TTCT - Buổi chiều cầm máy ảnh ra săm soi gặp cảnh ông nội ngồi đánh tranh. Thời nay đâu có ai lợp nhà bằng thứ cỏ này nữa. Ông tôi đánh tranh để làm cái chòi lá ngồi chơi, hoặc để lợp chòi vịt, hoặc thấy cỏ tranh tốt thì tiếc nên bứt về bện thế thôi. Tám mươi tuổi, ngày ngày ông vẫn lao động chân tay như thanh niên. Ông nói làm mới khỏe người, ngồi một chỗ mau chết lắm. Bà nội đi qua chì chiết: “Sướng không ưa, cứ thích cực khổ, lẽ ra giờ ông sướng như Mỹ rồi”. Chúng tôi, những đứa cháu nội, nghe quá quen câu này của bà nên chỉ cười. Ông nội không phản ứng lại, cặm cụi làm, như chấp nhận rằng bà đang đúng. Bốn mươi hai năm trước, đúng cái tháng 4 này là hết chiến tranh, ông là lính miền Nam phải đi cải tạo học tập sau giải phóng. Mình bà nội ở nhà làm lụng buôn bán nuôi năm người con. Quãng thời gian một mình thân cò đó thi thoảng bà nội có nhắc lại sơ sơ, đủ để chúng tôi biết cảnh nhà, cũng phần nào hiểu thêm thân phận lịch sử mà phần đó sách vở không nói tới. Những năm 1990, ông tôi thuộc diện chương trình định cư nhân đạo Hoa Kỳ (HO) nhưng ông không đi vì nghĩ hòa bình rồi, hết súng đạn rồi, ở quê sướng hơn. Bà nội vẫn quen nghiệp bán buôn chạy chợ, cứ hễ về đến nhà đặt triêng gióng xuống lại kêu buôn bán cực quá, sao ông không đi Mỹ cho tui sướng cái thân. Chiều ý bà, ông lại lục tục đi hỏi han tình hình bạn hữu từng vào sinh ra tử xem còn đợt định cư Hoa Kỳ nào không. Bấy giờ ông bà đã lo chuyện cưới vợ cho mấy người con xong xuôi, ông bà có đi Mỹ cũng coi như... đi du lịch. Mãi đến năm 2006, có thông tin đợt tái định cư cuối cùng (HR), bà nội gom hết tiền bạc cùng ông đi Sài Gòn nộp hồ sơ với sự tự tin rất cao rằng chuyến này chắc chắn được sang Mỹ. Hồ sơ của ông bị loại vì cuộc phỏng vấn độc lập giữa ông và bà không ăn khớp. Chính xác thì ông khai đúng mọi thứ. Riêng phần bà nội hỏi gì bà cũng nói không biết. Hỏi hồi đó ông làm cảnh sát miền Nam lương tháng bao nhiêu? Bà nói chịu, ông được mấy lương đi tiêu xài hết có đem về đâu mà tui biết. Hỏi ông được cấp mấy khẩu súng bà cũng lắc đầu vì lúc đó mắc lo việc nhà với bầy con, đâu có biết chi chuyện bắn nhau. Ông bà trở về quê, lại sinh sống bình thường. Ông vẫn lao động chân tay hằng ngày, bà lại lo buôn bán. Sau chuyến đi Sài Gòn đó chúng tôi không nghe bà căn vặn chì chiết ông nữa. Mấy đứa cháu bảo nhau chắc bà chán Mỹ rồi. Nhưng chưa hẳn, bằng chứng là thỉnh thoảng nghe có nhà nào đó được thân nhân bên Mỹ gửi tiền về cho, bà lại dằn ông ra trách: “Coi người ta cũng đi lính, cũng đi cải tạo mà giờ con cháu được hưởng. Còn con cháu ông có chi không?”. Chúng tôi định thưa lại với bà nội, rằng có ông nội ở đây vẫn sướng hơn chứ. Cháu con được hưởng tình thương trực tiếp, được ông dạy cho rằng lao động mới là điều quý giá nhất. Nhưng đem lời ra thưa có khi lại như muối xát vào vết cắt. Năm ngoái, có đạo diễn hãng phim tài liệu khoa học trung ương về Quảng Trị làm phóng sự chuyện canh giữ đôi bờ giới tuyến Hiền Lương - Bến Hải trước bảy lăm. Đạo diễn về tận nhà gặp ông nội vì ông là một trong số rất ít cảnh sát bờ Nam sông Bến Hải còn sống. Trong lúc ông nội đang kể chuyện sôi nổi để đạo diễn làm phim thì bà nội chạy vào nói: “Chú đạo diễn quay mần răng để họ biết, họ cho ông bà tui đi Mỹ thì tốt quá”. Chúng tôi cười một trận, rồi kéo bà ra bảo đây là phim cách mạng bà ơi. Đến khi xe đoàn làm phim chở ông ra cầu Hiền Lương, bà ở nhà vẫn còn ấp ủ hi vọng, biết đâu được ra ngoài đó gặp người Mỹ nào họ phục hồi hồ sơ tái định cư cho ông cũng nên. *** Mới hôm rồi coi phim tài liệu Một đất mẹ cho tất cả, tới đoạn ông nội và một cựu công an bờ Bắc sông Bến Hải cùng bước đi trên cầu Hiền Lương trò chuyện thân mật. Hai người lính hai bên chiến tuyến sau hơn bốn mươi năm gặp lại trong tình hòa hợp thân ái đầy xúc động. Ngần ấy năm chiến tranh đã đi qua, những người từng là thù địch nay đã cởi mở tấm lòng với nhau, thế mà bà với ông cứ “chiến tranh” hoài... Bà nội coi phim xong lặng lẽ nhìn ông, vẻ trìu mến hơn. Buổi chiều, bà ra coi ông đánh tranh rồi hỏi ông thích ăn chi tui mua. Tuyệt nhiên bà không căn vặn ông chuyện đi Mỹ nữa. Chúng tôi nói với nhau: “Chắc bữa nay hết chiến tranh thiệt rồi!”.■ Tags: Hoàng Công DanhVết tranh
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.