Sở thú Medan vận động… góp tiền nuôi thú
Hôm thứ hai 27-4 mới đây, Sở thú Medan ở bắc Sumatra đã phát động một chiến dịch quyên góp tiền, với hy vọng thu được số tiền tối thiểu đủ để trang trải ngân sách hoạt động và cung cấp thức ăn cho khoảng 270 động vật, trong đó có 16 con cọp Sumatra thuộc danh sách các loài bị đe dọa tuyệt chủng - theo Sách Đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN).
Mỗi ngày, Sở thú Medan cần khoảng ba triệu rupiah (Rp, đơn vị tiền tệ của Indonesia) để nuôi động vật của họ. Tuy vậy, từ khi bị đóng cửa do lệnh phong toả vì Covid-19, thu nhập của Sở thú hiện giờ chỉ bằng… 0.
“Hiện chưa có động vật nào trong Sở thú Medan chết vì đói.” - ông Aini Chaniago, một đại diện của cơ sở này, cho biết – “Nhưng nếu tình hình như hiện nay vẫn kéo dài, tất cả động vật ở đây đều có nguy cơ bị chết đói. Chúng tôi không có đủ tiền để mua thức ăn cho chúng.”
Trước mắt, Sở thú Medan đã được các doanh nghiệp trong thành phố và ngân hàng cho vay khu vực Sumut hỗ trợ 57 triệu Rp.
Theo khảo sát của Hiệp hội Sở thú Indonesia (PKBSI), 92% thành viên của Hiệp hội - gồm 55 sở thú ở Java, Sumatra, Lombok, Bali và Borneo - chỉ có đủ thức ăn nuôi động vật của họ cho tới giữa tháng 5 này. Bên cạnh đó, có 3 sở thú có thể cung cấp thức ăn từ một tới ba tháng, và 2 sở thú khác có đủ thực phẩm cho thú nuôi nhốt trong hơn ba tháng.
Các sở thú trong Hiệp hội có hơn 70.000 động vật, thuộc 4.912 loài đặc hữu của Indonesia và những loài từ các nơi khác trên thế giới. Trong đó, có các động vật thuộc các loài cần được bảo tồn, như cọp Sumatra, đười ươi Borneo, voi Sumatra và trâu rừng lùn Anoa.
Nạn đói đang trở thành mối đe dọa lơ lửng trước mắt với tất cả động vật sống trong các sở thú Indonesia, do khách tham quan buộc phải ở nhà vì dịch Covid-19.
“Không phải tất cả các sở thú đều nhận được tiền từ chính phủ.” - ông Sulhan Syafi’i, người phát ngôn của Hiệp hội, nói với báo Jakarta Post hôm 24-4 – “Một số sở thú thuộc sở hữu tư nhân, doanh thu dựa hoàn toàn vào việc bán vé tham quan, nên bây giờ các nhà quản lý phải chật vật kiếm tiền để mua thức ăn nuôi thú.”
Trong vài năm qua, theo tạp chí National Geographic và báo Hồng Kông South China Morning Post, nhiều sở thú ở Indonesia đã từng bị phạt vì điều kiện nuôi nhốt quá tệ, và không đảm bảo thức ăn đủ dinh dưỡng cho động vật nuôi nhốt.
Biện pháp cuối cùng: “Lấy mỡ nó rán nó”
Gần đây, các thành viên của Hiệp hội bắt đầu chia sẻ với nhau chiến lược… quản lý thức ăn chăn nuôi, bao gồm giảm số lượng, và thay đổi thành phần thức ăn cho thú nuôi, hoặc sử dụng các loại thực phẩm thay thế.
Ông Sulhan Syafi’i, người cũng là thành viên Ban quản lý Vườn bách thú Bandung ở Tây Java, cho biết: “Bandung thường cho một con beo ăn hai ngày một lần, với khoảng 3-4kg (thịt bò, thịt cừu). Hiện giờ, chúng tôi đã đổi chế độ ăn đó thành thịt bò và… thịt gà.”
Sự thay đổi tương tự cũng đang được thực hiện ở các sở thú nuôi nhiều động vật ăn thịt, như Taman Safari Indonesia (TSI) ở Bogor, Tây Java - nơi có 134 loài thú ăn thịt, gồm beo Java, sư tử và beo đốm. TSI hiện đã ngừng nhập khẩu thịt để nuôi chúng.
"Những con cọp thường được cho ăn sáu ngày một tuần, nhưng bây giờ chúng tôi chỉ cho chúng ăn năm ngày. Có thể chúng tôi sẽ chỉ cho chúng ăn bốn ngày một tuần, nếu tình hình như hiện nay vẫn chưa kết thúc.” - ông Tony Sumampau, giám đốc TSI, kiêm tổng thư ký Hiệp hội Sở thú Indonesia, nói.
Cô Indra Exploitasia, giám đốc bảo tồn đa dạng sinh học của Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, xác nhận về khả năng hy sinh một số loại động vật ăn cỏ trong các sở thú, để lấy thịt nuôi những động vật ăn thịt, với sự cho phép của Bộ. Theo cô, đó là… biện pháp cuối cùng, nhưng phải kèm theo các tiêu chí, như: chỉ chọn thú ăn cỏ có khả năng sinh sản nhanh, và không phải các loài đặc hữu của Indonesia, hoặc các loài trong danh sách bảo tồn.
“Chúng tôi không muốn điều đó xảy ra. Chúng tôi hy vọng đại dịch sẽ sớm kết thúc.” – cô Indra nói.
Dự phòng rủi ro bất ngờ… trong tương lai
Hiệp hội Sở thú Indonesia (PKBSI) đã gởi thư tới tổng thống Joko Widodo và các Bộ liên quan, kiến nghị chính phủ chú ý hơn tới hiện trạng và phúc lợi của các sở thú, cùng các trung tâm bảo tồn khác trong thời gian có dịch Covid-19.
Theo tổng thư ký PKBSI Tony Sumampau, gần đây đã có bốn sở thú đăng ký tham gia Hiệp hội, với hy vọng họ có thể được chính phủ giúp đỡ. Để đăng ký thành viên PKBSI, các sở thú phải có kế hoạch dự phòng rủi ro bất ngờ trong tương lai.
“Chúng tôi vẫn có kế hoạch dự phòng, nhưng chỉ trong từ một tới hai tháng. Do lệnh phong toả vì Covid-19, nay đã là… một tháng kể từ khi các sở thú bắt đầu bị đóng cửa, không còn khách tham quan.” - ông Tony than thở.
Trả lời phỏng vấn của báo Jakarta Post, cô Indra Exploitasia cho biết: Bộ Môi trường và Lâm nghiệp đang chuẩn bị cơ sở pháp lý về việc cung cấp tài trợ của chính phủ cho các sở thú bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Bộ này cũng đã gởi thư cho các Bộ Kinh tế, Tài chính và Nội vụ, đề nghị xem xét giãn thuế cho các sở thú.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận