Vết chai chân. Ảnh minh họa |
Ngày 4-1-2013 tôi khám tại Bệnh viện Q.Phú Nhuận (TP.HCM), bác sĩ định bệnh u sợi thần kinh bàn chân P. Ngày 5-1-2013 định bệnh chai chân và được tiểu phẫu tại BV Phú Nhuận nhưng không hết và tái lại.
Ngày 10-5-2013 tôi khám tại BV Nhân Dân 115, bác sĩ định bệnh: Mắt cá và chai chân được tiểu phẫu, lấy ra một vật thể kích thước khoảng 8x4x1mm màu da người nhưng vẫn tái phát.
Ngày 2-4-2014 tôi khám tại BV Da liễu TP.HCM, được điều trị đốt bằng tia laser, song vẫn bị tái lại và không hết.
Ngoài ra, tôi cũng lấy củ hành tím xắt mỏng, dùng băng dán tại chỗ bị chai mỗi đêm trong một tháng nhưng không có kết quả.
Hiện nay chân tôi bị chai lại (vùng da khoảng 10x15mm). Khi đi, đứng lâu, đôi khi có một thoáng nhói đau. Tôi muốn được tư vấn: nguyên nhân gây bệnh, bệnh có lây không? Có chữa hết hẳn được không, chữa ở đâu? Xin cảm ơn.
- Theo ông mô tả thì ông đã bị chai chân. Chai chân là tình trạng dày sừng vùng gan bàn chân. Nguyên nhân do khi bước đi một số vùng bàn chân bị áp lực đè lên quá cao (nhất là vùng da nằm dưới chỏm xương bàn chân).
Chai chân có thể là vùng dày sừng to hoặc chỉ là một vùng rất nhỏ giống như hạt gạo. Người bệnh thường cảm giác đau có thể do cục chai chân hoặc do kết hợp với việc tăng áp lực lên chỏm xương bàn chân, gây ra căng bao khớp bàn ngón chân, viêm gân gấp ngón chân.
Nguyên nhân gây bệnh: cho đến nay người ta nghĩ rằng tăng áp lực vùng da gan chân sẽ làm hình thành cục chai chân. Bệnh không lây mà dễ tái phát.
Việc mổ lấy đi cục chai chân nhưng không loại trừ áp lực đè lên vùng chai chân sẽ làm nhanh chóng xuất hiện trở lại cục chai chân.
Vùng dày sừng ngày càng phát triển thêm. Do đó việc điều trị sẽ gồm tìm nguyên nhân làm tăng áp lực, để từ đó làm giảm bớt áp lực lên vùng này.
Một số thuốc dùng bôi tại chỗ giúp làm mềm da có thể gọt bớt vùng da này hoặc có thể dùng dao gọt bớt cục chai nhưng cần phải làm trong điều kiện vô trùng và do bác sĩ thực hiện.
Nếu gọt quá nhiều cũng gây chảy máu và nhiễm trùng.
Việc làm giảm bớt áp lực đè lên vùng chai chân là rất quan trọng để ngăn ngừa tái phát. Một số dụng cụ lót trong giày, lót cho vùng chai chân được dùng để làm phân tán bớt lực đè lên gan chân, đè lên chỏm xương bàn chân.
Nếu chỉ trông chờ vào việc tiểu phẫu lấy đi cục chai chân sẽ là thất bại vì nguyên nhân vẫn chưa được loại trừ. Hiện TP.HCM có nhiều khoa chấn thương chỉnh hình nhận điều trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận