02/09/2019 07:20 GMT+7

Vị bác sĩ có... 20 người con

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - 51 tuổi, chỉ có 2 đứa con ruột nhưng ông lại có gần 20 đứa "con rơi". Tất cả đều đang tuổi ăn học. Tuy nhiên, số con ấy chưa dừng lại ở đó bởi tất cả đang là một chuỗi hành trình đặc biệt.

Vị bác sĩ có... 20 người con - Ảnh 1.

Ông Thiện cùng Nhói hái rau cải thiện bữa ăn - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Biết xã khó nên muốn xin chi thì ổng lại vác xe đi về phòng, huyện để xin. Mà cứ xin là có. Rứa mới hay chứ.

Ông Hồ Văn Nghiệp (phó chủ tịch xã A Vao)

Đó là câu chuyện độc đáo của người cha, vị bác sĩ nghèo Trịnh Đức Thiện giữa rẻo cao đại ngàn xã A Vao (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị).

Vị bác sĩ "mê tín"

Con đường bêtông đầy sỏi đá với nhiều đoạn đứt quãng do mưa lũ cuốn trôi là lối đi duy nhất nối A Vao với các xã trung tâm. Ngồi ngay giữa trạm xá khang trang, câu chuyện băng rừng thăm khám cho bà con trong suốt 21 năm trời được ông Thiện kể như chiếu từng thước phim tua chậm.

Tốt nghiệp ngành y chưa đầy một năm, năm 1998 chàng y sĩ với sức trẻ đôi mươi rời miền sơn cước A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) để đến với A Vao. 

Ngày mới đến, ông khiếp sợ trước nạn "đẻ chòi" - một tập tục kỳ dị của người dân tộc Pa Cô đã diễn ra hàng chục năm trời. Tục này buộc các bà, các chị sắp sinh phải ra bờ suối hoặc vào tận bìa rừng để dựng cho mình một cái chòi. Đây là nơi họ sẽ lủi thủi một mình, tự đẻ rồi sống ở đó như con "ma rừng" cho đến hết thời gian kiêng cữ mới được vào nhà. 

"Gọi chòi cho vui chứ thực ra chỉ mấy tán cây con vít chùm lấy nhau. Chẳng một mảnh vải làm chăn, làm giẻ lau. Mọi thứ chỉ được bao quanh bởi lau lách, lá chuối thôi" - ông Thiện giải thích.

Quyết không để thêm trường hợp nào nữa tử vong khi đẻ chòi, hễ nhà ai có người sắp sinh, ông Thiện lại khăn gói đến ở nhờ. Từ thủ thỉ, khuyên can đến dọa nạt... chỉ để xin được đưa mẹ con họ về trạm xá. Người dễ tính thì đồng ý về trạm, còn người khó thì cứ mãi ở bìa rừng. 

Nhưng dần cũng thành quen, lượng người về trạm xá ngày một đông. Từng căn chòi một bị phá đi. Và để rồi, suốt 5 năm ngủ nhờ làm dân vận, cuối tháng 11-2004, căn chòi đẻ cuối cùng của xã được đốt rụi trong đêm. "Chấm dứt nạn đẻ chòi" - ông Thiện cười nhớ lại.

Ánh lửa vàng từ căn chòi đẻ bừng sáng trong đêm như mang lại nguồn sống mới cho hàng nghìn phụ nữ A Vao. Từng được ông Thiện đỡ đẻ 2 lần tại trạm, chị Hồ Thị Nghị (42 tuổi) vẫn chạnh lòng mỗi khi nhớ lại cảnh mình lủi thủi "vượt cạn" trong căn chòi lạnh giữa đêm khuya. 

"Ba đứa đầu làm chi mà được đẻ trạm. Một đứa đẻ ở suối, hai đứa đẻ trong rừng. Giá mà cái Thiện tới sớm thì đàn bà bản này đội ơn biết mấy" - chị Nghị tâm sự.

Như người hùng trong phong trào xóa nạn đẻ chòi, ông được dân làng nơi đây "phong" cho cái tên bất đắc dĩ: ông Thiện "đỡ đẻ". Cười phá lên khi nhắc đến cái tên, ông Thiện bảo: "Đỡ đẻ đã là gì khi đồng nghiệp còn gọi tôi là ông bác sĩ mê tín nữa kìa". 

Dứt tràng cười, ông vội giải thích rằng A Vao thời còn khó nghèo thì bệnh tật cũng liên miên. Với phong tục xem các thần của trời, đất và rừng là mấu chốt của mọi ốm đau nên việc cúng "con ma" mỗi khi đau bụng, ho sốt là điều mà người dân Pa Cô phải làm. Hầu ma quanh năm suốt tháng nhưng bệnh tật mãi chẳng thuyên giảm, có khi còn nặng hơn.

Sau nhiều đêm thức trắng, ý tưởng mới ra đời. Một căn chòi nhỏ được chính ông dựng lên ngay trong khuôn viên trạm xá. Thắc mắc khi trạm xá có chòi, nhiều đồng nghiệp tưởng ông bị "con ma" bắt nhập. Nhưng mặc kệ, ông cứ cười mà chẳng cần giải thích. 

Việc từng ăn, từng ngủ cùng người dân A Vao ngần ấy năm đủ giúp ông hiểu rõ điều dân đang nghĩ. Bởi ông biết dân chẳng sợ viên thuốc làm hại người, mà chỉ sợ không được hầu thần cúng ma thì phật tội. Khi được cúng, số người ốm đồng ý đến trạm ngày một đông. Sáng thăm khám thì vào giường bệnh. Chiều cúng bái lại ra chòi. 

"Căn chòi đó được tôi lập nên cũng chỉ để phục vụ nhiêu đó. Ai nói gì cũng kệ. Chả sao. Miễn họ để tôi thăm khám, vào thuốc cho người bệnh. Còn muốn cúng thì ra chòi đó mà cúng là được" - ông Thiện nói.

Việc ông Thiện buộc lễ cúng ở trạm phải có gà càng làm cho đồng nghiệp "khiếp sợ" trước sự mê tín của ông. Tuy nhiên, việc đưa gà đến trạm được ông Thiện giải thích ngắn gọn rằng nếu ở nhà thì con gà sau khi cúng sẽ được chia nhiều phần cho mọi người trong nhà. Còn ở đây, con gà đó được dành hết cho người ốm. Vẹn cả đôi đường. 

"Mang gà đến đâu phải cho tôi. Không bảo mang thì họ vẫn làm cúng. Bởi cúng bái khi ốm đã là việc ăn sâu vào họ nên việc tôi bảo mang đến trạm cũng có lý của tôi" - ông tâm sự.

09-1

Ông Thiện chăm sóc vườn cây thuốc ở trạm xá - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Vị bác sĩ có tâm!

Tháng 7, mùa chuẩn bị vào năm học cũng là lúc vợ chồng ông rời nhà trên chiếc xe máy cũ "hành khất" đến những thị trấn lớn. Cơ quan, đoàn thể, trường học hay cả các hộ gia đình dọc khắp trên đường đi đều là nơi họ sẽ ghé lại. Chẳng phải tiền, thứ mà vợ chồng ông xin về là những bộ áo quần, những tập sách dù cũ hay mới.

"Nhìn tụi nhỏ không phải co ro mỗi khi đông về thì việc vợ chồng tôi có chạy bao nhiêu cây số cũng có sá gì" - ông Thiện cười nói.

Với 21 năm trời bám trụ ở A Vao, ông Thiện là người ngoại xã duy nhất làm việc qua ba đời bí thư, chủ tịch của xã này. Và để có được dãy trạm xá hai tầng tươm tất cùng các trang thiết bị tiện nghi như hiện nay cũng do một tay ông Thiện cắp cặp gõ cửa trực tiếp nhiều đời chủ tịch, bí thư huyện Đakrông mà có.

Gần 20 người "con rơi"

Sực nhìn lại đồng hồ khi đã quá giờ trưa, bác sĩ Thiện cuống quýt lên khi nghĩ về đám trẻ. Ông vội đi thoăn thoắt dưới cái nắng gắt miền đất lửa. Dù không còn cái rắn rỏi của tuổi đôi mươi nhưng sự mạnh mẽ, dứt khoát vốn có của người con đại ngàn là thứ mà ai gặp ông đều thấy rõ.

Căn nhà xây ẩm thấp với những mảng sơn loang lổ mà hai vợ chồng ông Thiện cùng gần 20 "người con" đang chung sống nằm cách trạm xá không xa. Vừa bước chân vào nhà, tiếng la hét, chọc phá lẫn xen tiếng khóc của đám trẻ cứ đập thẳng vào tai. 

Nhưng chỉ sau câu nói "Ai đi hái rau cùng bố nhỉ, trưa nay mình có khách!" là tiếng "Dạ, con, con" tranh giành phát ra văng vẳng từ cuối nhà. "Vì hè nên chỉ còn 6 đứa thôi. Chứ nếu vào mùa học năm tới cả thảy chắc cũng gần 20" - ông Thiện nói.

Là anh cả, Hồ Văn Nhói là người được bố Thiện chọn đi hái rau cùng. Đó là một khoảng vườn nhỏ với đủ loại rau quả như mướp hương, mồng tơi, rau khoai, thơm... xanh tươi. Những ngọn rau xanh hay con cá bắt được dưới suối là thứ để ông cải thiện bữa ăn cho đám con, bởi với đồng lương ít ỏi từ chức vụ trưởng trạm của mình thì chẳng bao giờ đủ.

A Vao là một xã biên giới giáp Lào với vỏn vẹn 600 hộ dân. Việc có nhiều hộ gia đình nằm cách điểm trường đến hơn nửa ngày đi bộ khiến tình trạng bỏ học giữa chừng cũng diễn ra thường xuyên. Bất chấp những thiếu thốn, lấy tấm lòng khuất phục khó khăn, bác sĩ Thiện lặng lẽ đưa gần 20 đứa trẻ chẳng hề máu mủ về nhà mình ăn học suốt nhiều năm nay, chỉ mong để gieo cho chúng những con chữ đầu đời.

Đèo bòng - đó là cách mà người đời nhận xét về việc nhận nuôi gần 20 đứa trẻ đang tuổi ăn học dưới cái nghèo vốn có của ông Thiện. Thế nhưng, chẳng một phút bận lòng, "đàn con" ấy vẫn cứ tăng sau mỗi năm học mới. Chị Hoàng Thị Thương (37 tuổi, vợ ông Thiện) chia sẻ: "Ban đầu thấy cũng lo. Nhưng thấy ảnh thương mấy đứa quá nên không nỡ mà can ngăn. Mặc kệ ai nói chi, mình cứ sống yên vui với đời. Còn trẻ nên rồi mô lại vô đó!".

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên