - không tạo áp lực lên học sinh.

Sở GD-ĐT TP.HCM đã cho phép các trường chủ động trong việc giảng dạy và ra đề kiểm tra cuối học kỳ, vì vậy đến cuối tháng 6-2020, các em vẫn làm bài kiểm tra cuối học kỳ II nhưng đề kiểm tra sẽ ra theo phương châm "Học đến đâu, kiểm tra đến đó". Những phần nào năm nay chúng tôi chưa kịp dạy thì để lại cho năm học sau dạy tiếp chứ không bỏ. Bởi học sinh còn phải trải qua nhiều kỳ thi quan trọng, nếu bỏ bớt một phần kiến thức, sau này khi đi thi các em không làm được thì giáo viên rất có lỗi.

(Một giáo viên môn toán ở TP.HCM)

Thầy trò Thầy trò 'vắt chân lên cổ' chạy cho kịp chương trình sau thời gian nghỉ tránh dịch

TTO - Sau thời gian nghỉ học dài ngày và dạy trực tuyến, nhiều trường đang ra sức 'chạy' cho kịp chương trình vì học sinh học trực tuyến không đều hoặc tiếp thu bài chưa tốt.

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: chương trình học