Không chỉ các ĐH ngoài công lập, ĐH địa phương, ngay cả các ĐH vùng có lịch sử lâu đời như Huế, Đà Nẵng cũng trong tình cảnh này.
Phóng to |
Trường ĐH Văn Hiến nhiều khả năng phải đóng cửa hai ngành văn học và xã hội học trong kỳ tuyển sinh năm nay. Trong ảnh: thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển NV3 tại trường - Ảnh: Như Hùng |
Chưa năm nào số trường, số ngành phải đóng cửa nhiều như năm nay. Ngay khi kết thúc nguyện vọng (NV) 1, ĐH Đà Nẵng đã thông báo không mở hai ngành kinh tế chính trị và thống kê tin học. Tương tự, Trường ĐH Phạm Văn Đồng cũng không thể mở ngành tài chính ngân hàng và Trường ĐH Phú Yên quyết định đóng cửa ngành tin học sau khi kết thúc NV1.
Hàng loạt trường đóng cửa ngành
TS Hoàng Hữu Hòa - trưởng ban khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế - cho biết có thể một số ngành như lịch sử, Hán Nôm, tin học, toán tin ứng dụng, triết học... sẽ không mở được trong năm nay. Trường sẽ vận động thí sinh chuyển sang ngành khác cùng khối thi và điểm chuẩn. Trường ĐH Nha Trang với thế mạnh về các ngành đào tạo kỹ thuật hàng hải, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, thế nhưng những năm gần đây số lượng thí sinh trúng tuyển nhóm ngành này cứ teo tóp dần.
Kỳ tuyển sinh năm nay, trường buộc phải đóng cửa hai ngành kỹ thuật khai thác thủy sản, kinh tế và quản lý thủy sản sau khi xét tuyển NV2. Tương tự, Trường ĐH Quy Nhơn cũng tạm ngừng tuyển sinh ngành tâm lý giáo dục sau khi xét tuyển NV2 bởi chỉ có năm thí sinh trúng tuyển.
"Các ngành sư phạm, kể cả các ngành sư phạm cơ bản, bị ghẻ lạnh là điều đáng báo động. Nhà nước cần có chính sách để phát triển các ngành này, nếu không sẽ có tác động không tốt đến sự phát triển chung của hệ thống giáo dục " |
Không chỉ các ngành nhóm kỹ thuật, khoa học cơ bản, năm nay rất nhiều ngành sư phạm cũng bị thí sinh ngó lơ và một số trường không còn cách nào khác là phải đóng cửa ngành. TS Nguyễn Văn Đệ - hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp - cho biết kỳ thi tuyển sinh năm nay trường phải đóng cửa các ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, khoa học thư viện và công nghệ thiết bị trường học (bậc CĐ).
Nhiều ngành khác vẫn gắng gượng mở ngành khi lượng thí sinh trúng tuyển chỉ đạt khoảng 50% chỉ tiêu. Ở khối trường công lập, Trường ĐH An Giang là đơn vị có số ngành phải đóng cửa nhiều nhất, trong đó có ba ngành đóng cửa sau khi kết thúc NV1 gồm sư phạm tin học, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, sư phạm kỹ thuật công nghiệp. Trong khi đó, các ngành sư phạm vật lý, sư phạm hóa học, sư phạm địa lý và chăn nuôi thú y dù đã phải xét tuyển đến NV3 nhưng vẫn không có thí sinh và trường cũng buộc phải đóng cửa các ngành này.
Ở khối trường ngoài công lập, tình hình cũng không mấy khả quan. Trường ĐH Quang Trung (Bình Định) chỉ tuyển được khoảng 2/3 chỉ tiêu. Lần đầu tiên trường này buộc phải đóng cửa hai ngành công nghệ thông tin, kinh tế và quản lý môi trường. Trường ĐH Yersin (Đà Lạt) cũng trong tình cảnh tương tự.
Các ngành công nghệ thông tin và công nghệ sinh học có thể rất “hot” ở nhiều trường khác nhưng lại vắng thí sinh ở trường này và trường phải dừng tuyển sinh trong năm nay. Với thế mạnh và có truyền thống về các ngành xã hội nhưng nhiều năm nay nhóm ngành này ở Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM lại rất thưa thớt thí sinh. Ông Trần Chút - phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến - cho biết trong kỳ tuyển sinh năm nay, hai ngành văn học và xã hội học nhiều khả năng sẽ phải đóng cửa.
Giành giật thí sinh
Lãng phí nguồn lực Theo TS Phạm Thị Ly - Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ĐHQG TP.HCM, bức tranh chung là những ngành phải đóng cửa không chỉ bao gồm khoa học xã hội và nhân văn, các ngành kỹ thuật như nông nghiệp, chăn nuôi mà cả các ngành từng thu hút nhiều thí sinh như kinh tế, ngoại ngữ... ở một số trường cũng không có đủ người để mở lớp. Hậu quả tức thời là tặng điểm, treo thưởng, khuyến mãi cùng nhiều “tiểu xảo” để thu hút thí sinh, những hiện tượng chỉ góp thêm sự bát nháo vào một hệ thống vốn đã nhiều bất cập. Hậu quả lâu dài và nghiêm trọng hơn là lãng phí nguồn lực của giáo dục và nhất là tạo ra tác động tiêu cực cho việc đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai. |
Tặng tiền cho thí sinh, trả tiền “môi giới” cho những ai giới thiệu được thí sinh đến trường nhập học là những chiêu được nhiều trường ĐH tung ra trong tuyển sinh năm nay. Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định), Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa) đều có chính sách “động viên” các đơn vị nếu làm tốt việc khuyến khích thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường, trường gửi tiền tặng đến từng đơn vị với số tiền 250.000 đồng/thí sinh.
Cũng nhằm “giành giật” thí sinh, một số trường đã ép thí sinh không trúng tuyển bậc ĐH vào học bậc CĐ của trường dù thí sinh không có nguyện vọng. Thậm chí thí sinh đến trường đòi, trường kiên quyết không trả để thí sinh xét tuyển vào trường khác. Trong khi đó, Trường ĐH Trà Vinh dành 500 chỉ tiêu liên kết đào tạo theo địa chỉ ở hàng loạt điểm ở Đồng Nai, Sóc Trăng, Long An. Việc “bán chỉ tiêu” này được tổ chức hoàn toàn sai với hướng dẫn về đào tạo theo địa chỉ của Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, đáng kể nhất là hàng loạt trường bất chấp quy chế tuyển sinh, làm méo mó công tác xét tuyển, vơ vét người học bằng đủ mọi giá. Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) tự ý giảm điểm sàn khi tặng 0,5 điểm cho thí sinh xét tuyển vào trường!
Cũng để vơ vét thí sinh, Trường CĐ Viễn Đông nhận hồ sơ nhập học của thí sinh khi chưa hết thời gian xét tuyển NV2. Nghiêm trọng hơn cả là Trường CĐ Công nghệ Bắc Hà (Bắc Ninh) liên kết với Trung tâm Đào tạo các vấn đề kinh tế hiện đại (CMET) ở quận 4, TP.HCM với hình thức tuyển sinh bậc CĐ chính quy hoàn toàn không theo quy chế hay quy định nào hiện hành.
Theo thông báo, nơi đây bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 5-8 (trước quy định 20 ngày), xét tuyển đợt 1 từ ngày 15 đến 18-8 và đợt 2 từ 25-8 đến 15-9! Không những thế, trường này còn thản nhiên vận dụng điều 33 quy chế tuyển sinh dù chẳng có trụ sở hay đào tạo nhân lực cho TP.HCM! Thậm chí nơi này còn tuyển cả thí sinh dưới điểm sàn. Tuy đã tung đủ chiêu nhưng rất nhiều trường vẫn “đói” thí sinh.
Kỳ 2: “Lạm phát” đại học
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận